Bí thư Chi bộ trẻ giúp người dân bản Dao thoát nghèo

- Thứ Tư, 23/09/2020, 06:08 - Chia sẻ
Không chỉ là một Bí thư chi bộ, trưởng bản tận tụy với công việc Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, Đảng viên trẻ Chìu Văn Hiếng (sinh năm 1987) còn là điển hình "Thanh niên lập thân, lập nghiệp", dám nghĩ, dám làm. Những cống hiến của chàng trai trẻ người dân tộc Dao, sinh ra và lớn lên ở bản Pạc Sủi, xã vùng cao biên giới Quảng Sơn (huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh) không chỉ giúp bản thân anh và gia đình thay đổi cuộc sống mà còn dẫn dắt bà con trong thôn cùng vươn lên thoát nghèo trên chính mảnh đất quê hương.

Quyết tâm làm giàu từ sản vật quê hương

Chúng tôi có dịp đến với huyện miền núi Hải Hà vào những ngày cuối tháng 9, khi toàn tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Vượt qua những cung đường đèo núi, xe chở đoàn công tác đến với Pạc Sủi, xã Quảng Sơn. Đi qua những vạt đồi xanh ngắt, trước mắt chúng tôi là những rặng mây nếp sum suê dưới tán rừng. Đón chúng tôi là Bí thư chi bộ, Trưởng bản Chìu Văn Hiếng, cũng là ông chủ của xưởng sản xuất mây tre đan đang mang lại thu nhập cho hàng chục nhân công, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng.

Anh Chìu Văn Hiếng (giữa) trong Lễ tuyên dương gương mặt trẻ, tài năng trẻ tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh, tháng 3.2019.
Ảnh: Minh Hà

Từ bé, anh Hiếng sống ở bản nghèo Pạc Sủi của xã Quảng Sơn, từng nằm trong diện đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Ninh. Ở vùng rừng núi Quảng Sơn quê anh, cây mây đã bám rễ từ lâu đời, thân mây vẫn được người dân khai thác làm bàn ghế, đồ thủ công mỹ nghệ, quả mây dùng để làm đồ trang sức. Hàng năm đến mùa quả mây, thương lái vẫn đến thu gom mang bán sang Trung Quốc. Nhìn quả mây ở Quảng Sơn, chàng thanh niên Chìu Văn Hiếng luôn thường trực suy nghĩ: Sản lượng mây Quảng Sơn rất nhiều, ước tính có thể thu hái được khoảng 200 tấn/năm. Nếu cứ bán quả thô cho thương lái Trung Quốc thì lợi nhuận không cao, hết mùa thu hoạch quả, người dân lại không có việc làm.

“Làm thế nào để quê hương thoát khỏi đói nghèo và người dân được hưởng lợi quanh năm từ giá trị của quả mây” - đó là câu hỏi thôi thúc Bí thư chi bộ trẻ Chìu Văn Hiếng đi tìm lời giải. Nhìn những chuyến xe chở mây qua nước bạn, vậy là anh nảy ra ý tưởng đi tìm hiểu xem người Trung Quốc mua quả mây về làm gì, để từ đó vận dụng luôn trên mảnh đất quê hương. Ban đầu, anh tham gia nhóm thương lái đi thu mua quả mây của bà con rồi mang ra biên giới bán. Tại TP Móng Cái, gặp được người bạn đã từng làm thuê cho xưởng sản xuất đồ trang sức từ quả mây ở Trung Quốc và được bạn hướng dẫn cách chế tác đồ trang sức từ quả mây.

Khi đã có nghề, vốn thông minh, anh Hiếng nghĩ ngay đến việc phải bắt tay vào chế tác để làm tăng giá trị cho sản vật địa phương. Với số vốn khởi đầu hơn 100 triệu đồng, Chìu Văn Hiếng bắt tay vào tìm kiếm mặt bằng, vay vốn ngân hàng, xây dựng nhà xưởng, mua máy móc thiết bị và tìm nhân công ở làng và ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của người dân. Đồng thời, anh đứng ra thành lập HTX sản xuất mây tre đan Quảng Sơn. Đầu năm 2019, xưởng sản xuất quả mây rừng thành sản phẩm trang sức, mỹ nghệ chính thức đi vào hoạt động. “Người dân bản đa số thu nhập bấp bênh. Việc có một xưởng thủ công mỹ nghệ ở trên địa bàn, dù quy mô chưa lớn nhưng cũng giúp được nhiều bà con có thêm việc làm, thêm thu nhập”, anh Hiếng chia sẻ

Hiện nay, xưởng sản xuất vòng mây của HTX đã hoạt động ổn định, giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 - 25 lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 4 - 7 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, HTX còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động thời vụ của địa phương và một số xã lân cận từ việc thu hái quả mây rừng. Chị Chíu Thị Xuân (bản Pạc Sủi) chia sẻ: Từ khi làm việc tại xưởng anh Hiếng, mỗi tháng chị có thu nhập 5 - 6 triệu đồng. “Có thu nhập ổn định, gia đình tôi đã thoát nghèo và đời sống dần được nâng lên. Ngoài tạo việc làm tại xưởng, cơ sở của anh Hiếng cũng giúp bà con trong bản có thêm thu nhập từ việc thu mua hạt mây tươi làm nguyên liệu đầu vào với giá 10.000 đồng/kg", chị Xuân cho biết thêm.

Luôn gương mẫu đi đầu

Năng động và nhiệt huyết là nhận xét của rất nhiều bà con ở thôn Pạc Sủi dành cho Chìu Văn Hiếng khi chia sẻ về người đảng viên trẻ sinh ra và lớn lên ở thôn vùng cao biên giới đầy khó khăn này. Trong mọi công việc, anh luôn gương mẫu, đi đầu. Anh cùng với các đảng viên trong chi bộ thôn thực hiện nghiêm túc chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, luôn chủ động xây dựng kế hoạch đăng ký thực hiện các nội dung “nêu gương”, “học tập”, “làm theo” tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Vốn là người dân tộc thiểu số, lại nhiệt huyết, tận tình, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Chìu Văn Hiếng thường xuyên gần gũi, tuyên truyền, hướng dẫn bà con trong bản, trong xã cách giữ rừng, thu hái quả mây theo hướng bền vững, để khai thác lâu dài. Anh cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ những đoàn viên, thanh niên có khát vọng và ý tưởng vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. “Là cán bộ ở thôn bản, người đảng viên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôi cho rằng dù trong nhiệm vụ nào đi nữa, mình cũng phải luôn gương mẫu đi đầu, để cho nhân dân hiểu và làm theo. Muốn giúp bà con có kinh tế khá hơn, cuộc sống bớt khó khăn, xóa bỏ nếp sinh hoạt lạc hậu, bản thân mình phải là người làm được, thậm chí làm rất tốt thì mới khiến mọi người tin tưởng vào lời khuyên của mình, tin vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.”, anh Hiếng chia sẻ.

Với những nỗ lực của bản thân, anh Chìu Văn Hiếng nhận được nhiều Bằng khen của các cấp, các ngành. Năm 2017, anh được tuyên dương Thanh niên dân tộc tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh. Năm 2018 là một trong 10 Gương mặt trẻ tiêu biểu của tỉnh và Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác. Vừa qua, anh cũng là một trong số các đại diện tiêu biểu của huyện Hải Hà dự Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Quảng Ninh lần thứ V (giai đoạn 2020 - 2025), chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ V.

PHONG NAM