Về việc mở rộng diện tích trồng lúa vụ 3

Bộ bảo “lợi”, chuyên gia kêu “hại”

- Thứ Bảy, 16/11/2013, 08:54 - Chia sẻ
Bộ NN và PTNT đang lấy ý kiến của các tỉnh, thành cho phương án Quy hoạch phát triển sản xuất lúa vụ thu đông (lúa vụ 3) ở đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 tầm nhìn 2030. Theo đó, Bộ NN và PTNT đề xuất mở rộng diện tích trồng lúa vụ 3 sau khi đưa ra những số liệu chứng minh việc trồng lúa vụ 3 sẽ giúp người nông dân tăng thu nhập, giảm được nghèo. Các chuyên gia ngành nông nghiệp lại không ủng hộ quan điểm này.

Bộ bảo “lợi”

Mấy năm gần đây, vào độ tháng 5, tháng 6, khi nông dân ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích lúa có bờ bao kiên cố được quy hoạch trồng 3 vụ lúa mỗi năm chuẩn bị lo gieo sạ thì thông tin có nên trồng lúa vụ 3 hay không lại được đề cập dồn dập trên báo chí. Năm nay, tới đầu tháng 11, câu chuyện trồng lúa vụ 3 nóng hơn nữa bởi Bộ NN và PTNT đưa ra phương án Quy hoạch phát triển sản xuất lúa vụ 3 để lấy ý kiến của các địa phương. Văn bản góp ý phải được gửi về trước ngày 15.12. Sau ngày này, địa phương nào không gửi phản hồi sẽ được xem như đồng ý với các chỉ tiêu trong Dự thảo Quy hoạch.


Nguồn:baoninhbinh.org.vn
Trong Dự thảo Quy hoạch dài 30 trang, Bộ NN và PTNT dự kiến tiếp tục mở rộng diện tích trồng lúa vụ 3 trên toàn ĐBSCL gần 1 triệu hécta đến năm 2020, tăng khoảng 350 nghìn héctaso với hiện nay. Bộ NN và PTNT tính toán, 1 triệu hécta lúa vụ 3 trên đất 3 vụ lúa sẽ giúp khoảng 2 triệu hộ nông dân tăng thu nhập gấp 1,3 – 1,5 lần so với chỉ làm 2 vụ lúa. “Xét về thu nhập nông hộ, với trên 80% hộ trồng lúa có quy mô dưới 1 hécta, thì việc tăng thêm 1 vụ là cứu cánh cho tăng thu nhập. Ở quy mô 1,5ha/hộ, nếu làm 2 vụ chỉ đủ ăn, nhưng nếu làm thêm 1 vụ có thể tích lũy khá lớn, mà giữa đủ ăn và tích lũy là khoảng cách rất lớn đối với người dân nông thôn. Với hộ có khoảng 1ha có thể thoát nghèo khá vững chắc”, báo cáo của Bộ NN và PTNT nhận định.

Không chỉ góp phần tăng sản lượng lúa vùng ĐBSCL giai đoạn 2011 – 2020, theo Bộ NN và PTNT, trồng lúa vụ 3 còn cung cấp nguyên liệu cho chế biến thức ăn gia súc, thủy sản… Về mặt xã hội, hiệu quả của trồng lúa vụ 3 thể hiện ở chỗ sử dụng lao động quanh năm, tránh thời gian nhàn rỗi lâu ngày dễ dẫn đến tiêu cực trong sinh hoạt.

Tất nhiên, có rất nhiều khó khăn trên phạm vi toàn vùng trong phát triển sản xuất lúa vụ 3. Báo cáo liệt kê được tới 10 khó khăn chung. Trong đó, đáng lưu ý nhất phải kể tới: “quản lý nhà nước về thu mua, chế biến, xuất nhập khẩu gạo cũng như tiêu chuẩn vật tư nông nghiệp còn nhiều vấn đề tồn tại gây thiệt hại cho người sản xuất”. Kế đó, việc tìm kiếm, mở mang thị trường tiêu thụ gạo chất lượng cao còn hạn chế, dẫn tới bị động trong thu mua và giá thành không chênh lệch là bao so với lúa thường. Lũ lụt cũng là một trở ngại lớn với lúa vụ 3, ví như lũ năm 2011 làm giảm năng suất hơn 9.500ha, mất trắng hơn 9.000ha… Đó là chưa kể tới, ở mỗi vùng ngập lũ, hoặc không ngập lũ đều có những khó khăn riêng liên quan tới yếu tố không thể kiểm soát, đó là thời tiết và khí hậu.

Bộ NN và PTNT cho rằng, phát triển lúa vụ 3 chủ yếu là phát huy thành quả xây dựng hạ tầng, nhất là về thủy lợi và đầu tư trang thiết bị cho sản xuất lúa như máy móc, lò sấy, trạm bơm điện. Chỉ riêng đầu tư cho nâng cấp đê bao phục vụ việc mở rộng diện tích lúa vụ 3 ở vùng ngập sâu là đầu tư riêng cho lúa vụ 3. Dự kiến tổng mức đầu tư cho sản xuất lúa vụ 3 dao động trong khoảng 27.800 – 28.500 tỷ đồng. Bình quân mỗi năm, đầu tư khoảng 3.450 – 3.560 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách chi khoảng 11.000 – 12.000 tỷ đồng. Số còn lại là vốn tín dụng và người dân bỏ ra.    

Chuyên gia kêu “hại”

Suốt những năm gần đây, mỗi khi nói về việc mở rộng diện tích trồng lúa vụ 3, các chuyên gia trong ngành nông nghiệp luôn có tiếng nói trái chiều với Bộ NN và PTNT.

Giáo sư Võ Tòng Xuân, người gần 40 năm gắn bó với cây lúa, nói thẳng: “Tôi không đồng tình với ý kiến cho rằng để giúp người dân cải thiện đời sống thì phải làm thêm lúa vụ 3”. Ông cho rằng, mấy năm nay, số lượng gạo xuất khẩu đều tăng nhưng chưa hẳn đời sống người dân tốt hơn. “Ở một khía cạnh khác là chúng ta xuất khẩu càng nhiều gạo chẳng khác nào bảo hộ cho những nước mua gạo của Việt Nam. Đơn giản, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn ở mức thấp hơn Thái Lan, nếu cao hơn thì khó bán. Mỗi năm Chính phủ phải bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng, nạo vét kênh mương, đó là chưa kể tiền hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh nhưng số tiền bỏ ra này không được tính vào giá thành sản xuất lúa”. Đó là lý do Gs Võ Tòng Xuân nói tại sao chúng ta xuất khẩu càng nhiều gạo là càng bảo hộ cho những nước nhập khẩu gạo từ Việt Nam. Và, ông cho rằng ngành nông nghiệp không cần phải tiếp tục duy trì quan điểm làm lúa vụ 3 để giúp người dân cải thiện đời sống.

Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia tư vấn độc lập, Thành viên nhóm Đánh giá môi trường chiến lược 12 dự án Thủy điện dòng chính MeKong chia sẻ quan điểm của mình dưới góc nhìn kinh tếë. “Cần phải giải bài toán chi phí - lợi ích của việc canh tác lúa vụ ba trong mùa lũ để xem giữa tổng lợi ích và tổng chi phí thì cái nào lớn hơn”. Theo ông, lợi ích chủ yếu của phương án canh tác lúa vụ ba trong mùa lũ là thu nhập từ lúa và lợi ích tạo công việc làm. Điều này, chính Bộ NN và PTNT cũng đã thừa nhận trong báo cáo nhắc tới ở trên. Còn lý do tăng vụ vì an ninh lương thực quốc gia đối với một quốc gia xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới thì có lẽ không thuyết phục. “Nếu xét tất cả chi phí cho xã hội, kể cả chi phí trực tiếp và gián tiếp, kể cả chi phí tại chỗ và chi phí ở những nơi khác ĐBSCL thì có một danh sách dài những chi phí tiềm ẩn”, ông nói và liệt kê: “chi phí đầu tư đắt đỏ để xây dựng và duy tu đê; chi phí nhân lực, tài lực, vật lực cứu đê, cứu lúa; thiệt hại của những diện tích không cứu kịp; đất và con người không được nghỉ ngơi để hồi sức; phù sa không vào đồng được, mất nguồn dinh dưỡng tự nhiên, sau một thời gian đất sẽ bị kiệt dinh dưỡng và chi phí sản xuất sẽ tăng lên”. Ngoài ra, việc giảm diện tích nhận nước vào đồng sẽ làm cho nước chảy xiết hơn trong kênh mương, dẫn đến sạt lở, và tăng ngập ở những nơi khác, kể cả những thành phố, làng mạc ở phía hạ lưu. Do đó, sẽ phát sinh chi phí chống sạt lở và các biện pháp bảo đảm an toàn tài sản, tính mạng con người; tăng chi phí nạo vét cửa sông MeKong phục vụ giao thông thủy (do phù sa thay vì bồi lắng trên đồng thì bị trôi xuống vùng cửa sông); mất nguồn cá và tài nguyên thiên nhiên, sinh kế mùa lũ; nước thoát ra biển nhanh hơn trong mùa lũ gây xâm nhập mặn sâu hơn trong mùa khô.

Lăn lộn với ngành nông nghiệp nhiều năm, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện An Phú, An Giang Phạm Thành Tâm cũng cho rằng Nhà nước không nên có chủ trương quy hoạch mở rộng lúa vụ 3. Bởi đầu tư cho lúa vụ 3 khá tốn kém, nguy cơ dư thừa nguồn cung lúa lại khá rõ ràng. Theo ông Tâm, nên để việc trồng lúa vụ 3 tự phát như hiện nay, nghĩa là vùng nào có điều kiện trồng lúa vụ 3 thì sẽ trồng, không đầu tư thêm để mở rộng, trồng lúa vụ 3 ở những nơi không có điều kiện. 

Những vấn đề các chuyên gia nông nghiệp đặt ra với lúa vụ 3 cần được nhà hoạch định chính sách quan tâm. Nói như ông Nguyễn Hữu Thiện, nhà hoạch định chính sách cần phải đứng ở tầm nhìn cao hơn tầm nhìn cục bộ địa phương của một tỉnh hay một huyện, hay của một nhóm lợi ích (ví dụ lợi ích của việc có công trình đê để thi công).

Tiểu Phong