Biến thể có làm đảo lộn chiến lược vaccine?

- Thứ Hai, 16/08/2021, 06:29 - Chia sẻ
Sự xuất hiện các biến thể mới của virus SAR-CoV-2, đặc biệt là biến chủng Delta đang khiến các nhà nghiên cứu vaccine phải đau đầu để tìm ra một chiến lược mới hay thậm chí liều thuốc mới, nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch càng sớm càng tốt.

Vào thời điểm ban đầu khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các nước trên thế giới phải đóng cửa biên giới, mọi hoạt động đều phải tạm dừng, lúc đó, nhiều người nghĩ và hy vọng rằng tình hình này chỉ là thạm thời. Các nhà nghiên cứu cũng như các hãng dược phẩm, đều nỗ lực để nhanh chóng phát triển ra một loại vaccine để ngăn chặn dịch bệnh như các bệnh lây nhiễm trước đó. Nhưng đã gần 2 năm trôi qua, cuộc sống của người dân vẫn chưa trở lại bình thường, mặc dù tốc độ tiêm chủng đã được thúc đẩy mạnh mẽ, nhưng sự xuất hiện của biến thể Delta hay Lambda đã khiến mọi nỗ lực bị đảo lộn.

Các chuyên gia hay nhà nghiên cứu không thể nghĩ được rằng những biến chủng mới này lại có thể thích ứng, khả năng lây nhiễm cao, nguy hiểm hơn nhiều lần so với biến thể ban đầu của virus SAR-CoV-2. Các vaccine hiện có giúp cho người nhiễm bệnh không trở bệnh nặng, song không thể ngăn chặn tuyệt đối sự truyền bệnh. Vì vậy, điều này đã khiến cho các nhà sản xuất vaccine phải cân nhắc để đưa ra những chiến lược mới.

	Nguồn: DW
Nguồn: DW

Điều chỉnh để bắt kịp với biến thể mới

Khi virus SAR-CoV-2 liên tục có những biến đổi, hãng dược phẩm Pfizer và BioNTech phải tiếp tục tìm hiểu thêm về khả năng miễn dịch lâu dài, nhu cầu tiêm nhắc lại. Theo các cuộc nghiên cứu và bằng chứng hiện có từ hãng Pfizer, vaccine ngừa Covid-19 của hãng vẫn có hiệu quả bảo vệ người tiêm trước những biến thể mới hiện nay, nhưng để tăng tính hiệu quả, Pfizer đang thử nghiệm lâm sàng ở các giai đoạn khác nhau đối với mũi tiêm tăng cường và hứa hẹn kết quả đầy khả quan. Các loại vaccine của Pfizer/BioNTech đang sử dụng công nghệ vaccine có tính linh hoạt mRNA sẽ giúp cho việc điều chế như tăng cường liều lượng nếu cần, cũng như giải quyết những thay đổi của virus. Hãng này cũng có kế hoạch theo dõi các biến thể mới và khả năng miễn dịch suy giảm, để có thể chuẩn bị sản xuất vaccine mới trong trường hợp cấp thiết.

Trong khi đó, các chuyên gia của hãng Moderna cho biết, vaccine này vẫn có tính hiệu quả lên tới 90% trong ít nhất 6 tháng, tuy nhiên sau thời gian đó mức độ kháng thể sẽ giảm dần đặc biệt trong việc ngăn chặn các biến thể mới như Delta. Vì vậy hãng này cũng đề xuất những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 của hãng, nên tiêm mũi thứ 3 tăng cường vào tháng 9 tới để bảo đảm chống được các biến thể mới. Đối với công ty không sử dụng cộng nghệ mRNa thay vào đó vẫn sử dụng công nghệ truyền thống như hãng dược phẩm Johnson&Johnson (J&J), cũng đang tiếp tục nghiên cứu hiệu quả vaccine một mũi tiêm duy nhất của hãng này trước các biến thể mới. Bằng chứng từ nghiên cứu hợp tác giai đoạn 3, đã chứng minh hiệu quả của vaccine Covid-19 tiêm một mũi J&J, bao gồm cả việc chống lại các biến thể virus đang phổ biến nhất hiện nay. Công ty J&J đang theo dõi các biến thể mới, thông qua các thử nghiệm hiệu quả lâm sàng nhằm xác định xem liệu phản ứng miễn dịch do vaccine Covid-19 của J&J có khả năng trung hòa các biến thể mới hay không.

