Biết chọn lối nào?

Thành An 19/10/2016 08:07

Những cơn đau đầu tiếp tục xuất hiện sau “địa chấn” mang tên Brexit (Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu - EU). Trong một diễn biến mới nhất, lãnh đạo Scotland tuyên bố để ngỏ khả năng tiến hành trưng cầu ý dân lần 2 về nền độc lập của vùng lãnh thổ này. Theo giới phân tích, cử tri Scotland phải cân nhắc rất kỹ trước lựa chọn của mình.

Khơi lại ngọn lửa

Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon tuyên bố sẽ tiến hành lần thứ 2 cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề tách khỏi Anh vào năm 2020, nếu như Anh ra khỏi EU. Bà cũng cho biết sẽ tìm hiểu khả năng để Scotland ở lại trong EU cho dù tất cả các vùng khác thuộc Anh rời khỏi đây.

Nữ chính khách này nêu rõ quan điểm, Scotland là một đối tác bình đẳng trong Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, và muốn ở lại EU. 4 điểm chính đã được bà đưa ra để thúc đẩy hoạt động kinh doanh và xuất khẩu của Scotland với EU như thành lập Ban điều hành thương mại mới để thu hút kinh nghiệm, xây dựng dự án đặc phái viên thương mại để tuyển dụng những nhà lãnh đạo kinh doanh xuất chúng, thành lập một tổ hợp thương mại và sáng tạo tại Berlin và tăng gấp đôi số lượng nhân viên phát triển của Scotland trên khắp châu Âu. Ngoài ra, Scotland cũng tuyên bố miễn học phí đại học cho các sinh viên đến từ EU học tại Scotland từ năm 2017.

Nguồn: NBC News
Nguồn: NBC News

Trong cuộc trưng cầu ý dân hồi tháng 6 vừa qua, hơn 60% người dân Scotland đã bỏ phiếu ở lại EU, phản đối Brexit. Do đó, ngay sau khi kết quả chính thức được công bố với phần thắng nghiêng về phe Brexit, Thủ hiến Scotland nhiều lần tuyên bố không muốn rời khỏi EU và quyết tâm ở lại liên minh. Vào thời điểm đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc Scotland buộc phải rời khỏi EU theo đa số phiếu trên phạm vi toàn Vương quốc Anh là điều bất hợp lý. Họ kêu gọi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai để mở đường cho Scotland tuyên bố độc lập, tách ra khỏi Anh và gia nhập EU.

Liệu có khả thi?

Scotland đã có lịch sử 300 năm nằm trong Liên hiệp Vương quốc Anh. Cách đây hơn hai năm, chính quyền đã tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề tách khỏi Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland để trở thành một quốc gia độc lập. Khi đó có hơn 55% cử tri Scotland ủng hộ ở lại Anh. Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã đổi khác sau Brexit. Một lần nữa, khát vọng độc lập của Scotland, hay Bắc Ireland lại được thổi bùng khi được đặt bên cạnh các vấn đề lợi ích kinh tế sát sườn. Đây là những vùng lãnh thổ yêu thích EU, đang có nguy cơ bị tách khỏi EU trái với ý muốn của họ.

Tính thống nhất của Vương quốc Anh bị đe dọa, đó chính là một hệ quả khác của “Brexit”. Một vương quốc phải trải qua đến hàng trăm năm binh biến, thăng trầm mới có được một hình hài như ngày nay: Bao gồm Anh, Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland. Theo các chuyên gia, với việc tôn trọng hai cơ chế vận hành song song với nhau: Trung ương tập quyền (quyết định các vấn đề ngoại giao quân sự, kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội) và địa phương phân quyền (quyết định vấn đề giáo dục, kinh tế vi mô, phát triển đô thị địa phương...), vốn dĩ không bao giờ trái với luật chung của toàn Vương quốc nên nền dân chủ của Vương quốc Anh rất bền vững. Dựa trên hai cơ chế này, bốn xứ có cách thức tổ chức chính phủ riêng của mình.

Tuy nhiên, trên bình diện địa lý, vấn đề ở lại hay ra khỏi EU đã chia Vương quốc Anh thành hai phe đối lập giữa một bên là Scotland, Bắc Ireland, phía Tây xứ Wales với những phần còn lại của Vương quốc. Bà Pauline Schnapper, Giáo sư về Lịch sử Văn minh Anh quốc đương đại tại Đại học Sorbonne Nouvelle-Paris 3, lưu ý là Scotland vẫn chưa hội đủ điều kiện thuận lợi để có thể tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý về việc giành độc lập. Theo bà, theo nguyên tắc, sự kiện này đương nhiên phải được London đồng ý. Trong trường hợp Scotland phớt lờ và cứ tổ chức, điều đó có thể sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng lớn với London.

Còn đối với Giáo sư Richard Davis của Đại học Lille, vấn đề độc lập của Scotland đã được đề cập đến từ nhiều năm nay. Tuy đã từng bị người dân bác bỏ một lần trong một cuộc trưng cầu dân ý về việc độc lập cách đây hai năm, nhưng theo ông, câu hỏi này sớm muộn gì cũng được nhắc lại. Và thắng lợi của phe “Brexit” đang mang đến một cơ hội mới, nhất là cho chính đảng theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa của nữ Thủ hiến Sturgeon. Trong dài hạn và từ lâu nay, người dân Scotland càng ngày càng cảm thấy ít gần gũi với nước Anh hơn. Dần dần, họ hướng về một dạng độc lập, một kiểu tự trị và đương nhiên là một nền độc lập.

Thận trọng không bao giờ thừa khi kinh tế Scotland đã có những biến đổi kể từ hai năm nay do giá dầu thô giảm. Những người đòi độc lập sẽ rất khó mà giải thích về mặt kinh tế liệu nước này có thể tồn tại được nếu độc lập. Sự lệ thuộc kinh tế vào Anh là rất lớn. Vì thế, câu hỏi mà người dân Scotland phải trả lời đó là liệu họ có chắc khi độc lập sẽ thịnh vượng hơn hay là tốt hơn hết nên duy trì mối liên hệ chặt chẽ với London.

Ngoài ra, nếu như Scotland và nước Anh thiết lập lại một đường biên giới chung, điều đó rất có thể sẽ gây ra nhiều phiền toái. Thứ nhất là trong việc tự do lưu thông cũng như là luân chuyển tài sản. Kế đến đó còn là vấn đề văn hóa giữa hai xứ với nhau. Có rất nhiều người Scotland sinh sống tại Anh cũng như là nhiều người Anh có người thân tại Scotland. Giữa hai xứ có một mối liên hệ rất sâu đậm. Việc hình thành một đường biên giới có thể sẽ gây ra một sự xáo trộn rất lớn.

Do vậy, vẫn còn quá sớm để có thể có thể có câu trả lời cho nền độc lập trong tương lai của Scotland.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Biết chọn lối nào?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO