Bình đẳng trong sân chơi âm nhạc

- Thứ Hai, 21/12/2020, 07:07 - Chia sẻ
Chính phủ vừa mới ban hành Nghị định số 144/2020/NĐ-CP Quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Nghị định này nhận được phản hồi tích cực từ phía dư luận khi đã “cởi trói” một số quy định mang nặng tính thủ tục hành chính, trong đó có việc bỏ cấp phép ca khúc trước năm 1975. Điều này đã tạo sự bình đẳng trong sân chơi âm nhạc, đây cũng là một cách quản lý văn hóa tiến bộ, khi không nặng về tiền kiểm.

Trước đó, Nghị định 79 về cấp phép biểu diễn nghệ thuật được tách thành hai nhóm với tác phẩm sáng tác trước năm 1975 hoặc của người Việt Nam sinh sống, định cư ở nước ngoài và tác phẩm sau năm 1975. Với tác phẩm sáng tác sau năm 1975 sẽ không cần phải cấp phép phổ biến mà chỉ cần cấp phép biểu diễn theo từng chương trình cụ thể. Tuy nhiên, với tác phẩm sáng tác trước năm 1975 và tác phẩm của người Việt Nam ở hải ngoại phải được cấp phép phổ biến, sau đó mới được đưa vào các chương trình biểu diễn nghệ thuật. Với quy định này đã gây nên nhiều tranh cãi, tạo nên sự phân biệt giữa các ca khúc theo từng giai đoạn. Đây cũng chính là quy định từng gây ồn ào không đáng có khi có những ca khúc đã đi sâu vào tâm trí của người yêu nhạc Việt nhưng bỗng nhiên bị đột ngột dừng lưu hành trong đó có bài hát nổi tiếng “Con đường xưa em đi”. Trước phản ứng gay gắt của dư luận, quyết định này đã được thu hồi sau đó.

Khắc phục “điểm nghẽn” này, Nghị định 144 đã bỏ quy định cấp phép phổ biến các ca khúc trước năm 1975. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là quy định tiến bộ. Bởi lẽ, quy định ca khúc trước 1975 buộc phải cấp phép phổ biến đã vô hình trung tạo sự phân biệt, bất bình đẳng giữa các tác phẩm âm nhạc có tính lịch sử. Bởi thực tế cho thấy, đâu phải cứ tác phẩm nào trước năm 1975 là có tính tiêu cực, và đâu phải cứ tác phẩm sau năm 1975 là hoàn toàn hay. Vì vậy, cần phải có sự bình đẳng giữa các ca khúc thuộc mọi giai đoạn lịch sử. Không ít bài hát thời kỳ trước năm 1975 đã thấm sâu vào người yêu nhạc Việt Nam ở cả ca từ và giai điệu. Những sản phẩm âm nhạc này cần phải trân trọng, gìn giữ và phổ biến rộng rãi. Việc bỏ quy định cấp phép các ca khúc trước năm 1975 nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn phát triển và tạo không gian sáng tạo cho văn nghệ sĩ.

Cần phải khẳng định rằng, bỏ quy định cấp phép không có nghĩa là buông lỏng quản lý đối với các ca khúc trước 1975. Những ca khúc này vẫn phải bảo đảm tuân thủ quy định chung và người nghệ sĩ phải tự "kiểm duyệt" mình trước, còn các cơ quan quản lý có quyền kiểm soát, và bị xử phạt khi có vi phạm.

Điều 3, Nghị định 144 quy định rõ về hành vi cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Đó là cấm chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Cấm xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Việt Nam; xâm phạm an ninh quốc gia; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; phân biệt chủng tộc; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Cấm kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và Nhân dân các nước, ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại. Cấm sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội. Như vậy, mọi tổ chức cá nhân khi sử dụng tác phẩm âm nhạc và sân khấu cần tuân thủ không vi phạm quy định này và phải thực thi đúng quyền tác giả và quyền liên quan.

Nghệ sĩ được quyền hát những tác phẩm hay, phù hợp, bảo đảm không phạm vào những điều cấm. Khi đó, quản lý nhà nước vẫn quản lý tác phẩm bằng cách chuyển từ tiền kiểm (kiểm tra trước sự kiện) sang hậu kiểm (kiểm tra sau sự kiện) là chủ yếu. Việc hậu kiểm này tạo môi trường pháp lý thông thoáng hơn cho hoạt động nghệ thuật. Tuy vậy, mọi tổ chức, cá nhân khi tham gia lĩnh vực nghệ thuật cần phải tuân thủ đúng quy định pháp luật. Bởi thủ tục thông thoáng không có nghĩa là buông lỏng quản lý mà đi kèm với đó vẫn là trách nhiệm pháp lý nếu cá nhân, tổ chức vi phạm.

Song Hà