Bên cạnh đó, việc tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ vị thành niên cũng luôn là mối quan tâm hàng đầu của các chuyên gia y tế. Nhiều quốc gia như Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Italy, Hà Lan... đã cấp phép sử dụng vaccine Covid-19 cho trẻ vị thành niên trong độ tuổi từ 12-17. Trong khi đó, Nga đang thử nghiệm vaccine dạng xịt mũi phù hợp với trẻ em từ 8-12 tuổi và dự kiến sẵn sàng đưa vào sử dụng trước ngày 15.9 tới. Các nước như Thái Lan và Trung Quốc cũng nghiên cứu vaccine ngừa Covid-19 dạng này, nhằm ngăn chặn và điều trị bệnh, nhất là đường mũi được xác định là con đường chính xâm nhập vào cơ thể của virus SARS-CoV-2.

Vaccine vẫn là tấm khiên chống Covid-19 quan trọng nhất

Thực tế hiện nay cho chúng ta thấy, mỗi người không có khả năng miễn dịch trước Covid-19, và sự chủ quan sẽ tạo cơ hội cho virus lây lan, tiếp tục đột biến để thích nghi với môi trường sống và sẽ vẫn là nguy cơ đối với cộng đồng. Vì vậy, điều quan trọng hiện nay là phải tiêm chủng càng nhanh càng tốt cho nhiều người. Hơn nữa, việc tuân theo hướng dẫn y tế công cộng nhằm hạn chế phơi nhiễm với virus như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội, kết hợp với việc tiếp tục chiến dịch tiêm chủng có thể giúp con người đạt được miễn dịch cộng đồng và giảm các trường hợp mắc Covid-19.

Nhà vi sinh học chuyên nghiên cứu về sự tiến hóa của mầm bệnh tại Đại học Chicago Sarah E. Cobey cho biết, khi các công ty đã sử dụng các công nghệ hàng đầu và kiến thức mới nhất để sản xuất vaccine với tốc độ đáng kinh ngạc mà trước nay chưa từng có, nhưng lại bị nhiều người coi là bằng chứng cho thấy vaccine không đáng tin cậy, điều này đã khiến nhiều người có quan điểm sai lầm về vaccine và từ chối tiêm. SARS-CoV-2 là một loại virus khủng khiếp, nó liên tục đột biến và cướp đi mạng sống của nhiều người, nhưng lại có thể ngăn chặn một cách tương đối bằng các mũi tiêm tăng cường, cho phép việc tiêm chủng theo kịp các chủng đột biến. Về lâu dài, nhiều người cho rằng Covid-19 sẽ giống như bệnh cúm mùa.

Hiện nay, một số bang và thành phố ở Mỹ, đã cho phép một số nhóm nhất định được tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa Covid-19, đây không phải là vaccine mới mà là liều bổ sung của vaccine hiện có. Theo chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và là giáo sư tại Đại học Y khoa Johns Hopkins Tiến sĩ Jonathan Zenilman, tất cả những loại vaccine hiện nay đều được phát triển dựa trên chủng virus SARS-CoV-2 ban đầu, và việc tiêm mũi tiêm tăng cường để ngăn chặn các biến thể mới hoàn toàn là có khả năng. Vì vậy, ngoài tích cực tiêm chủng, thế giới sẽ đạt được hệ miễn dịch nhất định và ngăn chặn được nguy cơ xuất hiện siêu biến thể kháng vaccine.

Như Ý