Biển mặn (Phần một)
Truyện ngắn của Trương Anh Quốc

31/03/2008 00:00

      Thuyền trưởng không ngủ được, đêm đêm mang tài liệu ra nghiên cứu, đến bữa cứ ở trên phòng, chỉ uống nước chẳng chịu ăn, phần cơm canh chia trong khay đến giáp bữa lại phải đổ đi. Người thuyền trưởng gầy thấy rõ, hai mắt thâm quầng và sâu. Không lo sao được khi tàu đang bị giữ trong tình trạng thế này.
      Ai cũng lo cho sức khỏe của thuyền trưởng Hùng, thỉnh thoảng đi ngang phòng nghía vào một cái xem thuyền trưởng làm gì, có ăn bánh trái gì không. Không chỉ thuyền trưởng mà suốt mấy ngày thủy thủ cứ dạo ra dạo vào, chờ tin tức từ công ty gởi sang và quan trọng nhất là thông báo của đại lý. Đại lý thông báo mang giấy tờ, hộ chiếu xuống làm thủ tục hải quan là tàu về nước được còn không thì cứ nằm neo. Tàu neo nhưng sĩ quan boong luôn túc trực trên buồng lái, có thông báo gì thì nhận kịp thời. Neo gần trong cảng còn đỡ chứ xa tít thế này cũng mệt. Cảng vụ lại cho điểm neo như thế này là sợ ô nhiễm cảng hay sợ khủng bố không biết nữa, nhập gia tùy tục chứ biết làm sao được. Mấy ngày này sóng lại lớn, sóng cứ thốc vào mũi tàu, neo cứ bị trôi hoài, nhiều lúc sóng mạnh quá cũng sợ đứt neo. Sợi neo dài chỉ cần đứt một mắc lỉn thôi cũng là đứt hết. 
      Mấy ngày rồi mà công ty vẫn chưa giải quyết xong, thủy thủ ra vào nhìn đồng hồ, đã 16.00 giờ ngày thứ sáu, hết hy vọng! 4 giờ Việt Nam là 5 giờ Trung Quốc, 5 giờ chiều cơ quan họ nghỉ làm việc. Nghĩa là phải chờ đến sáng thứ hai, là hai ngày rưỡi nữa! Hai ngày rưỡi là sáu mươi tiếng, có thông tin nhanh nhất cũng sáu mươi ba tiếng. Sáu mươi ba tiếng trên biển dài đằng đẵng khi lương thực nước ngọt sắp hết. Tàu order (đặt) đại lý nhưng đại lý bảo phải có order từ công ty, công ty báo đã order rồi, đại lý lại bảo chưa. Đại lý còn bảo khi nào có order và sóng giảm sẽ cấp. Hay là sóng lớn thế này đại lý lười biếng, người cấp thực phẩm cũng làm biếng. Hay là họ ép mình?
      Đồ hộp dự trữ cho những ngày bão gió cũng đem ra dùng sắp hết rồi, phải ăn dè từng tí. Bình thường mỳ tôm chẳng ai thích ăn, bây giờ lại ngon và quý hiếm, chia nhau từng mẩu. Tàu đi tuyến gần nên không dự trữ thực phẩm nhiều, chỉ dự trữ vừa đủ hoặc dư cho mấy ngày thôi vì đồ bỏ tủ lạnh càng lâu càng dở, mất chất, tàu cứ vòng về đến cảng là mua thực phẩm tươi ngon. Nhất là rau sống, khi về cảng là ăn rau bù lại, thiếu rau xanh thủy thủ đi biển tóc bạc hết, lại mất ngủ vì sóng lắc, mất ngủ buồn rủ bạn nhậu nhẹt, thêm bệnh đau dạ dày...
      Sóng lớn tàu không ra cấp thực phẩm cũng không có chiếc tàu cá của ngư dân nào chạy ngang qua. Hết thực phẩm thủy thủ mang lưỡi câu ra câu. Câu mực mà không được, mùa này không câu được mực. Mang cần ra câu cá, cá đi họp hay lặn đâu hết chẳng chịu cắn câu. Câu mực không cần mồi chứ câu cá phải có mồi, câu mực chỉ câu vào ban tối còn câu cá bất kể giờ nào, câu được cả ngày. Không có mồi tươi, mấy con tép khô thả xuống bị bong ra, gặp sóng trôi mất chỉ còn trơ cái lưỡi câu không. Giá như câu được con mực để làm mồi câu cá thì còn gì bằng.
      -  Hay là không có mồi tươi nên cá không chịu ăn.
      -  Chắc thế, nhưng kiếm mồi tươi ở đâu ra?
      -  Tao có cách!
      Thằng Sửu chạy vào bếp lát sau chạy ra móc mồi vào lưỡi câu.
      -  Mày kiếm đâu ra thịt thế?
      -  Đây chứ đâu!
      Vừa nói Sửu vừa chỉ vào bắp chân, hõm thịt máu còn chảy ra ròng ròng.
      -  Rủi có con cá nuốt luôn thì tao sẽ ăn thịt của mày à?
      -  Thì cứ mong là có cá đi! 
      Thôi mình cứ chạy tàu về đi chứ chẳng lẽ nằm chịu chết ở đây. Nhưng đâu phải muốn đi là đi được. Phải chấp hành luật, phải có sự cho phép của chính quyền sở tại, họ không làm thủ tục hải quan xuất thì làm sao mà dám chạy. Mà có chạy cũng chạy đằng trời! Ngay như vùng biển trong nước thôi, khi tàu nào vào neo đậu cũng phải được cảng vụ nơi ấy cho phép. Cái lần tàu vào tránh bão ở vịnh Nha Trang, khi không còn nguy cơ bão đe dọa nữa có con tàu không xin phép cảng vụ chạy trong đêm. Chạy gần đến Vũng Rô (cách Nha Trang gần 30 hải lý), cảng vụ phát hiện được và bắt tàu quay trở lại. Tàu phải quay lại ngay. Chưa làm thủ tục nhập cảnh đã thế rồi huống chi bây giờ giấy tờ thủy thủ bị nước ngoài giữ hết. 
      Nhưng nếu có ba đầu sáu tay mười hai cẳng trốn chạy về Việt Nam cũng không nhập cảnh được. Mới lần trước chứ đâu, tàu về neo trong vịnh chờ cầu, cầu đang có tàu khác vào làm hàng, nằm ba ngày mà vẫn chưa vào được. So với trên biển, neo tại vịnh sướng hơn mấy lần, nào là không bị sóng lắc, máy móc ít hoạt động hơn nên đi ca cũng khỏe hơn. Tàu neo thủy thủ còn nghỉ ngơi được chút ít, lấy sức để vào cảng mà làm hàng.
      Neo ở vùng biển an toàn còn khỏe chứ vùng có trộm cắp thì mệt. Thủy thủ đi ca boong phải dạo quanh tàu canh trộm cắp, nhất là canh giữ tời mũi và tời lái. Trước lúc neo phải cuộn hết dây vào trống tời cho chắc ăn. Lần tàu neo Vũng Tàu, đã sợ trước nên tàu neo tít gần phao số 0, nhưng rồi lúc gần sáng trộm lên cắt dây tời. Trộm núp trong bóng tối, thủy thủ ngoài ánh sáng, trong tích tắc đã mất hai cuộn dây cả trăm mét, lại là dây mới tinh, dây mới trộm càng thích. Thủy thủ đi ca đó bị trừ lương đến mấy tháng cũng chưa đủ. Nhiều tàu đang chạy còn bị trộm ban đêm lên tàu cắt tời lái, lúc tàu chạy, mấy khi thủy thủ nhìn sau lái. Thế là trộm chỉ cần thả một đầu xuống biển, tời sẽ tự tuột xuống, có phát hiện cũng không làm gì được vì ghe xuồng máy của trộm nhỏ nhưng máy khỏe, chúng túm đầu dây kéo chạy trên mặt biển. Người trên tàu lớn thấy đó mà không thể làm gì được. Tàu nước ngoài đến đây cũng vì bị mất trộm mà trên hải đồ các nước Anh, Nhật... ấn hành cho toàn thế giới, vùng biển Vũng Tàu được cảnh báo bằng những đường sọc song song và có chữ Pirate (hải tặc) để đề phòng. Ui cha, vùng biển du lịch đẹp thế mà có hải tặc! Tàu nước ngoài biết, đặc biệt là tàu du lịch hàng ngàn du khách, sẽ rất ngại đến.
      Neo vịnh trong nước cũng có cái sướng là gọi điện thoại trò chuyện. Tàu neo, buồn, nói chuyện được với gia đình, bạn bè một chút cũng vui. Còn đi trên biển thì cha chết như cha thằng Kông cách mấy tháng trước mà không biết, khi về đến nơi đã mồ yên mả đẹp. 
      Cũng vì neo ở gần bờ liên lạc được mà lần đó Dương bị phạt. Anh gọi về nhà biết được vợ chuyển bụng thế là anh đón ghe cá tức tốc chạy về. Anh vừa đi mấy chục phút thì tàu có lệnh cập cảng, hoa tiêu lên dắt tàu vào cầu. Tàu vừa cập cầu cảng có biên phòng xuống kiểm tra. Mọi lần có mấy khi họ kiểm tra, lần này tàu neo lâu, họ đoán biết có người rời tàu trước. Họ đánh hơi giỏi thiệt. Thuyền trưởng thông báo cho tất cả thuyền viên trên tàu tập trung tại câu lạc bộ, nhân viên đọc tên từng người, người nào có tên đứng lên ra ngoài. Khi đến tên anh Dương thì chẳng thấy anh đâu, thủy thủ nói có lẽ anh đi ca dưới buồng máy, để đi gọi. May quá lúc đó có anh chàng xe ôm vừa xuống tàu. 
      Khi tàu về cảng, xe ôm xuống tàu cho thuê xe. Cứ đi mãi trên biển, lên bờ thủy thủ thích được đi xe máy, đi chứ để lâu ngày cũng quên. Quên đường, xử lý chậm... Đi để ngắm nghía người trên phố, ngắm con gái. Thích tự đi chứ không thích xe ôm chở, tự đi để tự do, khi nào cần thì về, không thì đi mút chỉ. 
      Mà cái khuôn mặt anh chàng xe ôm cũng giông giống Dương, thế là quơ vội bộ đồ bảo hộ đưa cho anh chàng mặc, không kịp cởi áo sơ mi bên trong, cứ tròng đồ bảo hộ vào rồi kéo dây kéo kín tới cổ, đang mùa rét mà, thế cho ấm, lấy đôi găng tay bẩn bẩn đưa anh đeo vào cho chắc ăn. Cán bộ nghe mùi dầu mỡ mà không biết. Anh xắn tay áo chạy vào. Cán bộ hỏi:
      -  Anh sinh ở đâu?
      -  Tiên Lãng - Hải Phòng
      -  Ngày tháng năm sinh?
      -  Ờ, ờ... 1969!
      Nhìn crew list (danh sách thuyền viên), cán bộ đập tay xuống bàn:
      -  Thuyền trưởng đâu, đây là thuyền viên của tàu hả?
      Mấy người chạy tìm thuyền trưởng, nói tìm là tìm thế chứ mục đích chính là cản đường để kéo dài thời gian. Thuyền trưởng Hùng cũng nghe loáng thoáng nên không xuống vội, xuống biết nói thế nào, rõ ràng là đã sai rồi, cứ chờ thêm chút nữa, biết đâu Dương ra kịp. Chết rồi, anh xe ôm nói năm sinh cũng trật lất, chưa nói chi là ngày tháng. Mới nãy khi mặc đồ bảo hộ, thủy thủ đưa bộ đồ có nói quê quán. Phòng xa thế thôi chứ mấy người trước chỉ điểm danh, hô “có” là bước ra thôi mà. Nói đúng quê quán là giỏi rồi, tại thủy thủ 
      -  Dám tráo người hả? Thuyền trưởng đâu?
      Vẫn chưa thấy thuyền trưởng đâu, chắc thuyền trưởng ở trên phòng hay trên buồng lái làm gì đó. 
      Một thủy thủ chạy ra ngoài nói qua điện thoại:
      -  Anh Dương ra tàu nhanh lên, biên phòng lên kiểm tra!
      - Anh đang ở bệnh viện, vợ anh vừa lên bàn mổ... Anh sẽ ra ngay, nói chờ anh một chút. 
      Chờ sao được mà chờ. Anh nói đi nhanh cũng mấy chục phút nữa mới ra đến nơi. Nếu chờ được thì kiểm tra làm gì! Vợ anh hết ngày sinh sao lại sinh vào ngày này. Đàn ông đi biển đã khó, phụ nữ có chồng mà lại vượt cạn một mình thế kia khó gấp vạn lần, đáng thương thật.
      Vị cán bộ đã mang giấy bút ra, chờ thuyền trưởng đến để lập biên bản. Trong lúc vị cán bộ biên phòng còn giận dữ quát ầm (hay là cố làm như thế), anh chàng xe ôm lẻn ra ngoài. Vị cán bộ quay qua quay lại không thấy đâu bèn bảo bắt người giả danh lại nhưng anh ta đã xuống khỏi tàu. Anh cởi đồ bảo hộ rồi, người giống người làm sao biết được. 
      Chờ lâu quá vị cán bộ cầm giấy bút đi lên phòng thuyền trưởng. Chiếu theo luật, vi phạm là phạt. Phạt tàu. Phạt người vắng mặt. Thuyền trưởng bước ra đóng chặt cửa lại, nói có gì thì bàn nhỏ với nhau, làm to chuyện không hay. Ai muốn làm to chuyện làm gì! Cuối cùng rồi cũng ổn cả. Dương vừa ra đến nơi thì đoàn biên phòng cũng vừa xuống cầu thang mạn...
      Thằng Dần vừa nhắp cần câu vừa hỏi Dương:
      -  Thế hôm bữa anh nộp phạt bao nhiêu?
      -  Có bao nhiêu đâu!
      -  Anh nói cho người khác biết để không bị phạt với chớ!
      -  Chừng gần hai tháng lương chứ mấy!
      Vắng mặt một chút xíu mà làm hai tháng trời để trả. Mà phải lao động trên biển đấy!

      >>Biển mặn (Phần cuối)

    Nổi bật
        Mới nhất
        Biển mặn (Phần một) <br><i>Truyện ngắn của Trương Anh Quốc</i>
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO