Tại huyện Hiệp Hòa, theo lãnh đạo huyện báo cáo, những ngày qua, nước sông Cầu dâng cao, hiện đã ở mức trên báo động 3. Trong những ngày qua, cùng với việc bảo đảm an toàn các tuyến đê, huyện tập trung di dời nhân dân ra khỏi vùng lũ.
Toàn huyện đã huy động hơn 1 nghìn người của các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn, dân quân tự vệ; lực lượng cán bộ, công chức, công an, của các xã tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3...
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang cùng đoàn công tác kiểm tra một số điểm xung yếu trên đê tả Cầu thuộc địa phận xã Hợp Thịnh. Được biết, dù đã đắp chống tràn đê bối 2 đoạn tại thôn Đồng Đạo và Đa Hội, xã Hợp Thịnh nhưng đến 18 giờ ngày 10.9, nước đã tràn qua đê bối Đa Hội; 23 giờ cùng ngày, nước tràn qua đê bối thôn Đồng Đạo. Để bảo đảm an toàn cho người dân, trước đó, địa phương đã triển khai tuyên truyền, vận động và hỗ trợ bà con di dời.
Hiện toàn bộ thôn Đa Hội đã bị chia cắt. Nhiều người dân trong thôn được đưa đến địa điểm an toàn. Lực lượng chức năng, chính quyền địa phương đã cung cấp lương thực, thực phẩm cho các hộ còn ở lại trong thôn và người dân tại các nơi di dời; bố trí xuồng máy phục vụ công tác cứu hộ.
Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Giang Nguyễn Văn Gấu đề nghị lãnh đạo huyện Hiệp Hòa và các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, ứng trực thường xuyên, bảo đảm an toàn cho người dân.
Theo dõi sát diễn biến thời tiết, chủ động, linh hoạt ứng phó với các tình huống; tiếp tục tập trung gia cố, củng cố các tuyến đê, điểm xung yếu, có phương án xử lý hiệu quả đối với từng điểm có nguy cơ mất an toàn. Phát huy tinh thần chủ động, quyết liệt, huy động các ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị tham gia hỗ trợ ứng phó với mưa lũ và bảo đảm cuộc sống của người dân di dời.
Tại huyện Yên Thế, do ảnh hưởng của mưa lũ, nước sông dâng lên cao dẫn đến một số điểm trên đê bối bị ảnh hưởng, đặc biệt là tại thị trấn Bố Hạ.
Trong suốt đêm 10 và sáng 11.9, huyện đã huy động các lực lượng quân đội, công an tập trung gia cố thân đê, chiều dài đã đắp khoảng 200m.
Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Giang yêu cầu các cấp, ngành, địa phương và mỗi người dân cần bình tĩnh song không chủ quan, theo dõi diễn biến lũ, mực nước sông Thương cả ngày lẫn đêm, nhất là những tác động từ phía thượng nguồn. Đồng thời tuân thủ nghiêm các chỉ đạo của T.Ư, của tỉnh, huyện; chủ động mọi phương án ứng phó với các tình huống lũ lụt. Phải sẵn sàng từ công tác lãnh đạo chỉ đạo đến triển khai thực hiện; đặc biệt là tại từng điểm xung yếu…
Gặp gỡ, động viên các lực lượng tham gia làm công tác ứng phó, cứu hộ, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo phải bám sát phương châm lấy việc bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và tài sản cho nhân dân là ưu tiên hàng đầu; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác, hợp tác của nhân dân; có biện pháp quyết liệt di dời người dân ở vùng nguy cơ ngập lụt đến nơi an toàn.