Bình an sau bão giông
Khắc họa hành trình hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, triển lãm “Bình an sau bão giông” mang tới nhiều cung bậc cảm xúc, từ xót xa, đồng cảm, thấu hiểu tới nối dài yêu thương.
Gia đình là cái nôi và điểm tựa vững vàng của mỗi người. Tuy nhiên, không phải ai sinh ra và lớn lên cũng may mắn được vỗ về yêu thương trong vòng tay cha mẹ. Đại dịch Covid-19 đã phần nào tạm lắng, nhưng dư âm và sức tàn phá của nó vẫn còn là ký ức sâu đậm trong ánh mắt và trái tim nhiều người không may mất đi người thân, đặc biệt với những đứa trẻ bơ vơ ở lại trên đời mà không còn cha, mẹ.
Xuất phát từ tình yêu thương và trái tim của người mẹ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã khởi xướng và thực hiện chương trình Mẹ đỡ đầu nhằm hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi do tác động của dịch Covid-19 và các nguyên nhân khác trên địa bàn cả nước.

Hưởng ứng ngày Gia đình Việt Nam và Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam thực hiện triển lãm “Bình an sau bão giông” để chia sẻ những câu chuyện và hành trình của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong triển khai và thực hiện Chương trình Mẹ đỡ đầu thời gian qua.
Với 3 chủ đề: Bỗng một ngày; Điểm tựa cho con và Nâng bước tương lai, triển lãm Bình an sau bão giông chia sẻ góc nhìn về những mảnh đời mồ côi do dịch bệnh cùng hành trình các em nhận được sự chở che, bao bọc và yêu thương từ những trái tim nhân hậu qua việc triển khai và thực hiện chương trình Mẹ đỡ đầu.
Chủ đề Bỗng một ngày là tiếng nói của những đứa trẻ đột ngột mất đi người thân vì dịch bệnh. Cảm xúc nghẹn ngào của các em, nỗi buồn của những người thân còn ở lại, hay sự xót xa của cộng đồng trước những mảnh đời bất hạnh như thước phim chân thực ghi lại sự nghiệt ngã mà dịch bệnh Covid-19 đã gây ra.
Chủ đề Điểm tựa cho con dẫn dắt người xem đến với hành trình đồng cảm, thôi thúc tìm kiếm phương án hỗ trợ trẻ em mồ côi sau đại dịch của những trái tim người mẹ đến từ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, để rồi một chương trình nhân văn có tên gọi Mẹ đỡ đầu được ra đời và triển khai sâu rộng. Qua những mô hình hiệu quả, sự sáng tạo của các cấp Hội, công tác thực hiện chương trình Mẹ đỡ đầu có tính lan tỏa và được đánh giá cao trong cộng đồng, thu hút sự tham gia ngày càng chặt chẽ của toàn xã hội.

Để thực hiện triển lãm, đại diện Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu, sưu tầm các câu chuyện ở nhiều nơi trên cả nước nhằm để khắc họa cái nhìn và tiếng nói đa chiều. Những tư liệu sinh động ấy có thể chạm tới nhiều cung bậc cảm xúc của người xem, từ xót xa, đồng cảm đến những nhịp đập yêu thương, thấu hiểu và mong muốn hành động; đồng thời khơi gợi để chính họ tiếp tục nối dài những cánh tay trao yêu thương, từ đó nhiều hơn nữa các trẻ em mồ côi được nhận hạnh phúc và tình yêu từ hai tiếng “gia đình”.
Bà Trương Thị Thu Thủy, Trưởng Ban Gia đình & Xã hội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức triển lãm Bình an sau bão giông để thấy rằng chương trình Mẹ đỡ đầu mong muốn mang đến bình an cho tất cả trẻ mồ côi, không để trẻ em mồ côi cảm thấy bất an, vì các em đã trải qua một cơn bão quá lớn trong cuộc đời. Đồng thời, chủ đề còn bật lên những giá trị của chương trình Mẹ đỡ đầu trong những tháng đầu triển khai.

Triển lãm Bình an sau bão giông được giới thiệu tới công chúng trong sự kiện Mẹ đỡ đầu - Yêu thương và sẻ chia do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức tại tỉnh Bình Dương và chuỗi hoạt động Ngày Gia đình Việt Nam 2022 tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Hà Nội, vào ngày 25 - 26.6, cùng phiên bản triển lãm trực tuyến trên website của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tại địa chỉ: https://baotangphunu.org.vn/binh-an-sau-bao-giong/.
Triển lãm tích hợp một số mã QR gồm những nội dung về các bài báo, chùm ảnh, video clip ngắn... ở mỗi chủ đề để làm nổi bật các câu chuyện về nhân vật, hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ ở các tỉnh thành phố, tiếng nói từ cộng đồng… giúp khách tham quan có thể sử dụng điện thoại quét mã và truy cập tìm hiểu thông tin sâu hơn.