Biến chứng nặng sau phẫu thuật thẩm mỹ vì tin quảng cáo
Trường hợp của một người phụ nữ Trung Quốc đã làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về những rủi ro trong ngành phẫu thuật thẩm mỹ khi thiếu giám sát y tế và minh bạch trong điều trị.
Một người phụ nữ sống tại thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc), đang trở thành tâm điểm chú ý sau khi yêu cầu một cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ bồi thường một triệu nhân dân tệ (khoảng 140.000 USD). Nguyên nhân là do bị phẫu thuật chỉnh sửa cằm thất bại, khiến cô phải mang vết sẹo dài tới 6cm và chịu đựng những tổn thương nặng nề về cả thể chất lẫn tinh thần.

Người phụ nữ, được xác định là cô Ding, từng thực hiện ca cấy mỡ tự thân lên mặt tại Hàn Quốc vài năm trước. Sau phẫu thuật, khuôn mặt cô bị sưng phù bất thường. Để cải thiện tình trạng này, cô tiếp tục trải qua ca hút mỡ mặt tại một phòng khám ở Bắc Kinh, tuy tình trạng có cải thiện nhẹ nhưng vẫn chưa khắc phục hoàn toàn.
Đầu năm 2025, cô biết đến Viện Phẫu thuật Thẩm mỹ Yumei tại thành phố Từ Châu, tỉnh Giang Tô, thông qua quảng cáo với nội dung hứa hẹn: sở hữu bằng sáng chế kỹ thuật chỉnh sửa cằm và khả năng khôi phục dáng cằm nguyên bản. Tin tưởng vào lời quảng cáo, Ding đã chi 20.000 nhân dân tệ (gần 3.000 USD) để thực hiện phẫu thuật vào tháng 2 năm nay.
Tuy nhiên, chỉ ba ngày sau phẫu thuật, cằm của cô bắt đầu nổi đầy các vết phồng rộp lớn. Khi phản ánh với bác sĩ tại viện, cô được trấn an rằng đây là phản ứng bình thường và được kê thuốc mỡ để bôi tại nhà. Nhưng tình hình ngày càng xấu đi: vết thương bị nứt to, đóng vảy dày và có dấu hiệu nhiễm trùng.

Khi quay lại viện, một bác sĩ đã trực tiếp dùng kéo cắt bỏ vảy, tiếp tục bôi thuốc và yêu cầu cô tự xử lý tương tự tại nhà. Suốt nhiều tháng sau, dù Ding liên tục gửi ảnh vết thương để cầu cứu, viện vẫn cho rằng đây là “tình trạng bình thường” và yêu cầu cô kiên trì bôi thuốc theo hướng dẫn.
Chỉ đến khi tình trạng không cải thiện, cô mới tìm đến một bệnh viện tuyến đầu ở Nam Kinh. Tại đây, các bác sĩ kết luận vết thương của cô đã bị nhiễm trùng nghiêm trọng và những chỉ dẫn từ viện thẩm mỹ trước đó là “sai lầm và nguy hiểm”. Cô phải tiến hành xử lý và khâu lại vết thương, để lại vết sẹo lớn dài tới 6cm trên cằm.

“Vụ việc này đã hủy hoại cuộc đời tôi,” Ding chia sẻ. Không chỉ đau đớn về thể xác, cô còn phải đối mặt với khủng hoảng tâm lý kéo dài. Cô bị trầm cảm, luôn đeo khẩu trang khi ra đường, và thậm chí không dám nhìn vào gương.
Bi kịch này còn ảnh hưởng đến sự nghiệp và đời sống riêng tư của cô. Ding buộc phải đóng cửa công ty, cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc và chia tay người bạn trai lâu năm.
Hiện cô đã trình báo sự việc lên cơ quan giám sát y tế tại Từ Châu, nơi đang mở cuộc điều tra đối với Viện Phẫu thuật Thẩm mỹ Yumei. Đồng thời, cô chính thức yêu cầu viện bồi thường một triệu nhân dân tệ vì những tổn thất nghiêm trọng gây ra.
Vụ việc của cô Ding không phải là trường hợp hiếm gặp tại Trung Quốc – nơi ngành công nghiệp thẩm mỹ đang bùng nổ mạnh mẽ trong những năm gần đây. Nhiều chuyên gia y tế cảnh báo rằng các ca phẫu thuật thẩm mỹ, dù được coi là “tiểu phẫu”, vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao nếu không được thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn và tại cơ sở đủ điều kiện y tế. Việc xử lý sai sót sau phẫu thuật cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng, biến chứng và để lại hậu quả nghiêm trọng lâu dài.

Trước thực trạng đáng lo ngại này, giới chuyên môn kêu gọi cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở hoạt động không phép hoặc quảng cáo sai sự thật. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ rủi ro khi can thiệp thẩm mỹ, đặc biệt là với các dịch vụ không được kiểm chứng kỹ thuật chuyên môn.
Về phía người tiêu dùng, các bác sĩ khuyến cáo cần tìm hiểu kỹ thông tin về bác sĩ, cơ sở điều trị và các nguy cơ tiềm ẩn trước khi quyết định phẫu thuật thẩm mỹ. Trường hợp của cô Ding là một lời cảnh tỉnh đắt giá cho bất kỳ ai đang đặt niềm tin mù quáng vào các lời quảng cáo hoa mỹ mà bỏ qua yếu tố an toàn y tế.