Bộ ba thần thánh trong “Rừng trúc” (Kỳ cuối)

Nguyễn Thị Minh Thái 11/07/2013 08:08

>> Bộ ba thần thánh trong “Rừng trúc” (Kỳ 1)

Cuộc hạnh ngộ thần thánh của bộ ba trong Rừng trúc

Và cái viết độc đáo của Nguyễn Đình Thi trong kịch bản Rừng trúc đã là câu trả lời tường minh, vì thế, chính nó đã xui khiến việc tìm kiếm được tri âm sân khấu để tạo lập một vở diễn hay về đề tài lịch sử, đích thị phải là đạo diễn Nguyễn Đình Nghi, người đã không ngừng chờ đợi, suy tư suốt hơn hai mươi năm trời để dàn dựng bằng được Rừng trúc, từ văn bản mà ông cho là thật sáng giá về kịch lịch sử của Nguyễn Đình Thi. Kể từ đây, ta lại được chứng kiến sự sinh nở vật vã một ngôn ngữ khác, đến lượt nó phải được hình thành từ văn chương kịch: ngôn ngữ dàn dựng sân khấu của đạo diễn Nguyễn Đình Nghi, cho cái diễn của Lê Khanh vai Lý Chiêu Hoàng, cùng dàn diễn viên giỏi nghề của Nhà hát Tuổi Trẻ.

Không chỉ Nguyễn Đình Thi có tín niệm mỹ học riêng về cái viết kịch lịch sử. Theo quan niệm khá tương đắc của Nguyễn Đình Nghi, kịch lịch sử bao giờ cũng buộc phải là những kịch bản về người anh hùng trong cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước đầy tự hào của dân tộc Việt Nam. Vậy nên, kịch lịch sử nào, theo ông, cũng đương nhiên phải có ít nhất “một nhân vật lịch sử đáng kính yêu”, nếu không, đạo diễn không đủ tình yêu sân khấu để dàn dựng kịch. Theo Nguyễn Đình Nghi, “trong quá trình lịch sử lâu dài hình thành tính cách riêng, dân tộc Việt Nam đã sản sinh ra vô số những nhân vật lịch sử đầy bản lĩnh và hết sức đáng yêu”, và chính những nhân vật kiểu này, như Lý Chiêu Hoàng, khi được tái hiện trong kịch lịch sử của Nguyễn Đình Thi, đã quyến rũ Nguyễn Đình Nghi nảy sinh nội lực bất ngờ để dàn dựng, và liên tiếp tự sinh, cho đến khi hiện hình vở diễn Rừng trúc. Đương nhiên, sau hơn hai chục năm chờ đợi, ông dồn hết tâm nguyện sáng tạo của mình cho Lê Khanh, diễn vai Lý Chiêu Hoàng, cùng với Anh Tú, vai Trần Cảnh.

Chính Nguyễn Đình Nghi đã tái sinh một Lý Chiêu Hoàng, bước ra từ Rừng trúc của Nguyễn Đình Thi, một bà hoàng tài sắc vẹn toàn, đa cảm, đa tình, đầy uy nghi và quyết đoán trí tuệ, với những cử chỉ lịch sử cao quý, xứng hợp nhất với sự tồn vong của giang sơn, đất nước, trong tình thế lịch sử nguy ngập, và sẵn lòng nhận chịu về mình bi kịch của cả vương triều nhà Lý, lẫn bi kịch riêng của chính mình, và nhận chịu cả sự chỉ định khắc nghiệt nhất của số phận lịch sử.

Chẳng phải cũng chính Nguyễn Đình Nghi đã chỉ dạy như một người thầy lớn cho Lê Khanh cách vào vai kịch Lý Chiêu Hoàng, sống trọn vẹn cả thân xác lẫn tâm hồn cho nhân vật đấy sao? Và Lê Khanh đã hóa thân vào nhân vật thâm sâu đến mức, khi kết thúc vở diễn, đêm nào Lê Khanh cũng thấy khó thoát ra ngay khỏi sức cuốn hút khó cưỡng chống của nhân vật. Và cứ thế, đến lượt nhân vật nữ hoàng cuối cùng của nhà Lý đẹp đẽ uy nghi, sang cả của Lê Khanh lại ám ảnh người xem, khi ra khỏi nhà hát, một ám ảnh dai dẳng… Nhà thơ Dương Trọng Dật, năm ấy (tái diễn 2004) đã gọi phút tỏa sáng của Lê Khanh trên sân khấu là Phút thăng hoa kỳ diệu, tên bài thơ của ông, với cảm nhận thơ từ hàng ghế khán giả, khi xem Khanh diễn: Sống dậy trước mắt tôi ngạo nghễ Lý Chiêu Hoàng/ Cả nhà hát lặng đi/ Sân khấu chỉ còn em và lịch sử/ Thương đất nước trầm luân trong cơn chòng chành sóng dữ/ Nghe trong tiếng em thở dài/ Những trăn trở của người xưa…

Lê Khanh (phải) vai Lý Chiêu Hoàng trong kịch Rừng trúc
 Lê Khanh (phải) vai Lý Chiêu Hoàng trong kịch Rừng trúc

Lê Khanh đã được đạo diễn Nguyễn Đình Nghi dìu dắt, vượt qua cái khó nhất của vai kịch Lý Chiêu Hoàng, từ cái viết của Nguyễn Đình Thi, trong một thách thức kép: vai kịch này diễn đã rất khó hay, lại rất dễ thất bại. Vả lại, văn chương trong kịch lịch sử của Nguyễn Đình Thi thường đậm đặc những ý tứ chìm sâu, không dễ đọc trên bề mặt chữ nghĩa, mang khá rõ dáng dấp kịch lịch sử - luận đề, (có cảnh kịch, Lê Khanh - Lý Chiêu Hoàng đã phải độc thoại hàng nửa giờ đồng hồ trên sân khấu). Thêm nữa, Nguyễn Đình Thi còn muốn “giải mã” những hành vi lịch sử của Lý Chiêu Hoàng theo cách riêng của ông, thông qua số phận một nữ hoàng, một con người này (như triết gia Hegel đã nói), với rất nhiều trái ngang của một số phận lịch sử nhiều màu. Nên, từ đầu đến cuối kịch, Lý Chiêu Hoàng đã bị đặt trước nhiều tình huống nan giải: đương ngôi nữ hoàng, bị ép nhường ngôi vua cho Trần Cảnh, thành hoàng hậu. Đương kim hoàng hậu, không sinh thế tử, lại bị ép lần nữa, Lý Chiêu Hoàng phải nhường ngôi hậu cho chị ruột Thuận Thiên, đang là vợ và đang mang thai với Trần Liễu, anh ruột Trần Cảnh. Lý Chiêu Hoàng đã liên tiếp bị dồn đến cùng đường, phải buông bỏ tất cả, từ vua cha, mẹ, chị, chồng, ngôi cao nhất trong cung cấm, một mình ra ở ngôi nhà gỗ ven hồ Tây.

Cách viết, cách dựng tài hoa của tác giả và đạo diễn từ đầu đến cuối vở kịch, đã chan hòa vào cái diễn xuất thần nhân vật Lý Chiêu Hoàng của Lê Khanh, khiến người xem thắt lòng theo dõi những ứng xử tinh tế, sự hòa cảm thông minh và sang trọng. Và khán giả đã có thể thở ra nhẹ nhõm như được thanh lọc tâm hồn, khi cuối kịch, Lê Khanh đã hoàn thành viên mãn một vai kịch khó, với nỗ lực vượt bậc, khiến vai kịch hoàn hảo và sáng trong như viên ngọc không tì vết.

Bài học trình diễn nhân vật kịch lịch sử của Lê Khanh có thể được rút ra từ cách xử lý nhân vật: diễn viên phải nương theo đúng ý đồ tư tưởng của đạo diễn. Sau này, khi thầy Nghi đã mất từ năm đầu thế kỷ XXI, Khanh tận tâm học nghề đạo diễn, hành nghề trong vở Nhà Ôsin (kịch bản Nguyễn Huy Thiệp), trình làng hôm 8.12.2012 tại Nhà hát Tuổi Trẻ. Lê Khanh đã học được từ thầy Nghi cách “giải mã” kịch bản trên sân khấu bằng ngôn ngữ dàn dựng chân phương và tinh tế, cố không sa vào bi kịch “vẽ rắn thêm chân” rất thường xảy ra với nghề đạo diễn, khi xử lý không tới đáy chữ của kịch bản văn học. Vai Lý Chiêu Hoàng của Lê Khanh đã thật may mắn khi gặp đúng Nguyễn Đình Nghi, người có khả năng “biện biệt văn học” rất mạnh, đã giải mã chữ nghĩa kịch bản Rừng trúc thâm sâu của Nguyễn Đình Thi theo cách riêng và cuối cùng, nhờ thế mà “đánh thức nội lực” thể nghiệm nhân vật luôn hiện hữu trong cái diễn sống động của NSND Lê Khanh…

Những kinh nghiệm chói sáng của bộ ba về kịch lịch sử

Trên đây chỉ là trường hợp tiêu biểu nhất khi các nghệ sĩ chung tay cộng tác và thăng hoa trong cái viết, cái dựngcái diễn về đề tài lịch sử, chỉ tính riêng về thể loại kịch, trong thập niên cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI. Từ đây, cũng có thể chắt lọc những bài học riêng cho từng thành phần sáng tạo kịch sử.

Phải chăng, người-sân-khấu có thể học từ cách viết Rừng trúc của Nguyễn Đình Thi một tâm thế đích đáng khi viết kịch lịch sử, trong lựa chọn vấn đề từ lịch sử, trong sự tích hợp văn hóa giữa sự chân xác của lịch sử, và sự tưởng tượng hư cấu của nhà viết kịch, theo một tỷ lệ hài hòa, chỉ có thể giải quyết theo cách sáng tạo riêng của từng nhà viết kịch (ở Rừng trúc là cách riêng độc đáo của Nguyễn Đình Thi, còn ở kịch bản khác là cách riêng của Nguyễn Huy Tưởng, Trúc Đường, Tào Mạt… chẳng hạn). Những xung đột lịch sử đã hiện hữu giữa hai triều đại nhà Lý và nhà Trần phải được tổ chức thành xung đột cá nhân, theo kiểu viết của Nguyễn Đình Thi là đích đáng. Và từ sự đích đáng của văn bản dành cho cái đọc, phải được đạo diễn Nguyễn Đình Nghi “chuyển ngữ” đích đáng thành cái diễn, là cái-để-xem-nghe-nhìn, từ đó dẫn đến cái-để-nhớ-để-nghĩ cho khán giả, mà cái để xem lại liên quan biện chứng đến cái diễn của diễn viên trong sáng tạo nhân vật.

Từ phân tích trên, bằng phương pháp nghiệm suy cá nhân, bằng sự trông thấy nhãn tiền từ phản ứng của công chúng thưởng thức, đã từng chăm chú dõi theo diễn tiến căng thẳng, đầy kịch tính của Rừng trúc trên sân khấu cách đây mười bốn năm, tôi đã chẳng thể quên vở diễn được đạo diễn xử lý không gian sân khấu lộng lẫy trong bát ngát màu vàng vương giả của hoa cúc vàng chói nở khắp Thăng Long thành. Chỉ riêng xử lý mỹ thuật sân khấu đẹp đẽ và sang trọng đến thế của Nguyễn Đình Nghi, tôi luôn nghĩ rằng chúng ta đã thiếu tôn trọng, hoặc đã bỏ phí vở diễn này trong kho phế liệu của nhà hát, kể cả sau khi đã ghi hình và phát sóng trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam năm 2004. Không chỉ Rừng trúc, những vở kịch hay nhất của các nhà hát từng được trình diễn huy hoàng, đã bị rơi rụng khỏi kịch mục của các nhà hát ở Hà Nội, không hề được bảo lưu và cũng chẳng hề được tái diễn cho công chúng yêu kịch thưởng ngoạn. Và tôi càng không thể hiểu vì sao các liên hoan sân khấu kịch, cải lương và cả chèo nữa, (thuộc năm 2012) đều khước từ những vở diễn dự thi về đề tài lịch sử, chỉ dành hội diễn cho vở diễn đề tài hiện đại? Như thế có phải chúng ta đã sa vào chủ nghĩa đề tài trong sáng tác nghệ thuật, nhất là về kịch lịch sử không?

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bộ ba thần thánh trong “Rừng trúc” (Kỳ cuối)
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO