Rối loạn tiêu hóa là những thay đổi xảy ra khác với tình trạng bình thường ở đường tiêu hóa, làm cho người bệnh có những triệu chứng từ nhẹ đến nặng.
Các triệu chứng thường thấy có thể kể đến: Đau bụng, khó tiêu, buồn nôn, chướng bụng, thay đổi thói quen đại tiện như táo bón, tiêu chảy, nhiễm trùng nhiễm độc, … Các biểu hiện nêu trên gây ra các cảm giác khó chịu cho người bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe người bệnh.
Theo Khoa nội hô hấp – Tiêu hóa, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, những nguyên nhân dẫn đến rối loạn tiêu hóa bao gồm: Các bệnh lý liên quan đến dạ dày, viêm đại tràng, viêm dạ dày và chế độ ăn uống, sinh hoạt.
Cácbệnh lý liên quan đến dạ dày, đại tràng, ruột thừa gây nên rối loạn tiêu hóa
Các bệnh lý liên quan đến dạ dày, viêm đại tràng hoặc viêm ruột thừa cấp cũng là nguyên nhân phổ biến gây rối loạn tiêu hóa.
Hai tình trạng điển hình của bệnh lý dạ dày bao gồm: Bệnh trào ngược dạ dày thực quản và Bệnh loét dạ dày tá tràng.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản xảy ra khi dịch vị từ dạ dày trào ngược lên thực quản, gây ra cảm giác đau rát và khó chịu. Còn bệnh loét dạ dày tá tràng là tình trạng hình thành vết loét trên niêm mạc đường tiêu hóa, gây đau rát khi tiếp xúc với dịch vị. Nếu không được điều trị, tình trạng này có thể gây xuất huyết nghiêm trọng và ảnh hưởng đến hoạt động của hệ tiêu hóa.
Đối với bệnh nhân bị viêm đại tràng, viêm đại tràng là nguyên nhân hàng đầu gây nên chứng rối loạn hệ tiêu hóa với các biểu hiện như đau quặn bụng, mót rặn, đại tiện phân táo hoặc phân lỏng. Căn nguyên gây viêm đại tràng có thể do vi khuẩn, virut hoặc kí sinh trùng.
Cũng có triệu chứng đau bụng, tuy nhiên viêm ruột thừa cấp là tình trạng viêm nhiễm đột ngột của ruột thừa. Căn bệnh này ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của hệ tiêu hóa, gây đau bụng âm ỉ quanh rốn sau khu trú hố chậu phải, tiêu chảy, đầy hơi, cứng bụng. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có nguy cơ gây biến chứng nghiêm trọng như ruột thừa vỡ và nhiễm trùng phúc mạc.
Bác sỹ khuyến cáo
Theo Khoa nội hô hấp – Tiêu hóa, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, về chế dộ dinh dưỡng, bác sỹ khuyến cáo một số loại thực phẩm có nguy cơ gây tác động tiêu cực cho hệ tiêu hóa. Cụ thể:
Thực phẩm bị hỏng (ôi thiu) hoặc chưa được vệ sinh: Vi khuẩn từ thực phẩm bị hỏng hoặc không được vệ sinh đúng cách có thể xâm nhập vào hệ tiêu hóa, gây ra các triệu chứng ngộ độc (đau quặn bụng, buồn nôn, nôn ra thức ăn, đại tiện phân lỏng, …)
Đồ ăn cay nóng: Thực phẩm cay nóng có thể gây tổn thương dạ dày, với các biểu hiện đau bụng trên rốn, nóng rát, ợ hơi, đầy bụng, khó tiêu.
Sản phẩm từ sữa: Một số người không thể dung nạp được sữa và các sản phẩm từ sữa như kem, phomat. Trong trường hợp này, người bệnh nên ngừng sử dụng sữa và thay thế bằng các nguồn thực phẩm giàu vitamin D khác (cá hồi, rau xanh, …).
Thực phẩm có tính axit: Các loại thực phẩm có tính axit cao như bưởi, cam, cà chua, chanh có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày, gây ra rỗi loạn tiêu hóa. Thay vào đó, người bệnh nên lựa thay thế bằng các sản phẩm an toàn hơn như: táo, chuối và rau giàu chất xơ (hành tây, măng tây, atiso, …)
Bên cạnh đó, theo bác sỹ, các loại thức uống chứa cồn (rượu, bia, …) cũng là tác nhân gây rối loạn tiêu hóa, làm tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa như dạ dày thực quản. Dưới tác động của đồ uống có cồn, bệnh nhân rối loạn tiêu hóa có các triệu chứng: Ợ chua, ợ hơi, đầy bụng, nóng rát bụng.
Việc hạn chế sử dụng cồn là cần thiết để bảo vệ hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
Để duy trì và bảo vệ một hệ tiêu hóa khỏe mạnh, cần chú trọng đến chế độ ăn uống lành mạnh và cân nhắc việc tiêu thụ các loại thực phẩm có nguy cơ gây rối loạn tiêu hóa. Hạn chế uống nhiều thức uống chứa cồn như rượu, bia, … và thay đổi các thói quen ăn uống không tốt như ăn quá nhanh, ăn quá no, …
Bên cạnh đó, việc giữ tình trạng khỏe mạnh cho dạ dày và đại tràng là điều cần thiết. Nếu gặp các triệu chứng hay thấy có biểu hiện bất thường như đau dạ dày, tiêu chảy, táo bón, bệnh nhân hãy đi khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.