Bình dân học vụ số - cách làm ở Thanh HóaBài cuối: Không ai đứng ngoài “Bình dân học vụ số”
Nếu như “Bình dân học vụ 1945” huy động mọi trẻ em thất học, mọi người lớn chưa biết chữ quốc ngữ đi học, thì “Bình dân học vụ số” hiện nay coi mọi người trong xã hội đều là học trò. Ai thiếu hụt kiến thức nào, kỹ năng nào thì có trách nhiệm học tập để khỏa lấp. Phong trào “Bình dân học vụ số” đang được tỉnh Thanh Hóa triển khai tích cực, toàn diện, sâu rộng trong toàn dân, không ai được phép đứng ngoài.
Cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu
Kế hoạch số 265 - KH/TU ngày 24/4/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về “Triển khai phong trào bình dân học vụ số trên địa bàn tỉnh” nhấn mạnh yêu cầu: “Phong trào Bình dân học vụ số phải được triển khai toàn diện, sâu rộng đến tận thôn, bản, tổ dân phố, tạo nên cuộc vận động toàn dân thi đua học tập, rèn luyện kỹ năng số, tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Cán bộ, đảng viên phải tiên phong, gương mẫu thực hiện phong trào, góp phần lan tỏa tinh thần tự học, tự nâng cao tri thức, kỹ năng số, chuyển quá trình học tập, rèn luyện, nâng cao và ứng dụng tri thức số thành nhu cầu tự thân của mỗi người dân”.

Bên cạnh đó, trong các nhiệm vụ, giải pháp phổ cập tri thức về chuyển đổi số, kỹ năng số, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu các tổ chức cơ sở đảng triển khai tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Đảng viên tiên phong học tập kỹ năng số” nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh Lại Thế Nguyên nhấn mạnh: sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. “Phong trào Bình dân học vụ số hiện nay có thể xem là một cuộc cách mạng trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Do đó, vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên cũng phải được đặt lên hàng đầu. Thanh Hóa là đảng bộ có số lượng đảng viên đứng thứ hai cả nước và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể địa phương lớn. Đây sẽ là lực lượng tiên phong, gương mẫu hưởng ứng và lan tỏa phong trào bình dân học vụ số tới toàn dân” - ông Nguyên khẳng định.
Ngay sau lễ phát động phong trào và ra mắt nền tảng “Bình dân học vụ số của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số tổ chức vào cuối tháng 3, nhiều đơn vị, địa phương của tỉnh Thanh Hóa đã phát động Phong trào “Bình dân học vụ số” thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên, công nhân lao động, học sinh, sinh viên và các tầng lớp Nhân dân tham gia hưởng ứng, quyết tâm thi đua đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Theo Bí thư Tỉnh đoàn Lê Văn Châu, qua hơn 1 tháng triển khai phong trào, thanh niên toàn tỉnh đã thành lập được 423 đội hình “Bình dân học vụ số”; tiếp tục phát huy vai trò của 2.349 đội hình thanh niên tình nguyện tham gia tổ công nghệ số cộng đồng với hơn 19.066 tình nguyện viên. Qua đó, đã có khoảng 1,6 triệu lượt người dân được tuyên truyền, hướng dẫn kích hoạt tài khoản định danh mức độ 1; hơn 73% thanh thiếu nhi được tiếp cận các hoạt động nâng cao năng lực số, 65% thanh niên sử dụng dịch vụ công trực tuyến; hơn 81% thanh niên sử dụng tài khoản thanh toán điện tử.
“Bám sát định hướng chỉ đạo chung của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp bộ đoàn - hội sẽ tiếp tục thành lập các đội hình “Bình dân học vụ số” do thanh niên làm nòng cốt; tổ chức các lớp “Bình dân học vụ số” trong cộng đồng dân cư, thanh niên. Đặc biệt, sẽ mạnh dạn, sáng tạo, nghiên cứu triển khai và nhân rộng các giải pháp, mô hình, phần việc thanh niên hiệu quả trong quá trình xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số ở địa phương, đơn vị”.

Toàn dân đi học, toàn dân đi dạy
Thực hiện phong trào Bình dân học vụ số, tỉnh Thanh Hóa đặt ra mục tiêu đến năm 2026: 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong khu vực công có hiểu biết về chuyển đổi số, có kiến thức và kỹ năng số, sử dụng tốt các nền tảng, dịch vụ số phục vụ công việc; 100% học sinh từ cấp tiểu học được trang bị kiến thức, kỹ năng số phục vụ học tập, nghiên cứu và sáng tạo, nhận biết được nguy cơ, có kỹ năng bảo đảm an toàn trong môi trường số; 100% người dân trưởng thành có tri thức cơ bản về chuyển đổi số, có kỹ năng số, sử dụng tốt thiết bị thông minh để khai thác thông tin, sử dụng nền tảng, dịch vụ số thiết yếu, tham gia tương tác, an toàn trên môi trường số...
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh Lại Thế Nguyên, để đạt được các mục tiêu trên, “Bình dân học vụ số” phải trở thành văn hóa; việc phổ cập tri thức, kỹ năng số phải trở thành nhiệm vụ của mọi người, tức là toàn dân đi học, toàn dân đi dạy. “Bình dân học vụ số hiện nay so với Bình dân học vụ năm 1945 có cùng một mục tiêu là “diệt dốt” với sự tham gia của toàn thể Nhân dân. Trong cả hai phong trào này, mọi người đều là bạn, học trò, là thầy dạy học của nhau. Để bình dân học vụ số thành công, phải xây dựng một thói quen, một văn hóa, một xã hội học tập, học tập lẫn nhau và học tập suốt đời” - ông Nguyên khẳng định.
Thực tế, các tổ CNSCĐ, các đội hình “Bình dân học vụ” hay mô hình các lớp học “Bình dân học vụ” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã và đang thực hiện việc phổ cập kiến thức, kỹ năng số bằng hình thức “ai biết gì thì chia sẻ cho người chưa biết”. Kế hoạch số 265 - KH/TU mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa ban hành cũng xác định nhiệm vụ triển khai các mô hình, phong trào lan tỏa kỹ năng số cho cộng đồng. Trong đó: phối hợp xây dựng mạng lưới “Đại sứ số” để phổ cập kỹ năng số cho cộng đồng qua mô hình Người hướng dẫn - Người học. Mỗi “Người hướng dẫn” hướng dẫn kỹ năng số cho ít nhất 5 “Người học”; triển khai phong trào “Gia đình số”, - mỗi hộ gia đình có ít nhất một thành viên tham gia học tập, có hiểu biết về chuyển đổi số, kỹ năng số, sử dụng được nền tảng, dịch vụ số và hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình…
Thực hiện kế hoạch số 265 - KH/TU của BTV Tỉnh ủy, mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Lễ phát động phong trào “Bình dân học vụ số” bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham dự của tất cả các sở, ngành, đơn vị, địa phương từ tỉnh đến từng thôn, bản. Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn một lần nữa nhấn mạnh: phong trào “Bình dân học vụ số” không chỉ là một sáng kiến giáo dục, mà còn là cầu nối giữa quá khứ và tương lai; bằng việc phát huy bài học lịch sử, phấn đấu xây dựng một xã hội không chỉ giàu về tri thức mà còn giàu về sức mạnh công nghệ, sẵn sàng hội nhập và phát triển, bởi vì tri thức là “chìa khóa”, công nghệ là “cánh cửa” để mở ra một tương lai tươi sáng hơn.
Với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và quyết tâm chính trị cao nhất, Chủ tịch UBND tỉnh kêu gọi các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể Nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ, triển khai sâu rộng phong trào “Bình dân học vụ số”. Với tinh thần “lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể và không có ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình chuyển đổi số phía trước”; phấn đấu đưa Thanh Hóa nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.