Biên soạn thành công từ điển Việt - Pa cô - Ta ôi, Pa cô - Ta ôi - Việt
Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phối hợp với Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam thực hiện thành công đề tài cấp tỉnh "Biên soạn từ điển Việt - Pa cô - Ta ôi, Pa cô - Ta ôi - Việt". Đây là cuốn từ điển đối dịch đa ngữ (Việt - Pa cô - Ta ôi, Pa cô - Ta ôi - Việt), khoảng 8.000 đơn vị - mục từ.
Đề tài dựa trên cơ sở tổng hợp những kết quả nghiên cứu đã có trong và ngoài nước về tiếng Pa cô và Ta ôi, kết hợp với kết quả điều tra thu thập tư liệu tại chỗ tại huyện A Lưới. Cuốn từ điển này gồm 2 phần: từ điển Việt - Pa cô - Ta ôi và từ điển Pa cô - Ta ôi - Việt.
|
Thừa Thiên - Huế là nơi tập trung sinh sống của các dân tộc Pa cô - Ta ôi cư trú. Các dân tộc này đều có tiếng nói riêng, về mặt chữ viết dân tộc Pa cô - Ta ôi và Cơ Tu nằm trong 18 dân tộc có chữ viết theo hệ Latinh gồm: Hmông, Bru - Vân Kiều, Ta ôi, Cơ Tu, Giẻ - Triêng, Co, Xơ Đăng, Hrê, Ba Na, Gia Rai, Ê đê, Mnông, Chu Ru, Raglai, Cơ Ho, Mạ, Xtiêng, Chơ Ro1. |
Trong từ điển Việt - Pa cô - Ta ôi, Pa cô - Ta ôi - Việt được biên soạn theo nguyên tắc, mỗi âm được ghi bằng một kí hiệu và dùng một kí hiệu để ghi một âm; tôn trọng các đặc điểm ngữ âm của tiếng dân tộc, đồng thời bảo đảm sự gần gũi với chữ quốc ngữ và chữ viết các dân tộc anh em khác, điều có ý nghĩa nhất là dễ học, dễ nhớ, dễ đọc có thể đánh máy và in trên những máy thông thường. Với nguyên tắc này sẽ giúp đồng bào dân tộc sau khi học chữ dân tộc mình sẽ học chữ quốc ngữ hoặc học chữ các dân tộc anh em khác một cách dễ dàng. Mặt khác, sự gần gũi giữa chữ quốc ngữ và chữ dân tộc cũng giúp cho đồng bào và cán bộ người Kinh học chữ dân tộc một cách thuận lợi.
Kết quả của đề tài sẽ giúp cho việc bảo tồn và phát triển đối với ngôn ngữ chữ viết của người Pa cô - Ta ôi, giúp cho việc giáo dục song ngữ ở vùng đồng bào Pa cô - Ta ôi, hướng tới việc sử dụng có hiệu quả hơn đối với tiếng nói chữ viết Pa cô - Ta ôi trong các lĩnh vực văn hóa, tuyên truyền, in ấn. Kết quả của đề tài còn giúp cho cán bộ, công chức đang công tác ở vùng đồng bào Pa cô - Ta ôi có tài liệu để học tập, có điều kiện tìm hiểu đời sống, tâm tư nguyện vọng và những nét văn hóa của đồng bào, để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ công tác ở vùng đồng bào Pa cô - Ta ôi; góp phần thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với tiếng nói chữ viết của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam nói chung và ở tỉnh Thừa Thiên - Huế nói riêng...