Bình tĩnh trước biến đổi khí hậu

- Thứ Bảy, 09/01/2021, 06:57 - Chia sẻ

Trần Anh Thư

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang

Năm 2015 - 2016, do tác động của biến đổi khí hậu đồng bằng sông Cửu Long đã bị thiệt hại 70.000ha cây ăn quả, hơn 100.000ha đất sản xuất lúa bị thiệt hại và mất trắng; nửa triệu người dân bị thiếu nước sinh hoạt. Lần đầu tiên sau rất nhiều năm, lĩnh vực nông nghiệp của cả nước có tốc độ tăng trưởng âm. Tuy nhiên, cũng trong giai đoạn này, số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy có 2 tỉnh ven biển trong khu vực là Cà Mau và Bạc Liêu vẫn đạt tốc độ tăng trưởng dương do hoạt động kinh tế của hai địa phương này chủ yếu dựa vào kinh tế biển, không bị lo lắng bởi tác động của hạn mặn.

Vừa qua, tổng kết đợt hạn mặn 2019 - 2020, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng như Bộ Tài nguyên và Môi trường thì mức độ khắc nghiệt hơn, kéo dài hơn và mặn xâm nhập sâu hơn vào đất liền. Nhưng tổng kết ngành nông nghiệp cho thấy, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp khu vực đồng bằng sông Cửu Long vẫn dương với 7 tỉnh, thành phố đạt tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp đạt từ 1 - 3%.

Điều đó cho thấy, chỉ sau 5 năm, người dân đã thích nghi với điều kiện thiên nhiên; hệ thống canh tác đã được cải thiện; chính quyền đã phản ứng linh hoạt hơn, sớm hơn, cho dù chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực hơn cùng với đại dịch Covid-19.

Như vậy, chúng ta cần nhìn nhận biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn một cách hết sức bình tĩnh, không hoảng sợ và phải sống chung với nó. Bởi nếu chúng ta hoảng sợ có thể sẽ dẫn đến những sai lầm trong đầu tư, dẫn đến những công trình không đem lại hiệu quả, mất mát về tài chính.

Khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, từ nay đến năm 2045 phát triển đồng bằng sông Cửu Long theo hướng "thuận thiên”, xem nước mặn, nước lợ hay nước ngọt đều là tài nguyên và đều có thể khai thác được nếu chúng ta biết cách khai thác và sử dụng hợp lý. Các kịch bản dự báo về biến đổi khí hậu đến năm 2100 thì mực nước biển dâng sẽ không phải là 1m nữa mà có thể là 1,2m. Tôi cho rằng nước biển dâng 0,9m, 1m hay 1,2m thì chẳng qua là tỷ lệ diện tích vùng sản xuất nông nghiệp của hệ sinh thái mặn sẽ nhiều hơn còn vùng sản xuất hệ sinh thái ngọt sẽ ít hơn, và như vậy, đồng bằng sông Cửu Long có thể xuất khẩu tôm, trái cây nhiều hơn xuất khẩu gạo.

Để thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, chúng ta phải làm được ba điều sau đây. Một là, phân định cho được ranh giới mặn - ngọt nằm ở đâu theo dự kiến từ năm 2020 cho tới năm 2100, từ đó phân định nếu nước mặn ngập tới đâu sẽ khoanh vùng và có hệ thống canh tác hợp lý theo từng vùng đến đó.

Hai là, có công trình đa mục tiêu, công trình phục vụ trữ nước ngọt nhưng khi cần thiết, có lũ lớn thì cũng là công trình thoát lũ. Trong vòng 30 năm qua, Chính phủ cũng như các nhà tài trợ trên thế giới gồm Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới đã đầu tư cho đồng bằng sông Cửu Long rất lớn về hệ thống hạ tầng thủy lợi. Chúng ta cần nghiên cứu tận dụng hệ thống hạ tầng thủy lợi sẵn có để chuyển hóa sang thích nghi với điều kiện mới chứ không xóa sổ hệ thống này rồi làm hệ thống mới. An Giang sử dụng hệ thống hạ tầng kiểm soát lũ đã được làm cách đây 20 năm chuyển thành công trình trữ nước ngọt. Tức là, nếu có lũ thì hệ thống vẫn kiểm soát lũ nhưng khi vào mùa cạn kiệt nước thì trở thành hệ thống trữ nước ngọt cho cộng đồng.

Ba là, phải tính tới sinh kế người dân trước, sau đó mới tới đầu tư hạ tầng. Tức là chúng ta phải nghĩ sinh kế người dân trước rồi sau đó cần hạ tầng nào để phục vụ cho sinh kế đó thì sẽ đầu tư. Giống như việc mua xe ô tô, chúng ta phải xác định mua xe để làm gì rồi mới mua chứ không phải mua công cụ về rồi mới đi học nghề để thích ứng với công cụ đó.

Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 20 triệu dân. Khu vực này cùng với TP Hồ Chí Minh hình thành trục kinh tế đóng góp tới hơn 40% GDP cả nước. Nếu đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng thì TP Hồ Chí Minh cũng sẽ bị ảnh hưởng theo và ngược lại. Mặc dù đóng góp GDP của đồng bằng sông Cửu Long hiện nay không lớn nhưng ảnh hưởng tại đây sẽ kéo theo hiệu ứng domino. Do vậy, cần thiết lập hệ thống sinh kế trong đó có logistic (vận tải), thu hút các doanh nghiệp đầu tư công nghiệp chế biến và giải quyết lao động việc làm cho đồng bằng sông Cửu Long. Khi đồng bằng sông Cửu Long ổn định thì sẽ chính là lợi thế cho TP Hồ Chí Minh và cả nước.

Hồ Long ghi

Hồ Long