Biến văn hóa thành sức mạnh nội tại

Thanh Yến thực hiện 27/10/2016 08:07

Theo GS.NGND Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD - ĐT, xây dựng con người trong bất kỳ thời đại nào cũng không thể tách rời văn hóa - nền tảng tinh thần dân tộc. Khi giá trị văn hóa được kế thừa và phát triển, trở thành sức mạnh nội tại, con người lại tạo ra các giá trị mới, đáp ứng nhu cầu phát triển của bản thân và đất nước.

Con người không thể tách rời văn hóa

- Thưa GS.NGND. Phạm Minh Hạc, là người gắn bó với sự nghiệp nghiên cứu về con người Việt Nam, từng làm chủ nhiệm 3 chương trình khoa học cấp nhà nước về con người trong giai đoạn 1991 - 2006, theo ông, có thể kế thừa gì từ những nghiên cứu này trong việc xây dựng con người Việt Nam hôm nay?

- Xây dựng con người trong bất kỳ thời đại nào cũng không thể tách rời việc vun đắp và phát huy sức mạnh của văn hóa - nền tảng tinh thần dân tộc. Cùng với văn hóa, con người luôn là mục tiêu và động lực của sự phát triển mỗi quốc gia. Nói đến văn hóa là nói đến con người, bởi chính con người gieo trồng nên văn hóa và văn hóa cũng được biểu hiện qua con người. Hệ thống giá trị vật chất và tinh thần (giá trị văn hóa) do con người tạo ra, thông qua quá trình giáo dục và tự giáo dục lại trở về với con người, được con người thừa kế và phát triển, trở thành giá trị bản thân và sức mạnh nội lực trong mỗi người cũng như trong tập thể; nguồn lực con người lại tiếp tục tạo ra các giá trị mới, đáp ứng nhu cầu phát triển của từng người, từng nhóm người và của sự phát triển đất nước nói chung.


- Trong các văn kiện của Đảng, con người luôn được xem là động lực, nhân tố trung tâm của sự phát triển. Mỗi giai đoạn, Đảng và Nhà nước đều chỉ đạo thực hiện đề án xây dựng con người Việt Nam, nhưng tại sao khi triển khai thì kết quả chưa được như mong đợi, thưa ông?

- Để đưa ra đường lối, chính sách về xây dựng con người Việt Nam thì cần dựa trên cơ sở chính trị, cơ sở xã hội, nhưng đồng thời cũng phải có cơ sở khoa học, phải nghiên cứu tình hình thực tiễn. Điểm lại 30 năm qua, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đã được vận dụng vào các văn kiện, văn bản pháp luật. Tuy nhiên, con người và nguồn nhân lực là những vấn đề của thời đại, và mỗi thời kỳ phát triển của xã hội có yêu cầu riêng. Do hoàn cảnh đất nước, không phải những điều mong muốn, hay những kết luận của khoa học có thể ngày một ngày hai đưa vào thực tiễn. Bên cạnh đó, giữa lý thuyết và thực hành, giữa khoa học và thực tiễn tất yếu luôn có khoảng cách nhất định và khoảng cách ấy gần hay xa phụ thuộc vào chính chúng ta. Nếu có sự lãnh đạo sát sao, kịp thời về mặt đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, và sự ủng hộ tích cực từ phía nhân dân thì những nghiên cứu, đề án về xây dựng con người mới có thể mang lại hiệu quả thiết thực khi triển khai trong thực tế.

Tự kiến tạo tâm - trí - thể lực

- Trong bài viết tham gia Diễn đàn trên báo Đại biểu Nhân dân, ông có nhấn mạnh đến việc xây dựng hệ giá trị chung của con người Việt Nam. Vậy, theo ông, hệ giá trị chung của con người Việt Nam trong bối cảnh hội nhập hiện nay cần những tiêu chí gì?

- Theo tôi, xây dựng giá trị chung cho con người Việt Nam thì trước tiên cần tiếp thu được giá trị cội nguồn của loài người là tính người và tình người. Thứ hai là phải phát huy hệ giá trị dân tộc, thể hiện ở ý thức dân tộc, lòng yêu nước, tinh thần hiếu học, trọng tình nghĩa; tình cảm gia đình… Bên cạnh đó, cần quan tâm đến giá trị lao động, mỗi con người phải đạt đến trình độ nhất định để làm việc. Nếu như ai cũng lao động đạt năng suất, có tinh thần tích cực, trách nhiệm đối với công việc thì xã hội sẽ giàu có và văn minh. 

Quan trọng nhất là phải giáo dục hệ giá trị cho thế hệ trẻ, giúp cho từng người tự kiến tạo nên giá trị bản thân - giá trị nhân cách: Tâm lực, trí lực, thể lực. Đối với học sinh và sinh viên, theo tôi, ngoài tinh thần dân tộc, thì sự chăm chỉ, tinh thần trách nhiệm, quan hệ với mọi người… là các giá trị vừa cơ bản, vừa cốt lõi cần hình thành và phát triển trong giá trị bản thân.

- Con người là nhân tố quyết định sự phát triển nhưng hiện tại việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực của chúng ta vẫn còn bất cập. Theo ông, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách thế nào để tạo môi trường cho người Việt Nam phát huy được khả năng, cống hiến cho đất nước?

- Việc đào tạo nhân lực của nước ta vẫn chưa thực sự bám sát cơ cấu lao động. Chất lượng đào tạo nhân lực nhìn chung còn thấp so với mục tiêu giáo dục, với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và với trình độ các nước trong khu vực. Việc học tập bị chi phối nặng nề bởi tâm lý bằng cấp; phương pháp giáo dục chưa khuyến khích sự năng động, sáng tạo, chưa coi trọng năng lực tư duy và năng lực thực hành của người học. Bên cạnh đó, công tác bồi dưỡng và sử dụng nhân tài như là đầu tàu của đội ngũ nhân lực chưa được quan tâm đúng mức, thiếu cơ chế, chính sách để trọng dụng cán bộ khoa học có trình độ cao.

Để có nguồn nhân lực thực sự hiệu quả, phải có chiến lược rõ ràng, chính sách đào tạo, sử dụng hợp lý, phải lấy phát triển bền vững con người làm trung tâm. Nhà nước cần có chính sách bảo đảm môi trường làm việc thuận lợi, phát huy tiềm năng của người lao động, bảo đảm hiệu quả công việc; phát triển nguồn nhân lực bám sát thị trường lao động. Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống chính sách sử dụng nhân lực phù hợp bao gồm tuyển dụng, phân công lao động; chính sách cán bộ, tiền lương, khen thưởng...

- Xin cảm ơn ông!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Biến văn hóa thành sức mạnh nội tại
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO