Biến rơm rạ thành tài nguyên
Với mục tiêu từ ngày 1.1.2021, trên toàn địa bàn TP Hà Nội sẽ không còn tình trạng đốt rơm rạ, ngoài giải pháp tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, các chuyên gia về môi trường cho rằng, để giải quyết triệt để vấn đề này cần có sự đồng hành của các bên Nhà nước - doanh nghiệp - người dân để biến rơm rạ trở thành tài nguyên.
Đốt rơm rạ vẫn tái diễn
Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy, ước tính mỗi năm trên toàn thành phố phát sinh khoảng 1 triệu tấn rơm rạ và phụ phẩm từ cây trồng nông nghiệp. Tuy nhiên, tại hầu hết địa phương như Thạch Thất, Chương Mỹ, Thanh Trì, Quốc Oai, Hà Đông, Ứng Hòa, Hoàng Mai..., thay vì lựa chọn giải pháp thu gom, biến rơm rạ thành tài nguyên, thì giải pháp để xử lý rơm rạ sau thu hoạch được người nông dân lựa chọn nhiều đó là đốt tại chân ruộng. Việc nhiều tấn rơm rạ và phụ phẩm đã bị người dân đốt bỏ trên cánh đồng diễn ra phổ biến sau mỗi vụ thu hoạch vô hình trung đã gây phát sinh khí thải CO2, CO, NO2 vào môi trường, không chỉ gây ô nhiễm tại khu vực đốt rơm rạ, mà các chất ô nhiễm còn theo gió phát tán ra vùng rộng lớn, làm gia tăng ô nhiễm không khí vùng thủ đô.

Việc đốt rơm rạ gần đường đi không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. Hậu quả lớn hơn là làm ô nhiễm môi trường, đẩy chất lượng không khí tại Hà Nội xuống mức xấu; tác động xấu đến bầu khí quyển, gây biến đổi khí hậu.
GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội
Đơn cử tại huyện Ứng Hòa, với diện tích tự nhiên khoảng 18.000ha, diện tích cấy lúa hơn 8.000ha, tương ứng sẽ có 96.000 tấn rơm rạ phát sinh mỗi năm, tuy vậy, mới chỉ có 10% rơm rạ được tận dụng thu gom cho trâu bò, 46.000 tấn thải ra tại ruộng, còn lại trên 40.000 tấn được người dân đưa ra giải pháp xử lý bằng cách đốt tại ruộng để lấy tro bón ruộng. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch nêu thực tế: Mặc dù những năm qua, huyện Ứng Hòa đã tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, vận động bà con không đốt rơm rạ, qua đó phần nào nâng cao nhận thức cho bà con, song việc đốt rơm rạ trên các trục đường giao thông, tại chân ruộng vẫn diễn ra.
Tương tự tại huyện Đông Anh, toàn huyện có khoảng 18.561,71ha, trong đó có khoảng 11.700ha trồng lúa. Theo đó, lượng rơm rạ phát sinh của toàn huyện vào khoảng trên 40.000 tấn/năm. Để chấm dứt tình trạng đốt rơm rạ trên đồng ruộng, thời gian qua huyện đã có các giải pháp như: vận động người dân không đốt rơm rạ sau thu hoạch; hỗ trợ chế phẩm sinh học cho nông dân; triển khai một số đề án, mô hình để xử lý rác như mô hình trồng nấm rơm; kết nối các doanh nghiệp thu mua rơm rạ cho bà con nông dân... Tuy vậy, do thói quen, đồng thời việc thu mua, kết nối giữa các doanh nghiệp và người dân chưa đồng bộ nên tình trạng đốt rơm rạ vẫn còn tái diễn theo vụ mùa tại một số xã trên địa bàn.
Tăng kết nối
Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Lưu Thị Thanh Chi cho biết, nhiều năm qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm tình trạng đốt rơm rạ. Cụ thể, từ năm 2017, Hà Nội đã triển khai mô hình “Thành phố không đốt rơm rạ” với lộ trình: năm 2018, thực hiện mô hình “Phường, xã không đốt rơm rạ”; năm 2019, thực hiện mô hình “Huyện, thị xã không đốt rơm rạ”; đặt mục tiêu đến năm 2020 rơm rạ không còn bị đốt bỏ. Mới đây nhất, ngày 18.9.2020, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về việc “Tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường thành phố”. Theo chỉ thị, đến ngày 31.12.2020 chấm dứt tình trạng đốt rơm rạ và phụ phẩm cây trồng; từ ngày 1.1.2021, 100% rơm rạ và phụ phẩm cây trồng phát sinh được thu gom, tái sử dụng hoặc xử lý bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường...
Thực hiện các chủ trương trên, các sở, ngành liên quan và chính quyền các cấp theo đó đã tích cực vận động người dân không đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải rắn, đồng thời tích cực hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các chế phẩm sinh học để ủ rơm rạ làm phân bón, sử dụng rơm rạ để trồng nấm, làm thức ăn chăn nuôi.
Dẫu vậy, từ thực tế kiểm tra ở một số địa phương cho thấy, tình hình đốt rơm rạ đã và đang diễn ra khá phổ biến ở các huyện ngoại thành như Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh, Quốc Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức... Theo TS Phạm Quỳnh Hương, Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam thì nguyên do chủ yếu là bởi thói quen cố hữu của người dân, chính quyền địa phương lại chưa quan tâm dành kinh phí hỗ trợ người dân mua chế phẩm để xử lý rơm rạ nên người dân chưa tin tưởng vào việc sử dụng chế phẩm để xử lý ngâm ủ rơm rạ, nếu có thực hiện ngâm ủ rơm bằng chế phẩm chỉ khi trong chương trình dự án. Tuy nhiên, điều quan trọng là chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người dân trong việc thu mua rơm rạ... Do vậy, để khắc phục triệt để tình trạng trên, bà Hương cho rằng: cần có sự đồng hành, kết nối giữa chính quyền - doanh nghiệp - người dân.
Để làm được điều này, cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, bên cạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền cho nông dân về tác hại của khói rơm rạ đến môi trường và sức khỏe cộng đồng; chỉ đạo lực lượng công an tăng cường tuần tra, phát hiện kịp thời những trường hợp vi phạm để xử phạt theo quy định của pháp luật; cần xây dựng phương án hỗ trợ kinh phí, cung cấp chế phẩm sinh học cho nông dân xử lý rơm rạ tại ruộng làm phân bón.
Ngoài ra, thành phố và các địa phương cũng cần quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thu mua rơm, để về lâu dài rơm rạ sẽ trở thành tài nguyên, là nguồn lợi kinh tế. Bởi thực tế hầu hết việc tái diễn đốt rơm rạ tại chân ruộng là do người dân không được hỗ trợ kinh phí mua chế phẩm ngâm ủ rơm rạ, trong khi đó việc thu mua rơm rạ lại thiếu tính kết nối đối với các doanh nghiệp, các chương trình, dự án lại có thời hạn nên khi kết thúc, nếu không có kinh phí và được hỗ trợ chế phẩm ngâm ủ thì cũng đồng nghĩa với việc người dân sẽ quay lại xử lý rơm rạ bằng cách đốt.