Bình tĩnh nhưng phải quyết liệt

- Thứ Năm, 03/12/2020, 08:14 - Chia sẻ
Phản ứng của hệ thống y tế và chính quyền địa phương với việc dịch Covid-19 “tái xuất” trong cộng đồng sau gần 90 ngày vắng bóng là hết sức bài bản, nhanh chóng, kịp thời.

Công tác điều tra, truy vết, cách ly mọi đối tượng F1, F2 đối với những người đã phát hiện được triển khai thần tốc không chỉ ở TP Hồ Chí Minh, nơi xuất hiện các ca bệnh số 1342, 1347 và 1348 tính đến sáng 2.12, mà còn ở những địa phương có người liên quan, ví dụ như Đà Nẵng.

Sự việc này một lần nữa cho thấy nguy cơ dịch bệnh luôn rình rập, đòi hỏi mỗi người dân, từng tổ chức phải luôn cảnh giác và tự giác chấp hành các quy định bảo đảm an toàn vệ sinh dịch tễ và quy trình phòng chống dịch. Đối với những người, đơn vị liên quan trực tiếp đến các chuyến bay thương mại, chuyến bay giải cứu, các khu cách ly… thì càng phải tuân thủ với tinh thần trách nhiệm cao nhất, không chỉ cho bản thân, gia đình mà cho cả cộng đồng.

Vi phạm của bệnh nhân 1342 (tiếp viên hàng không) và trách nhiệm của những đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng dịch bệnh lây lan trong cộng đồng cần làm rõ và xử nghiêm để mang tính răn đe, giống như các cơ quan chức năng đã làm với những người đưa tin thất thiệt trong các đợt dịch bùng phát. Bởi một phút lơ là, chủ quan, thiếu trách nhiệm dù chỉ của một người cũng rất có thể sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho cả xã hội và quốc gia.

Trường hợp bệnh nhân 1342 không chỉ làm dịch bệnh lây lan trong cộng đồng mà còn khiến cả trăm nghìn sinh viên, học sinh ở TP Hồ Chí Minh phải nghỉ học, 3 quận nguy cơ thực hiện giãn cách xã hội, kế hoạch tổ chức hơn ba chục chuyến bay mỗi tuần đưa người Việt về nước phải tạm dừng… Đây mới chỉ là hậu quả “domino” trước mắt, nếu dịch bệnh lây lan rộng hơn thì vòng ảnh hưởng và mức độ thiệt hại chắc chắn còn nặng nề hơn.

Như ở Pháp, bất chấp Tổng thống tuyên chiến với Coronavirus và áp đặt giới nghiêm, cách ly xã hội, bắt toàn dân đeo khẩu trang… nhưng dịch Covid-19 vẫn lây lan khó kiểm soát. Lý do vì nhiều người Pháp, đặc biệt là giới trẻ, nghĩ rằng họ có đủ sức kháng cự nên vẫn sống hết mình, hưởng tự do với tinh thần ích kỷ và chính họ là những “vectơ” lan truyền dịch bệnh và nước Pháp một lần nữa phải áp dụng “lệnh đóng cửa” (lock down) trên toàn quốc.

Kết luận họp Thường trực Chính phủ về Covid-19 chiều 1.12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tinh thần “phải bình tĩnh và quyết liệt hơn”, cả hệ thống chính trị vào cuộc mạnh mẽ hơn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, cảnh giác ở mọi địa bàn, trước hết là các thành phố lớn, các khu tập trung đông người. Nhằm duy trì, bảo vệ sự an toàn cho người dân và đất nước, người đứng đầu Chính phủ cũng đã lệnh tạm dừng các chuyến bay thương mại từ nước ngoài. 

Có ý kiến cho rằng, tạm dừng các chuyến bay thương mại từ nước ngoài ở thời điểm này có phần vội vàng. Tuy nhiên, nhìn nhận ở một góc độ khác thì khoảng thời gian “tạm dừng” ấy là cần thiết, vì sẽ tạo dư địa để các cơ quan chức năng tập trung nguồn lực xử lý nguy cơ các ổ dịch có thể xảy ra, tránh trường hợp hệ thống cách ly và y tế bị quá tải; đồng thời cũng là dịp để các hãng hàng không, ngành y tế, chính quyền địa phương rà soát và bịt những lỗ hổng trong quy trình phòng, chống dịch (nếu có).

Những việc này càng được tiến hành khẩn trương, hiệu quả thì không chỉ các chuyến bay thương mại sẽ sớm khai thác trở lại mà một số hoạt động liên quan khác (ví dụ du lịch) cũng có cơ hội mở cửa, phục hồi, góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa phòng dịch vừa phát triển kinh tế - điều Chính phủ đã xác quyết và theo đuổi suốt cả năm nay.   

Hà Lan