Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương có quy mô 1.500 giường có 17 tầng, tổng vốn đầu tư khoảng 2.300 tỷ đồng, dự án được hình thành từ năm 2012, khởi công xây dựng năm 2014.
Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trong năm 2016. Tuy nhiên, công trình này bị ngưng thi công gần 3 năm liền do vướng khâu giải phóng mặt bằng.
Đến năm 2019, dự án được thi công trở lại và hứa hẹn đến khoảng tháng 6.2020 thì hoàn thành, bàn giao cho Sở Y tế tỉnh Bình Dương để đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, do công tác mua sắm trang thiết bị gặp nhiều khó khăn nên dự án tiếp tục trễ hẹn.
Năm 2020, Ban Quản lý dự án có văn bản đôn đốc các nhà thầu thi công tập trung triển khai các công việc. Riêng hệ thống kỹ thuật của công trình, đã được đặt hàng sản xuất tại Nhật Bản và dự kiến thời gian hoàn thành vào tháng 12.2021.
Dự án tiếp tục trễ hẹn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và một số gói thầu vật tư y tế gặp khó khăn, tiếp tục dời thời gian hoàn thành vào tháng 6.2022. Thế nhưng, đến hết năm 2022, Bệnh viện 1.500 giường của tỉnh Bình Dương vẫn chưa thể đưa vào sử dụng.
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, bệnh viện 1.500 giường của tỉnh Bình Dương có hoàn thành được trong năm 2023 hay không còn phải phụ thuộc vào khối kỹ thuật.
Ông Nguyễn Văn Lợi – Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương chia sẻ với những khó khăn của ngành y tế. Đồng thời yêu cầu thời gian tới, ngành y tế cần hoàn thiện Đề án “Phát triển tổng thể ngành Y tế tỉnh Bình Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; Tháo gỡ nguồn nhân lực y tế; Quyết tâm xây dựng mô hình bệnh viện thông minh...
Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương chỉ đạo UBND tỉnh chủ trì làm việc với các sở ngành tháo gỡ ngay các vướng mắc, nỗ lực đưa Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường đi vào hoạt động vào cuối năm 2023. Triển khai từng bước xây dựng bệnh viện thông minh, quy hoạch mạng lưới y tế hướng tới phát triển tỉnh thành trung tâm y tế của vùng.
Trước đó, đầu tháng 12.2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ ra những yếu kém khiến dự án bệnh viện 1.500 giường của Bình Dương chậm tiến độ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng do khâu dự báo, chuẩn bị đầu tư kém nên khi triển khai dự án phát sinh nhiều vấn đề, kéo dài thời gian đầu tư. Bên cạnh đó, việc dự án bị chia cắt thành nhiều gói thầu, không có tổng thầu cũng dẫn đến thiếu sự khớp nối, phối hợp, không đồng bộ; hơn nữa nguồn nhân lực chuẩn bị cho vận hành Bệnh viện cũng chưa sẵn sàng.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Dương chỉ đạo khẩn trương hoàn thành xây lắp; hoàn thiện các thủ tục nhập, lắp đặt thiết bị, trong đó xem xét chuyển đổi thiết bị từ các bệnh viện phòng, chống Covid-19; phối hợp với các cơ sở đào tạo chuẩn bị đội ngũ y bác sỹ đủ năng lực trình độ, tâm huyết để vận hành bệnh viện, khám chữa bệnh cho người dân; đặc biệt xây dựng, lựa chọn cơ chế vận hành phù hợp, hiệu quả, lấy việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân là trên hết, trước hết.