Biến thách thức thành cơ hội

Ninh Hà 28/12/2022 06:40

Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đến hết tháng 11.2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước đạt hơn 10 tỷ USD. Dự kiến đến hết năm sẽ đạt 11 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2021.

Điểm nhấn đáng chú ý trong xuất khẩu thủy sản là lần đầu tiên mặt hàng tôm vượt mốc 4 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 39% trong tổng giá trị xuất khẩu 11 tháng qua. Tiếp đó là cá tra với kim ngạch đạt 2,3 tỷ USD, chiếm 22,4%; cá ngừ đạt 941 triệu USD, chiếm 9,2%; mực, bạch tuộc đạt 704 triệu USD, chiếm 6,9%; các loại khác mang lại kim ngạch 1,9 tỷ USD, chiếm 18,4%... Tính chung trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, ngành thủy sản ước chiếm khoảng 3% và nếu so với tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước, ngành thủy sản đóng góp gần 12% giá trị.

Đây là kết quả rất đáng ghi nhận bởi năm 2022, xuất khẩu thủy sản đối mặt với nhiều biến động và khó khăn. Đó là những hệ lụy của đại dịch Covid-19; xung đột Nga - Ukraine; lạm phát, chi phí sản xuất và kinh doanh tăng mạnh, biến động tỷ giá ngoại tệ… Tuy nhiên, do kinh tế và môi trường kinh doanh trong nước ổn định, thuận lợi nên các doanh nghiệp thủy sản đã biến thách thức thành cơ hội, tận dụng lợi thế của các hiệp định FTA cũng như nhu cầu của thị trường để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu.

Nhìn nhận ở khía cạnh tích cực và trước mắt là vậy, nhưng nếu nhìn xa và rộng hơn, vẫn còn rất nhiều vấn đề đặt ra cả với sản xuất, tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu. Cụ thể, theo khảo sát tại 117 doanh nghiệp thủy sản do vietnambiz.vn thực hiện cho thấy, 71% doanh nghiệp cho rằng triển vọng ngành thủy sản năm 2023 sẽ khó khăn, hơn 22% doanh nghiệp đánh giá sẽ rất khó khăn và chỉ có khoảng 7% doanh nghiệp lạc quan vào bức tranh ngành thủy sản trong thời gian tới.

Nguyên nhân khiến doanh nghiệp kém lạc quan về triển vọng trong năm 2023 là do biến động tỷ giá, nguồn vốn bị thắt chặt; kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát tăng làm giảm nhu cầu dẫn đến tồn kho tăng và cạnh tranh sẽ gay gắt hơn từ những đối thủ có chi phí thấp và giá bán rẻ.

Ở góc nhìn cụ thể hơn là tại đồng bằng sông Cửu Long - trọng điểm về nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản của cả nước, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân, đi kèm với những lợi thế sẵn có và sự đổi mới sáng tạo là những thách thức phải đối mặt như ô nhiễm môi trường, hạ tầng ảnh hưởng đến chất lượng nuôi trồng thủy sản. Do đó, để tận dụng triệt để các lợi thế sẵn có, song song với bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững, giảm phát thải, ngoài những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, rất cần sự chung tay góp sức để có các sáng kiến đổi mới phù hợp với thực tiễn, trình độ, khả năng tài chính của người dân.

Theo Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 - 2030, đến năm 2030 sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 7 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 12 tỷ USD/năm; tốc độ tăng trưởng giá trị nuôi trồng thủy sản đạt trung bình trên 4,5%/năm... đòi hỏi phải có chiến lược phù hợp, đó là chuyển dần từ khai thác, đánh bắt sang nuôi trồng, chế biến sâu. Đặc biệt, như ý kiến của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến thì phát triển bền vững là căn cốt nhất, đồng thời làm tốt công tác bảo tồn, chế biến theo công nghệ cao, theo chuỗi khép kín, tăng thêm giá trị gia tăng gắn với xúc tiến thị trường...

Thực tế, dư địa của thị trường đối với thủy sản còn nhiều, cơ hội cũng rất lớn. Vấn đề còn lại là phải vượt qua những thách thức cả trước mắt và lâu dài như nguồn vốn, các vấn đề liên quan đến thị trường xuất khẩu cũng như giải pháp logistics, lưu kho... mới có thể đạt được mục tiêu đã đề ra.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Biến thách thức thành cơ hội
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO