“Bộ ba bất khả thi” không thể là “bộ ba khả thi”?

29/06/2007 00:00

Tiếp theo bài trong số báo trước, bài này chúng ta làm rõ vấn đề: liệu “bộ ba bất khả thi” (chính sách tiền tệ độc lập – tức là có lãi suất hoặc giá cả ổn định, tỷ giá hối đoái cố định, và tự do lưu chuyển vốn) này có thực sự là bất khả thi trong mọi hoàn cảnh, như lý thuyết đã chứng minh, không?

      Để trả lời câu hỏi này, có lẽ không gì thuyết phục hơn là tham khảo ý kiến của một chuyên gia bậc thầy về lý thuyết tiền tệ, giáo sư kinh tế học Robert Mundell của Đại học Columbia, người từng được nhận giải Nobel về kinh tế học và cũng là người am hiểu rất sâu sắc về nền kinh tế Trung Quốc. Những ý kiến này đã được đăng trong Tạp chí Kinh tế Viễn đông số ra gần đây, đề cập tới vấn đề thặng dư cán cân thanh toán lớn của Trung Quốc và áp lực tăng giá đồng nhân dân tệ (NDT) của nước này, cũng như sự ma sát về thương mại với Mỹ. 
      Theo giáo sư Mundell, hoàn toàn có thể giải quyết được một cách dễ dàng những vấn đề đang làm đau đầu người Trung Quốc bằng cách chấm dứt hành động can thiệp tỷ giá (sterilization) của ngân hàng trung ương nước này (là việc nhằm vô hiệu hóa ảnh hưởng của sự can thiệp tỷ giá bằng cách tung ra các loại trái phiếu chính phủ để ngăn cung tiền tăng quá nhanh. Hành động này đã bị một số tác giả nhầm lẫn là sự cố tình thực hiện bộ ba chính sách bất khả thi của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, như nêu trong số báo trước). Quan trọng hơn, ông nói, việc chấm dứt hành động này không dẫn đến tăng lạm phát như lý thuyết kinh tế tiêu chuẩn dự đoán, mặc dù cung tiền sẽ tăng lên. Lưu ý rằng giáo sư Mundell cũng là một trong những tác giả chính xây dựng nên lý thuyết này. Tại sao lại có “nghịch lý” này?
      Giáo sư Mundell đặt ngược lại câu hỏi, điều gì sẽ xảy ra nếu lượng nhân dân tệ tăng thêm này không kéo theo cầu về hàng hóa tiêu dùng của Trung Quốc tăng quá mức, mà chỉ đơn thuần là nhằm thỏa mãn nhu cầu nắm giữ đồng nhân dân tệ và các tài sản có mệnh giá bằng nhân dân tệ của dân chúng Trung Quốc? Người dân Trung Quốc đang trở nên giàu có hơn và đang lập những kỷ mới về gửi tiết kiệm, trong bối cảnh những tài sản tiết kiệm này không dễ dàng gì đầu tư ra nước ngoài được (do tài khoản vốn của Trung Quốc vẫn bị kiểm soát chặt). Bởi vậy, như là một hậu quả tất yếu, lượng vốn nội địa khổng lồ này đã biến thành các khoản đầu tư làm tăng năng lực sản xuất trong nước đến mức quá lớn so với cầu nội địa. Trong khi đó, phần lớn nhất trong khối lượng dự trữ ngoại hối tăng lên là từ FDI chứ không phải từ thặng dư thương mại. Bởi vậy, đồng nhân dân tệ đã bị đặt dưới áp lực tăng giá và quá trình này có tính tự duy trì, đặc biệt kể từ khi cơ chế cố định tỷ giá NDT/USD được chuyển sang cơ chế cho phép tăng giá đồng nhân dân tệ từ từ so với đồng đôla từ năm 2005. Nắm giữ đồng nhân dân tệ đang có chiều hướng lên giá cũng chính là một cách đầu tư sinh lãi hiệu quả của dân chúng.
      Nói cách khác, hãy nhìn nhận đồng nhân dân tệ như một hàng hóa, và thặng dư cán cân thanh toán của Trung Quốc chỉ là sự phản ánh cầu lớn hơn cung: “Nếu anh tạo ra tiền trong trạng thái cân bằng thì lượng tiền tạo thêm này sẽ phá vỡ cân bằng đó, và dân chúng sẽ chi tiêu nhiều hơn, dẫn đến nhập khẩu nhiều hơn, và khả năng là lạm phát sẽ tăng lên. Nhưng nếu anh in thêm tiền để thỏa mãn nhu cầu tăng lên về tiền của dân chúng thì sẽ không có lạm phát nảy sinh từ việc này”, giáo sư Mundell lập luận.
      Với hành động sterilization, Ngân hàng trung ương đã ngăn không cho cung tiền tăng lên mạnh để thỏa mãn nhu cầu về tiền của dân chúng, làm tiếp diễn tình trạng bất cân bằng này. Nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc (là điều đã và đang được thực hiện ở Việt Nam) cũng có tác dụng tương tự, ông nói thêm. Ông tiên đoán rằng chấm dứt hành động sterilization và nới lỏng chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ làm cho cầu về đồng nhân dân tệ nhanh chóng bão hòa. 
      Trong trạng thái cân bằng, kết quả của sự bão hòa về cầu đối với đồng nhân dân tệ là nhu cầu hàng hóa trong nước cũng như nhập khẩu sẽ tăng lên, làm giảm thặng dư thương mại của Trung Quốc với thế giới, nhất là với Mỹ. Tuy nhiên, trái với thông thường, giá cả nhiều loại hàng hóa đã giảm đi ở Trung Quốc vì các doanh nghiệp đã tăng quy mô sản xuất đón đầu lượng cầu hàng hóa mới tăng lên này mà không phải tăng giá bán do đã hạ được giá thành sản xuất nhờ đạt được kinh tế quy mô (economy of scale), nhờ đó vẫn giữ được biên độ lợi nhuận phù hợp. Vì thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ sẽ giảm đi nên áp lực chiến tranh thương mại với Mỹ cũng vì thế mà giảm đi.
      Thực tế là mặc dù ngân hàng trung ương của Trung Quốc đã thực hiện sterilization nhưng lượng cung tiền (M2) vẫn tăng 17% so với mức tăng GDP 11%. Dù vậy, lạm phát ở Trung Quốc vẫn ở mức thấp. Hơn nữa, trong những thời điểm suy thoái nhẹ, áp lực giảm phát đã tăng lên ở Trung Quốc. Thêm một khác biệt là tình trạng quá “nóng” của kinh tế Trung Quốc không dẫn đến cầu tăng quá mạnh như với trường hợp của các nền kinh tế khác. Nói chính xác hơn thì nền kinh tế Trung Quốc vẫn phải đối mặt với vấn đề là nhu cầu trong nước ở mức yếu. Bởi vậy, khi cầu nội địa tăng lên thì họ dư sức tăng mạnh sản lượng và tức là tăng cung để làm bão hòa toàn bộ lượng cầu mới tăng lên này. 
      Tóm lại, cái gọi là “bộ ba bất khả thi” hoàn toàn có thể là “bộ ba khả thi” trong một số trường hợp. Nền kinh tế Trung Quốc là một minh họa rõ nét cho hiện tượng này. Tuy nhiên, trong trường hợp của Việt Nam thì lý thuyết về “bộ ba bất khả thi” vẫn đúng cho đến thời điểm này. 
      Như đã nói ở trong bài trước, hành động sterilization của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn đã làm tăng đáng kể cung VND, và điều này đã dẫn đến lạm phát tăng lên ở Việt Nam. Điều khác biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc là cầu trong nước tăng lên mạnh nhưng không được đáp ứng bởi các nhà sản xuất trong nước, trong khi nhập khẩu vì nhiều lý do không tăng lên tương ứng, và vì những lý do khác (xem thêm bài của cùng tác giả về nguyên nhân gây lạm phát ở Việt Nam trên VnEconomy, 25/6). Và cũng như tác giả đã đề xuất, nếu hiểu rõ nguồn gốc sâu xa của sự tăng giá ở Việt Nam thì chúng ta hoàn toàn có thể đưa ra được những chính sách thích hợp hơn, hoàn toàn có khả năng đạt được đồng thời ba mục tiêu chính sách mà theo lý thuyết cho là “bất khả thi”. Sự hiểu và vận dụng cứng nhắc hay sai lầm về lý thuyết “bộ ba bất khả thi” này làm cho mọi việc trở thành “nghịch lý” hay làm nảy sinh những chính sách điều tiết vĩ mô “không giống ai”.

Ts PHAN MINH NGỌC

    Nổi bật
        Mới nhất
        “Bộ ba bất khả thi” không thể là “bộ ba khả thi”?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO