Biến rác thải thành nguồn lực vẫn đang gặp khó
- Việc rà soát và đánh giá các công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang hoạt động sẽ được triển khai thế nào nhằm phát huy hiệu quả theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, góp phần vào phát triển bền vững kinh tế, xã hội đất nước, thưa ông?
Việc giải quyết vấn đề rác thải ở Việt Nam là một ưu tiên quan trọng, cũng là thách thức lớn đòi hỏi sự nỗ lực của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.
Thực tế, việc xử lý rác thải một cách khoa học và đúng học kỹ thuật vệ sinh là một vấn đề hết sức quan trọng trong nhiệm vụ bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe nhân dân nói chung và đặc biệt là trong nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, nền kinh tế Net Zero. Theo lộ trình mà Chính phủ Việt Nam đã báo cáo tại Hội nghị COP26, ở Paris, Việt Nam cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Đấy là một mục tiêu hết sức quan trọng và cũng rất khó khăn với Việt Nam. Ngay sau COP26, Việt Nam đã khẩn trương cụ thể hóa, bắt tay thực hiện ngay những cam kết của mình trước cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, muốn thực hiện các mục tiêu về môi trường như đã cam kết tại COP26, thì nhiệm vụ quan trọng là làm sao xử lý triệt để vấn đề rác thải của đô thị, rác thải sinh hoạt. Ở Việt Nam, lượng rác thải đô thị hàng năm phát sinh rất lớn. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, mỗi năm lượng rác thải tăng khoảng 10%. Tính riêng tại Hà Nội, mỗi một ngày phát sinh khoảng tối thiểu 6.000 tấn rác thải. Tuy vậy, tính đến năm 2023, thì 90% lượng rác thải đó, chúng ta xử lý bằng phương pháp chôn lấp, chỉ có 10% là được tái chế và đốt.
Tại TP. Hồ Chí Minh, mỗi ngày phát sinh khoảng 10.000 tấn rác, nhưng TP. Hồ Chí Minh đã xử lý, tái chế rác tốt hơn, khi lượng rác thải chôn lấp vào khoảng 70%, còn có địa phương khác cũng có chung thực trạng là vẫn phải chôn lấp, thậm chí có địa phương chôn lấp cũng không đúng quy cách, không hợp vệ sinh.
Tôi cho rằng, đó là những hạn chế còn tồn tại trong công tác quản lý, xử lý rác thải ở Việt Nam. Hạn chế này xuất phát từ ý thức, nhận thức của người dân đối với rác thải còn quá đơn giản. Không ít người vẫn tư duy kiểu “miễn sao nhà mình sạch”, cứ vứt rác ra khỏi nhà là được. Tư duy, ý thức đó của một số người là chưa phù hợp với thời đại văn minh...
- Thưa ông, để giải quyết hiệu quả những vấn đề tồn tại trong quản lý, xử lý rác thải hiện nay, chúng ta cần tập trung vào những nhiệm vụ cụ thể nào?
Theo tôi, muốn giải quyết được vấn đề rác thải, trước tiên chúng ta cần thực hiện tốt việc phân loại rác từ nguồn. Bởi vì, khi phân loại thành rác thải hữu cơ, rác thải vô cơ, rác thải độc hại, rác thải không độc hại, rác thải đốt được và không đốt được thì chúng ta có thể dễ dàng sử dụng các biện pháp kỹ thuật hợp lý để xử lý vấn đề rác thải một cách hiệu quả. Tạo điều kiện tốt cho các nhà máy điện rác hoạt động hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế...
Tôi cho rằng, chúng ta phải vừa có tinh thần học tập kinh nghiệm quốc tế và kết hợp với rút kinh nghiệm của những năm qua và cần có sự quyết tâm, chung tay của cả hệ thống chính trị, tất cả các lực lượng và đưa quyết tâm chính trị đó đến từng người dân thì mới có thể thay đổi được nếp sống xã hội và giải quyết vấn đề rác thải một cách hiệu quả, có thể biến rác thành nguồn lực (điện rác) giống như các quốc gia phát triển hiện nay. Theo thông tin năm 2023, tôi biết được, ở Thụy Điển, 47% là rác thải đô thị được tái sinh, tái chế và 52% được đốt để tạo ra điện, chỉ còn 1% được chôn lấp.
Việc đốt rác thành điện là một hướng đi rất hiệu quả của nhiều quốc gia. Điều đáng mừng là tại Việt Nam cũng đã có các nhà máy điện rác hoạt động, tuy nhiên về quy mô công suất và hiệu quả của những nhà máy này vẫn còn hạn chế. Thực tế, rất nhiều dự án điện rác đang gặp rất nhiều trở ngại về quản lý và các chế độ chính sách tiền… Hiện, chúng ta vẫn quá chậm chạp so với thế giới.
Không để doanh nghiệp “tự bơi”
- Chúng ta vẫn lúng túng về công nghệ xử lý, về chính sách và về giá thành. Cơ chế, chính sách hiện nay liệu đã đủ để kết nối các nguồn lực trong thực tế chưa?
Tôi cho rằng, hiện nay công nghệ xử lý rác thải, đốt rác thải thành điện khá đa dạng và không phải vấn đề lớn. Chúng ta lúng túng về công nghệ xử lý, chính sách và giá thành một phần vì rác thải Việt Nam có thành phần quá phức tạp, không được phân loại cho nên khó xử lý...
Vì thế khi lựa chọn công nghệ phải phù hợp với đặc trưng của rác tại Việt Nam. Bản thân các nhà máy điện rác hay tái chế rác thải thành phân bón… đều phải bỏ chi phí lớn và cả nhân lực, vật lực và tài lực cho việc phân loại rác. Rác chở đến, phải phân loại, sấy khô… rất tốn kém.
Về cơ chế, chính sách, đặc biệt là chính sách về giá cả đối với xử lý rác, hiện nay chúng ta chưa có các quy định phù hợp. Cho nên rất nhiều doanh nghiệp thấy nản lòng trong việc đầu tư công nghệ xử lý rác. Doanh nghiệp có thể sẽ hết sức khó khăn vì không thu được lợi tức, khiến họ phải bỏ cuộc. Và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước là phải tìm hiểu vì sao để có thể thay đổi chính sách cho phù hợp, khuyến khích được doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ vào việc thu gom, xử lý, tái chế biến rác thải thành nguồn lực kinh tế. Vì doanh nghiệp họ kinh doanh thì phải có lãi, khi không có lãi thì họ sẽ không đầu tư… Cho nên cần phải bảo đảm cho các nhà sản xuất có lợi tức xứng đáng.
Chúng ta có thể tăng phí thu gom rác thải và Nhà nước cũng cần có chính sách ưu tiên về tài chính. Ví dụ, cho vay ít lãi hoặc là không lãi nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các nhà máy tái chế, xử lý rác, điện rác…
Tôi cho rằng, điều cốt lõi vẫn là phải phân rải rác tại nguồn, cả Nhà nước, nhân dân cùng tham gia vào thực hiện. Phải có quyết tâm và đừng có thí điểm mãi, nhiệm vụ của chúng ta là thay đổi nếp sống và thay đổi việc quản lý để có thể biến rác thành tài nguyên, động lực cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp để tìm ra các giải pháp công nghệ phù hợp với đặc trưng của rác thải tại Việt Nam và phù hợp điều kiện kinh tế của từng địa phương… Nếu cứ để doanh nghiệp “tự bơi” thì họ sẽ không đủ sức.
- Trong bối cảnh phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” cho đến năm 2050, chúng ta cần có cơ chế ưu đãi, khuyến khích như thế nào để tạo động lực cho các doanh nghiệp tư nhân đầu tư, doanh nghiệp FDI vào lĩnh vực xử lý chất thải, giải quyết mục tiêu kép đó là xử lý rác và tạo thêm động lực cho nền kinh tế?
Chúng ta cần có những chương trình khoa học để lựa chọn công nghệ xử lý, tái chế rác cho phù hợp tình hình thực tiễn tại Việt Nam. Chúng ta có thể lựa chọn đa dạng hóa các phương thức xử lý chất thải, bao gồm tái chế, tái sử dụng, ủ rác hữu cơ làm phân bón, đốt rác để thu hồi năng lượng... nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn tại Việt Nam.
Ngoài chính sách ưu đãi về nguồn vốn, Nhà nước cũng cần đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc lựa chọn, áp dụng công nghệ xử lý, tái chế, tái sinh rác một cách chính xác.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần thêm chính sách thu hút các doanh nghiệp FDI có kinh nghiệm công nghệ điện rác, xử lý, tái chế tái sinh rác đầu tư vào Việt Nam, bởi họ có sẵn vốn và công nghệ cũng như kinh nghiệm…
Tôi cũng tin tưởng rằng, các chuyên gia về môi trường của Việt Nam có đủ khả năng về chuyên môn, họ có nhiều “chất xám” nhưng chưa có nhiều dư địa để phát huy hết khả năng…
Ngoài ra, cần có cơ chế chính sách, lộ trình và thực hiện nghiêm túc các mục tiêu về môi trường, cũng như thực nghiệm thí điểm các dự án tái chế, tái sinh rác, điện rác,…
Các dự án công nghệ giải quyết vấn đề rác thải đô thị của Việt Nam, biến rác thải thành tài nguyên nhằm tái chế, tái sử dụng, tái sinh; biến rác thành điện năng bằng phương pháp nhiệt đốt, coi đó là nguồn năng lượng mới nhằm phát triển kinh tế xanh…
Song song với đó, chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội và cộng đồng cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đan xen với các biện pháp cưỡng chế nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân về phân loại chất thải và tác hại khi rác không được phân loại, xử lý đúng cách, đặc biệt là các chất thải rắn, chất thải độc hại...
- Xin cảm ơn ông!