Biến lễ hội thành sản phẩm du lịch
Lễ hội ở Việt nam, với sự phong phú về số lượng, đa dạng về chủng loại, dày đặc về mật độ, là tiềm năng lớn để xây dựng nên các sản phẩm du lịch đặc sắc, đặc biệt là du lịch văn hóa gắn với tín ngưỡng, tôn giáo.

Lễ hội truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam là một tài sản quý giá không chỉ riêng cho du lịch mà cả các hoạt động phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên, phải nói ngay rằng bất cứ một sản phẩm du lịch có giá trị nào cũng mang tính văn hóa, song không phải giá trị văn hóa nào cũng có thể trở thành sản phẩm du lịch.
Theo số liệu thống kê của Cục Văn hóa thông tin cơ sở, Bộ VH, TT và DL, cả nước hiện có 8.902 lễ hội, trong đó có 7.005 lễ hội dân gian truyền thống, 1.399 lễ hội tôn giáo, 409 lễ hội lịch sử cách mạng, 25 lễ hội du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam... trong đó ít nhất có 24 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có từ 100 lễ hội trở lên. Đây chính là tiền đề quan trọng góp phần đa dạng hóa các sản phẩm của du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, chính sự phát triển của du lịch cũng góp phần rất quan trọng trong việc bảo tồn các lễ hội truyền thống cũng như khôi phục một số lễ hội vốn đã bị mai một của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, để bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị của lễ hội (cũng như tất cả các giá trị văn hóa khác), tạo thành những sản phẩm du lịch có giá trị, còn nhiều việc phải làm.

Thứ nhất, cần có một nghiên cứu khoa học và tổng thể về lễ hội truyền thống, trong đó những người làm công tác nghiên cứu văn hóa phải chỉ ra được những giá trị tích cực của lễ hội. Hay nói cách khác là phải chỉ ra được đâu là tín ngưỡng văn hóa dân gian, đâu là mê tín dị đoan; đâu là những giá trị vốn có, đâu là những yếu tố lai tạp, vay mượn, chắp vá... Phải đặt lễ hội trong chính cuộc sống hôm nay: nghiên cứu, đánh giá xem lễ hội dân gian đáp ứng nhu cầu gì cho xã hội đương đại và xã hội tương lai, sức hấp dẫn của lễ hội nằm trong yếu tố, hoạt động, lễ thức nào... Từ đó, những người làm du lịch lựa chọn cái nào có thể biến thành sản phẩm du lịch, phục vụ đối tượng khách nào, vào thời điểm nào, ở đâu và như thế nào.
Sản phẩm du lịch được tạo ra từ những giá trị văn hóa ấy ngược lại cũng cần có sự phản biện của các nhà nghiên cứu văn hóa xem nó đã đúng phong cách, giá trị và phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc chưa, cần phải sửa chữa, thay đổi, thêm bớt cái gì... Chỉ sau quá trình đó, chúng ta mới có một sản phẩm du lịch lễ hội hoàn thiện.
Thứ hai, cần trang bị đầy đủ kiến thức về văn hóa nói chung và văn hóa dân gian nói riêng cho sinh viên chuyên ngành hướng dẫn du lịch ngay từ trong nhà trường cũng như thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về văn hóa - lịch sử cho đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên hiện có của ngành du lịch. Đưa du khách đến với các chương trình du lịch lễ hội nhằm giới thiệu với họ đất nước và con người Việt Nam hôm qua và hôm nay, giới thiệu các giá trị văn hóa, tín ngưỡng của lễ hội hay nói cách khách là giới thiệu các giá trị “chìm”, bóc tách các lớp tín ngưỡng văn hóa ẩn tàng sâu hơn trong các trò diễn ở lễ hội để giới thiệu cho du khách. Điều này cho đến nay chưa có nhiều hướng dẫn viên du lịch làm được.

Thứ ba, tổ chức lễ hội là cách để các địa phương tôn vinh và quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương. Vấn đề đặt ra là cần hạn chế sự tham gia của diễn viên chuyên nghiệp, kịch bản hóa các chương trình dẫn đến các lễ hội “na ná” nhau, không nhấn mạnh được đặc trưng vốn có của từng lễ hội, thậm chí còn làm “biến dạng” lễ hội cổ truyền. Công tác tuyên truyền, quảng bá cũng cần được quan tâm để cộng đồng địa phương và khách hành hương hiểu rõ ý nghĩa của lễ hội, tôn vinh và duy trì nét đẹp trong văn hóa trong lễ quá trình dự hội, loại bỏ các tệ nạn cờ bạc, bói toán, để lễ hội thực sự là một di sản quý do cha ông để lại; đồng thời, lễ hội sẽ trở thành một sinh hoạt văn hóa du lịch thu hút du khách trong và ngoài nước.
Cuối cùng, để có được sự phát triển đồng bộ và toàn diện thì việc chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm phải được đặt lên hàng đầu và phải được tôn trọng, bình đẳng hai bên cùng có lợi và cao hơn nữa là vì sự thịnh vượng và uy tín của đất nước. Một điều đáng lưu ý ở đây là quyền lợi của các cộng đồng cư dân có các giá trị văn hóa và tham gia vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa ấy phải được coi trọng và họ phải được hưởng lợi qua các sản phẩm du lịch ấy. Có như vậy họ mới thấy giá trị của mình và nhiệt tình tham gia các hoạt động văn hóa du lịch, qua đó bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, trong đó có lễ hội.