Biểu tượng hợp tác Việt - Nhật

Nguyên Anh 09/09/2016 20:28

Sáng 9.9, Trường Đại học Việt Nhật (VJU) đã tổ chức lễ khai trường và khai giảng các chương trình đào tạo đầu tiên. Đây là trường đại học thành viên thứ 7 thuộc ĐHQG Hà Nội. Tham dự lễ ra mắt có Tổng Thư ký Đảng Dân chủ tự do Nhật Bản Nikai Toshihiro; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ; Thứ trưởng Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản Higuchi Naoya; nguyên Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Việt - Nhật Takebe Tsutomu…

Kế thừa tư tưởng phong trào Đông Du

Trường Đại học Việt Nhật được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập ngày 21.7.2014, với mục tiêu sớm trở thành trường đại học đẳng cấp quốc tế, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, góp phần gia tăng giá trị đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Trường cũng hứa hẹn trở thành trung tâm giao lưu văn hóa, học thuật và là biểu tượng cho mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản. GS. Furuta Motoo - Hiệu trưởng VJU phát biểu: “Có thể nói, VJU được thành lập vào đầu thế kỷ XXI có một phần ý nghĩa kế thừa tư tưởng của phong trào Đông Du của nhà yêu nước Phan Bội Châu cách đây một thế kỷ. Chúng tôi tin tưởng VJU sẽ phát triển bền vững, vì là công trình hợp tác chính thức giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản”.

Mô hình VJU được xây dựng theo phong cách Nhật Bản với sự điều chỉnh phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, hướng đến sự phát triển bền vững dựa trên sự tự chủ cao và xã hội hóa nguồn lực. Mặc dù có tính chủ động cao trong tổ chức và hoạt động, nhưng VJU vẫn bảo đảm cơ chế liên thông liên kết, sử dụng nguồn lực chung của toàn ĐHQG Hà Nội. Trường sẽ được ĐHQG Hà Nội tạo điều kiện để khai thác đối đa các lợi thế về thương hiệu, hệ thống cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm và đội ngũ nhà khoa học. ĐHQG Hà Nội sẽ phối hợp với phía Nhật Bản đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hiện đại cho Trường tại Hòa Lạc, trước mắt là 3 phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế trong năm 2017.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc ĐHQG Hà Nội cho rằng: “Một trong những giải pháp mang tính chiến lược của ĐHQG Hà Nội nhằm đạt tới đẳng cấp của các đại học tiên tiến trên thế giới là thực hiện các hoạt động liên kết quốc tế. VJU chính là thành viên tiêu biểu trong ĐHQG Hà Nội phát triển theo định hướng này. Đây là sứ mệnh mà VJU không chỉ có trách nhiệm thực hiện qua các liên kết hợp tác trong giáo dục, đào tạo và nghiên cứu giữa 2 phía Việt Nam và Nhật Bản, mà còn phải lan tỏa tinh thần liên kết, hợp tác tới nhiều đối tác khác nhau trong và ngoài nước, nhằm phát triển đơn vị một cách toàn diện”.

GS. Furuta Motoo - Hiệu trưởng Trường ĐH Việt Nhật đánh trống khai giảng năm học đầu tiên (Ảnh: Quốc Toản)
GS. Furuta Motoo - Hiệu trưởng Trường ĐH Việt Nhật đánh trống khai giảng năm học đầu tiên (Ảnh: Quốc Toản)

Năm 2016, VJU xây dựng 6 chương trình đào tạo bậc thạc sĩ và tuyển sinh được 72 học viên khóa I. Đây là những ngành mà Việt Nam đang cần để phát triển kinh tế - xã hội và Nhật Bản có thế mạnh, gồm: Công nghệ Nano, Kỹ thuật môi trường, Kỹ thuật hạ tầng, Khu vực học, Chính sách công và Quản trị kinh doanh. Trong những năm tới, Trường xem xét mở các chương trình đào tạo như: Biến đổi khí hậu và phát triển; Khoa học thủy sản; Khoa học chính trị và Lãnh đạo.

Triết lý giáo dục khai phóng

Đây là một trong những điều tạo nên khác biệt của VJU. Phó Hiệu trưởng VJU Nguyễn Hoàng Oanh cho biết, học viên sẽ được trang bị tầm nhìn rộng bên cạnh kiến thức chuyên sâu, có thể dễ dàng thích nghi và hội nhập sau khi tốt nghiệp. Học viên được khuyến khích tinh thần tự học, tính sáng tạo, qua đó hình thành lối tư duy mở, liên ngành. Học viên cũng được đào tạo các kỹ năng mềm cùng khả năng hội nhập tốt với môi trường quốc tế; những giá trị về đạo đức và văn hóa... Triết lý này sẽ được áp dụng triệt để trong đào tạo cử nhân, dự kiến từ năm học 2019 - 2020.

Các đại biểu chụp ảnh cùng học viên khóa I của Trường ĐH Việt Nhật (Ảnh: Quốc Toản)
Các đại biểu chụp ảnh cùng học viên khóa I của Trường ĐH Việt Nhật (Ảnh: Quốc Toản)

Việt Nam đang có một số trường trường đại học được thành lập trên cơ sở hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và chính phủ nước ngoài, nhưng theo GS. Furuta Motoo, sự khác biệt của VJU là ngay từ đầu đã lấy ĐHQG Hà Nội làm đối tác và được thành lập với tư cách trường đại học thành viên của ĐHQG Hà Nội. Đây cũng chính là quan điểm căn bản của phía Nhật Bản về việc thành lập VJU dựa trên nền tảng một đại học có truyền thống và uy tín hàng đầu Việt Nam để phát triển trở thành một trường đại học đẳng cấp quốc tế. Thông qua sự hợp tác giữa hai nước, VJU hướng tới trở thành mô hình đại học mới ở Việt Nam, không chỉ ở góc độ giới thiệu những lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo mới, mà còn từ chính quan điểm cơ bản về giáo dục đại học. Như các trường ĐH ở Việt Nam vẫn tồn tại khuynh hướng coi trọng giáo dục chuyên môn hẹp, thì VJU chú trọng đào tạo học viên có tầm nhìn rộng. Ngoài ra, VJU sẽ kết hợp nghiên cứu và đào tạo, liên kết đại học và doanh nghiệp, cũng như thu hút nhân tài quốc tế.

VJU triển khai quy trình tuyển sinh và đào tạo theo chuẩn chất lượng của các đại học đối tác Nhật Bản và ĐHQG Hà Nội. Học viên tốt nghiệp có thể trở thành những lãnh đạo, chuyên gia với khả năng và kiến thức đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về nhân lực chất lượng quốc tế của các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam, Nhật Bản và khu vực; có khả năng tiếp tục theo học chương trình đào tạo tiến sĩ tại các đại học uy tín trong nước và trên thế giới.

Mỗi năm tuyển sinh không quá 20 học viên/chuyên ngành. Tổng thời gian đào đạo mỗi chương trình là 24 tháng, chính quy toàn thời gian. Chương trình bao gồm các khối kiến thức chung, khối kiến thức cơ sở và chuyên ngành, thực tập và làm luận văn tốt nghiệp. Ngôn ngữ giảng dạy là tiếng Anh và tiếng Việt (riêng định hướng Nhật Bản học của chương trình Thạc sĩ Khu vực học, ngôn ngữ giảng dạy các học phần chuyên ngành là tiếng Nhật).

    Nổi bật
        Mới nhất
        Biểu tượng hợp tác Việt - Nhật
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO