Biến thể Delta đe dọa mô hình “chung sống với Covid-19”

- Thứ Năm, 09/09/2021, 06:29 - Chia sẻ
Singapore cho biết, nước này có thể sẽ phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế chặt chẽ liên quan đến dịch bệnh Covid-19 nếu đợt bùng phát mới của biến thể Delta không được ngăn chặn. Những diễn biến mới này đang de dọa hướng tiếp cận “chung sống với Covid-19” mà Singapore dự định áp dụng từ cuối tháng này.
	Singapore tái áp đặt các biện pháp hạn chế bất chấp kế hoạch sống chung với Covid-19 - CNA
Singapore tái áp đặt các biện pháp hạn chế bất chấp kế hoạch sống chung với Covid-19
Nguồn: CNA

Từ “Covid Zero” đến “chung sống”

Theo Bộ Y tế nước này, số ca nhiễm Covid-19 mới ở Singapore đã tăng gấp đôi trong tuần qua, lên hơn 1.200 ca tính đến ngày 5.9. Cho đến nay, Singapore đã ghi nhận tổng cộng 68.901 ca nhiễm Covid-19 với 55 ca tử vong, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins.

Hôm 6.9, ông Lawrence Wong, người đứng đầu Lực lượng Đặc nhiệm chống Covid-19 của Singapore cho biết, số liệu mới nhất không chỉ phản ánh số ca mắc hàng ngày tăng cao mà còn cho thấy tốc độ lây lan mạnh và khó kiểm soát của virus. “Từ kinh nghiệm của nhiều quốc gia, khi số ca bệnh tăng mạnh thì sẽ có nhiều ca chuyển biến nặng và cần dùng tới các giường chăm sóc đặc biệt ICU. Trong đó, nhiều người sẽ không thể chống chọi nổi với dịch bệnh”, ông Wong nói.

Singapore từng là một trong những quốc gia theo đuổi chính sách "Covid Zero" (chính sách nhằm triệt tiêu Covid-19 hoàn toàn bằng các biện pháp mạnh tay) kể từ khi đại dịch bùng phát năm 2020. Quốc gia này cũng ban bố nhiều biện pháp giãn cách cứng rắn như đóng cửa nhà hàng, đóng cửa biên giới và thực thi việc giãn cách xã hội khá triệt để.

Tuy nhiên, hồi tháng 6 vừa qua, Chính phủ Singapore thông báo họ sẽ điều chỉnh chiến lược sang “sống chung với Covid-19”. Cụ thể, dịch bệnh được xác định sẽ không thể triệt tiêu. Thay vào đó, chính phủ sẽ kiểm soát dịch bệnh bằng miễn dịch cộng đồng thông qua phủ sóng vaccine, tập trung vào các trường hợp bệnh nhân nặng phải nhập viện, coi Covid-19 như một loại bệnh theo mùa, hàng năm tiêm các mũi vaccine tăng cường, từ đó có thể nới lỏng các biện pháp hạn chế gây ảnh hưởng tới cuộc sống người dân.

“Tin xấu là Covid-19 có thể không bao giờ biến mất. Tin tốt là chúng ta có thể sống bình thường với chúng”, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tuyên bố hồi tháng 6. Một tháng trước đó, Singapore chỉ cho phép tụ tập tối đa 2 người, giảm từ 5 người.

Những hạn chế mới

Singapore là quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, với 80% dân số đã được tiêm phòng 2 mũi ngừa Covid-19. Trong suốt tháng 8, nước này đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế, cho phép những người tiêm phòng đầy đủ được dùng bữa tại các nhà hàng và được tụ tập nhóm 5 người.

Tuy nhiên, đợt bùng phát mới của biến thể Delta đã làm đình trệ mọi nỗ lực mở cửa trở lại của Singapore. Trong phát biểu hôm 5.9, ông Lawrence Wong nhấn mạnh, Singapore sẽ cố gắng ngăn chặn đợt bùng phát mới thông qua giám sát chặt chẽ hơn các hoạt động tiếp xúc giữa người với người, khoanh vùng cũng như áp đặt các biện pháp hạn chế mạnh tay khác.

Bên cạnh đó, cứ một hoặc hai tuần, sẽ tiến hành xét nghiệm định kỳ cho những công nhân nằm trong nhóm nguy cơ cao. Danh sách những người bắt buộc phải xét nghiệm sẽ được mở rộng bao gồm cả nhân viên bán lẻ, người giao hàng và những người làm công việc vận tải hành khách công cộng.

Singapore cũng đã cấm tất cả các cuộc tụ họp tại nơi làm việc bắt đầu từ ngày 1.9. Ông Wong khuyến khích mọi người tránh các sự kiện xã hội không cần thiết nhằm hạn chế số ca lây nhiễm. “Nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao mà Singapore đã duy trì được các chính sách cởi mở hơn trong thời gian gần đây. Nhưng nếu như đã cố gắng hết sức mà số ca bệnh nhân trở nặng (cần thở oxy hay dùng giường chăm sóc đặc biệt) vẫn tăng mạnh, chúng tôi sẽ chẳng còn cách nào khác ngoài thắt chặt hơn nữa các biện pháp chống dịch”, ông Wong lưu ý.

Dấu hiệu cảnh báo

Sự bùng phát số ca nhiễm Covid-19 ở Singapore cũng như việc Chính phủ nước này phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế có thể khiến các nước đang theo đuổi chính sách "sống chung với Covid-19" cảm thấy lo lắng. Australia là ví dụ. Hàng triệu cư dân ở New South Wales và Victoria, những người đang phải chịu cảnh giãn cách kéo dài suốt nhiều tháng qua, đang mong chờ được quay trở lại cuộc sống thường ngày khi quốc gia này thông báo sẽ áp dụng mô hình sống chung với Covid-19 thay vì "Covid Zero" sau khi đạt đủ tỷ lệ phủ sóng về tiêm chủng.

Hồi tháng 8, Chính phủ Australia cho biết, họ sẽ nới lỏng các hạn chế khi 70% dân số trên 16 tuổi được tiêm 2 mũi vaccine. Cho đến nay (ngày 5.9), mới có 38,4% dân số nước này được tiêm đủ 2 mũi.

Tuy nhiên, trước tình hình ở Singapore và Israel, một quốc gia phủ sóng vaccine khác vẫn đau đầu vì biến thể Delta, một số lãnh đạo địa phương ở Australia cho rằng không nên mở cửa biên giới bang quá sớm. Với những bang không có ca mắc Covid-19, họ cho rằng việc mở cửa biên giới sớm khiến virus có thể tái xâm nhập sẽ là lựa chọn điên rồ. Với những gì đang xảy ra ở Singapore, các lãnh đạo này càng có cơ sở hơn để củng cố quan điểm của mình.

Tây Úc và Queensland hiện không có ca nhiễm Covid-19 nào trong cộng đồng. Thủ hiến bang Tây Úc Mark McGowan cho biết hôm 30.8: “Chúng tôi là một cộng đồng tự do, cởi mở và thú vị nhất trên thế giới và chúng tôi tiếp tục cởi mở theo cách đó trên cơ sở sẽ phủ sóng tiêm chủng cho dân số của mình”. “Suy nghĩ cho rằng chúng tôi có thể trở thành nhân tố nhập khẩu virus là một ý tưởng thiếu hợp lý”. Tuy nhiên, các nhà dịch tễ học của Australia đã cảnh báo, nếu các hạn chế được nới lỏng trong nội bộ Australia và giữa Australia với nước khác trước khi đạt tỷ lệ tiêm chủng trong cộng đồng sẽ dễ bị tổn thương cao và kết quả có thể rất thảm khốc.

Đạt Quốc