Biến nguy thành cơ

- Chủ Nhật, 18/10/2020, 05:42 - Chia sẻ
So sánh đại dịch Covid-19 bùng phát trong suốt thời gian từ đầu năm đến nay với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phùng Văn Hùng nhấn mạnh, ở cuộc chiến chống đại dịch này, chúng ta đã chủ động, tích cực hơn, phân tích, nhìn nhận rõ nền kinh tế yếu chỗ nào, mạnh chỗ nào, cái gì cần khắc phục, sửa đổi và có mang lại lợi ích gì hay không? Và quả thực, những nỗ lực phòng, chống đại dịch Covid-19 đã đem lại kết quả xứng đáng. Chúng ta đã "biến nguy thành cơ".

Kiềm chế tác động và nhân lên lợi ích

Mới đây, trong dự thảo Báo cáo chuyên đề một số vấn đề nổi bật ở Việt Nam 9 tháng năm 2020 và khuyến nghị chính sách, Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa ra một bức tranh toàn cảnh về tình hình kinh tế - xã hội nước ta. Theo đó, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, sản xuất, kinh doanh đã rơi vào tình trạng bị đình trệ, nhất là trong một số lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, vận tải, du lịch; hàng triệu lao động thiếu hoặc mất việc làm, thu nhập của người lao động bị giảm sâu, đời sống người dân bị ảnh hưởng tiêu cực… Tuy nhiên, với những chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng và Nhà nước, với phương châm “chống dịch như chống giặc”, chúng ta đã kiểm soát tốt đại dịch, tạo tiền đề, điều kiện để phục hồi, phát triển kinh tế.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh, nhận định, 9 tháng qua là vô cùng khó khăn đối với cả nền kinh tế và doanh nghiệp. Nhưng càng khó khăn, càng phải cầm cự, duy trì “năng lượng” để khi cơn bão đại dịch đi qua, chúng ta có thể lại vươn lên mạnh mẽ.

Cũng qua đại dịch, chúng ta thấy rõ, nếu như hầu hết các nền kinh tế đều rơi vào tăng trưởng âm thì kết quả tăng trưởng GDP của nước ta không những vẫn giữ được tăng trưởng dương mà còn giữ được ở mức tương đối cao. 9 tháng năm 2020, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 2,12%, dự kiến cả nước đạt 2%, phấn đấu cả năm 2020 đạt 3%. Việt Nam là nước có mức tăng trưởng dương cao nhất so với 5 nền kinh tế lớn khu vực Đông Nam Á, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới (Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát, bình quân cả năm dự kiến 3,5 - 3,9%, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra là dưới 4%. Chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả cũng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, khôi phục, phát triển nền kinh tế, tập trung các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Thặng dư thương mại đạt mức kỷ lục, xuất khẩu trở thành động lực tăng trưởng, tỷ trọng xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tăng lên mạnh mẽ là điểm sáng nổi bật. Sản xuất công nghiệp vẫn giữ được mức tăng trưởng dương, nông nghiệp khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn… Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương Lê Xuân Sang thẳng thắn, “ảnh hưởng của Covid-19 có lợi và có hại. Nhưng trên tất cả, chúng ta đang là người chiến thắng đại dịch, kiềm chế được tác động và nhân lên lợi ích”. 

So sánh đại dịch Covid-19 với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phùng Văn Hùng nhấn mạnh, ở cuộc chiến lần này, chúng ta đã chủ động, tích cực hơn, phân tích, nhìn nhận rõ nền kinh tế yếu chỗ nào, mạnh chỗ nào, cái gì cần khắc phục, sửa đổi; đánh giá cuộc khủng hoảng đó có mang lại lợi ích gì không? Và quả thực, chúng ta đã biến nguy thành cơ.

Nguồn: ITN

Tạo tiền đề cho bước phát triển bền vững, sáng tạo

Covid-19 là biến cố không ai mong đợi, đến nay biến cố này vẫn kéo dài, dai dẳng, chưa rõ thời điểm kết thúc. Song TS. Võ Trí Thành cho rằng, đây chính là dịp thử thách bản lĩnh Việt Nam và doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt nhanh nhu cầu và chuyển đổi mặt hàng kinh doanh như sản xuất thiết bị y tế, khẩu trang, nước rửa tay, kháng khuẩn… Hay sản phẩm bánh mì Thanh Long cũng cho thấy chất sáng tạo rất nhân văn, phù hợp với đòi hỏi của thị trường.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng kịp thời triển khai gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến nay, chúng ta mới chỉ hỗ trợ được 12,4 nghìn tỷ đồng (khoảng 20%) cho gần 12,5 triệu dân và 23 nghìn hộ kinh doanh. Đây là một con số nhỏ so với số lao động thực tế đã bị ảnh hưởng. Vì vậy, chúng ta cũng cần làm rõ vì sao chính sách còn chậm đi vào cuộc sống.

Chúng ta đòi hỏi có những chính sách hỗ trợ, kích thích nền kinh tế phát triển, nhưng quan trọng là cần bảo đảm thực thi nhanh, đúng và minh bạch các gói hỗ trợ này. Nhấn mạnh điều này, TS. Võ Trí Thành cũng khẳng định, tới đây vẫn rất cần gói hỗ trợ lần thứ hai gắn với tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế, bắt nhịp được với các xu hướng phát triển đó là công nghệ, chuyển đổi số, kỹ năng lao động, cách thức tiêu dùng mới, sự chuyển dịch chuỗi giá trị cùng các dòng đầu tư… Mục tiêu là cố gắng giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp, vừa tạo tiền đề cho bước phát triển bền vững, bao trùm, sáng tạo tiếp theo. Đối với các doanh nghiệp, cần xem lại cú sốc đại dịch Covid-19 là “cơ trong nguy" để xoay chuyển tình thế, cải tổ chính mình, sáng tạo trong kinh doanh, chuyển đổi những sản phẩm phù hợp với đòi hỏi của thị trường.

Doanh nghiệp cần nỗ lực hơn trong tìm kiếm cơ hội kinh doanh, gắn với thị trường, hội nhập quốc tế, nhất là với các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên, tham gia chuỗi giá trị, mạng sản xuất toàn cầu dựa trên kết nối, lựa chọn đối tác hiệu quả và cùng thắng, chủ động cùng Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và nhất là chuyển đổi số. Đối xử và ứng xử theo luật, bảo đảm hợp đồng kinh doanh và bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp, người lao động… “Doanh nghiệp cần tái cầu trúc trên cơ sở nhận ra xu thế, tận dụng lợi thế, đau đáu sáng tạo, kết nối khôn ngoan, quản trị rủi ro. Tin rằng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đủ bản lĩnh, kinh nghiệm, đồng lòng với Chính phủ vượt qua được giai đoạn khó khăn hiện nay và vững bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa thời hậu dịch”, TS. Võ Trí Thành nói. 

Anh Thảo