Đó là ý kiến của nguyên Tổng Thư ký Hội Kinh tế môi trường Việt Nam - Trưởng Ban khoa học GS.TS Hoàng Xuân Cơ tại tọa đàm “Kinh tế tuần hoàn trong xử lý rác thải ở Việt Nam” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 27.11.
Phát biểu tại tọa đàm, GS.TS Hoàng Xuân Cơ nhận định, chuyển đổi từ mô hình kinh tế truyền thống sang mô hình kinh tế tuần hoàn là cách tiếp cận hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, đã được Chính phủ của nhiều quốc gia hưởng ứng và triển khai. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ở khu vực ASEAN đưa kinh tế tuần hoàn vào Luật Bảo vệ môi trường và văn bản hướng dẫn dưới luật.
Theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ, cần nắm rõ khái niệm kinh tế tuyến tính và kinh tế tuần hoàn. Thực chất kinh tế tuyến tính hay kinh tế truyền thống đã có hình bóng của kinh tế tuần hoàn. Bởi một phần của chất thải trong quá trình hoạt động kinh tế, từ khai thác tài nguyên, chế biến, sản xuất đến tiêu thụ đều sẽ trở thành rác.
Hiện nay, xu hướng thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn trên thế giới đang diễn ra mãnh liệt. Kinh tế tuần hoàn được coi là giải pháp hiệu quả giải quyết các thách thức của toàn cầu như biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm rác thải, thúc đẩy các biện pháp phát triển bền vững.
"Việc sớm công nhận và thể chế hóa khái niệm, quy định về kinh tế tuần hoàn vào trong hệ thống chính sách, pháp luật đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, đồng thuận của giới khoa học và đã có những tín hiệu ủng hộ, hưởng ứng bằng hành động cụ thể của cộng đồng doanh nghiệp với mô hình kinh tế nhiều tiềm năng này", chuyên gia khoa học nhấn mạnh.
Mỗi năm Việt Nam thải khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa ra môi trường, đứng thứ 4 trong Top 20 nước hàng đầu thế giới về rác thải nhựa. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới WorldBank. Dự báo đến năm 2030, sau chưa đầy 15 năm, lượng chất thải phát sinh của Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp đôi, từ 27 triệu lên 54 triệu tấn.
Theo vị chuyên gia này, xử lý rác thải hiệu quả là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2030, nâng tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải lên 95% ở khu vực thành thị, 90% ở khu vực nông thôn và 98% đối với chất thải nguy hại.
Hiện việc xử lý rác thải của Việt Nam đang tập trung phần lớn ở rác đô thị, phần ít ở rác nông thôn. Tùy quy mô khác nhau để áp dụng kinh tế tuần hoàn hợp lý.
GS.TS Hoàng Xuân Cơ chỉ rõ, để việc xử lý rác thải được hiệu quả, phải biến việc xử lý chất thải trở thành một ngành như ngành công nghiệp. Có ngành kinh tế để sản xuất ra hàng hóa, thì phải có nền công nghiệp xử lý rác thải để tập trung giải quyết các vấn đề môi trường. Nếu chỉ xét về lợi nhuận, ngành xử lý rác thải khó có thể chi trả hết mọi kinh phí. Nên rất cần sự vào cuộc, hỗ trợ của các cơ quan Nhà nước.
“Kinh tế tuần hoàn là xu hướng của thế giới và Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Nhưng làm thế nào để áp dụng kinh tế tuần hoàn một cách nhuần nhuyễn, đạt hiệu quả cao nhất là vấn đề bản thân mỗi người phải cùng tham gia, ngay từ khâu phân loại rác”, GS.TS Hoàng Xuân Cơ nhấn mạnh.