Tại phiên họp, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh báo cáo kết quả thẩm tra đối với 3 tờ trình đề nghị xây dựng nghị quyết thuộc lĩnh vực pháp chế. Qua thẩm tra, sự cần thiết, hồ sơ đề nghị, nội dung dự thảo nghị quyết, Ban cơ bản thống nhất với các đề nghị và kiến nghị Thường trực HĐND tỉnh chấp thuận các đề nghị.
Tuy nhiên, đối với Tờ trình đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định về chính sách hỗ trợ cho các Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2025, cơ quan soạn thảo cần lưu ý nội dung và mức hỗ trợ. Khi xây dựng chính sách cần cân nhắc, tránh chi trùng lắp. Đồng thời, đề nghị sửa tên nghị quyết thành: "Nghị quyết quy định về chính sách hỗ trợ cho các Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh Bình Dương".
Đối với Tờ trình đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định về mức hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp huyện và Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp xã trên địa bàn tỉnh theo trình tự, thủ tục rút gọn, đề nghị cân nhắc bổ sung đối tượng là "người hoạt động không chuyên trách", "hợp đồng lao động" làm việc tại Bộ phận Một cửa và tính toán mức hỗ trợ phù hợp, tương xứng với trách nhiệm và khối lượng công việc. Nếu bổ sung thêm đối tượng thì cần bổ sung vào tên gọi dự thảo nghị quyết để bảo đảm phù hợp. Đồng thời, bổ sung thêm một số thông tin để làm rõ tính cấp bách khi thực hiện thủ tục thông qua theo trình tự rút gọn.
Đối với đề nghị xây dựng nghị quyết ban hành quy định về chính sách thu hút, chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương, đề nghị UBND tỉnh cần báo cáo xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đối tượng áp dụng chính sách.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Trường Nhật Phượng lưu ý: Việc bổ sung đối tượng đối với nghị quyết quy định về mức hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp huyện, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp xã trên địa bàn tỉnh Bình Dương theo trình tự, thủ tục rút gọn là phù hợp, vì đây là cơ chế đặc thù. Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung và thống nhất đổi tên nghị quyết cho phù hợp hơn. Đối với các nội dung khác, thống nhất với kết quả báo cáo và kiến nghị của Ban Pháp chế, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, đề nghị các cơ quan liên quan bổ sung theo kiến nghị.