Văn hóa - Thể thao

Biên niên sử kháng chiến bằng âm thanh

Thái Minh 02/05/2025 09:32

Âm nhạc được ví như ngôn ngữ của tâm hồn, đã trở thành chứng tích sống động của cuộc đấu tranh giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc. Qua từng giai điệu, lời ca, thời khắc hào hùng cách mạng được khắc họa, đi sâu vào đời sống quân dân, khẳng định tình yêu nước, khát khao hòa bình.

Trong cuốn biên niên sử bằng âm thanh ngót gần thế kỷ, một trong những hình tượng được ngợi ca nhiều nhất là người chiến sĩ.

Theo Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu, nền nhạc mới Việt Nam ngay khi mới chập chững những bước đầu tiên đã luôn đồng hành với lịch sử dân tộc thế kỷ XX, từ phong trào đấu tranh tiền khởi nghĩa đến Cách mạng tháng Tám giành độc lập, qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc tới những thập niên đầu thế kỷ XXI dựng xây đất nước.

o1qpknkd-1uuu2hjo0ac1nc5urhdlyi8lfwkmjv5aoefii7vjhpbskzjhjb7nts8r6itgmi-ix0p11ctzzkfcjjfsmitlyxjjbcr6uvlreol2dpib1fffx2p-_2q.jpg
NSND Thanh Hoa biểu diễn phục vụ bộ đội tại mặt trận. Nguồn: ATL

Rất nhiều hình ảnh chiến sĩ các binh chủng lực lượng vũ trang nhân dân và những người lính không mặc quân phục đã đi vào âm nhạc để sống mãi với thời gian. Đề tài người lính vô cùng phong phú về số lượng, thể loại và hình thức âm nhạc, trong lĩnh vực thanh nhạc cũng như khí nhạc, biểu hiện các khía cạnh, cung bậc tình cảm của người lính trong thời chiến và thời bình, trong những mất mát và nỗi đau thời hậu chiến, trong luyện tập và cuộc sống đời thường, trong tình đồng đội và tình yêu đôi lứa...

“Tượng đài chiến sĩ cách mạng được ‘khởi công xây dựng’ từ thể loại đơn giản nhất là ca khúc quần chúng. Những nét khắc đầu tiên có tuổi đời gần một thế kỷ như Cùng nhau đi hồng binh (1930) của Đinh Nhu, Chiến sĩ Việt Nam (khoảng 1944) của Văn Cao, Du kích ca (1944) của Đỗ Nhuận, Diệt phát xít (1945) của Nguyễn Đình Thi, Đoàn vệ quốc quân (1945) của Phan Huỳnh Điểu, Lên đàng (1944) của Lưu Hữu Phước và Huỳnh Văn Tiểng... Tượng đài âm thanh này được bồi đắp, chạm trổ, hoàn thiện dần qua các thập kỷ đầy biến động bằng nhiều bài ca đi cùng năm tháng”, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu dẫn chứng.

Nhìn riêng về thể loại hành khúc trong âm nhạc cách mạng Việt Nam, TS.NSND. Đỗ Quốc Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho biết, xuyên suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ, thể loại hành khúc luôn giữ vai trò quan trọng. Hầu hết nhạc sĩ, những tên tuổi lớn của nền âm nhạc đều có sáng tác khai thác nhịp hành khúc.

Ca khúc đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam là hành khúc Cùng nhau đi hồng binh của nhạc sĩ Đinh Nhu. Đây được coi là ca khúc đầu tiên, khai sinh dòng ca khúc cách mạng. Đến tận hôm nay, nhiều khán giả cũng có thể thuộc và cùng hát vang những lời ca: Cùng nhau đi hồng binh/ Đồng tâm ta đều bước/ Đừng cho quân thù thoát/ Ta quyết chí hy sinh…

"Những giai điệu như vậy đã ngân vang trong cuộc kháng chiến chống Pháp và đến kháng chiến chống Mỹ tiếp tục được sử dụng phổ biến trong các hoạt động tập thể ngoài trời, khơi dậy cảm xúc, tinh thần chiến đấu, ý chí tiếng hát át tiếng bom”, NSND Đỗ Quốc Hưng nhận định.

Không chỉ ngợi ca những tấm gương chiến sĩ vẻ vang, những tâm hồn cao đẹp hy sinh vì độc lập của Tổ quốc, nhiều ca khúc như trang sử chép bằng giai điệu, đánh dấu mốc son đặc biệt của đất nước.

4-26-a2.jpg
Bài hát “Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh” của nhạc sĩ Xuân Hồng lấy cảm xúc từ sự kiện thống nhất Việt Nam năm 1975. Nguồn: NS

Ca khúc Đất nước trọn niềm vui của nhạc sĩ Hoàng Hà ra đời vào đêm 26/4/1975 tại nhà riêng của ông ở Hà Nội. Bấy giờ, cả nước đang sục sôi ý chí thống nhất, tiến gần đến ngày thắng lợi cuối cùng. Lời ca ngân lên chứa chan hy vọng: Ta đi trong muôn ánh sao vàng/ Rừng cờ tung bay/ Rộn ràng và mê say…/ Ôi! Hạnh phúc vô biên/ Hát nữa đi em những lời yêu thương…

Hay bài hát Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh của nhạc sĩ Xuân Hồng lấy cảm xúc từ sự kiện thống nhất Việt Nam năm 1975. Những giai điệu đầu tiên của bài hát được sáng tác vào khoảng đầu tháng 3/1975 và hoàn thành trên bản thảo đúng ngày 30/4/1975, nói lên niềm hạnh phúc của một đất nước hòa bình: Ôi hạnh phúc biết bao, bao năm vẫn đợi chờ/ Mà niềm vui như đến bất ngờ/ Ngày đi như trong đêm mơ, tuổi lớn rồi mà như ngây thơ…

Có thể nói âm nhạc thời kỳ chiến tranh đã góp phần tô thắm thêm những trang sử hào hùng của dân tộc. Theo PGS.TS. NS. Nguyễn Đình Lâm, các nhạc sĩ thời kỳ này, cống hiến của họ đã tạo nên nền tảng quý báu cho văn nghệ sĩ hôm nay tiếp tục phát huy.

PGS.TS. NS. Nguyễn Đình Lâm khẳng định: "Chủ nghĩa yêu nước, ý chí quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh được nuôi dưỡng và phát triển, trở thành thông điệp thống nhất trong các ca khúc cũng như các sáng tác âm nhạc về chủ đề lực lượng vũ trang, cách mạng của dân tộc. Đồng thời, tinh thần đoàn kết trong Đảng, trong dân được thắt chặt, nhân lên, tạo tiền đề vững chắc để cách mạng nước nhà đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Biên niên sử kháng chiến bằng âm thanh
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO