Cụ thể, BHXH Việt Nam ban hành Công văn số 3281/BHXH-TST gửi đến BHXH các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng trực tiếp (Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, Hoà Bình, Sơn La, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Ninh Bình, Thanh Hoá) triển khai các giải pháp khắc phục thiên tai sau bão số 3 (Yagi).
Để đảm bảo kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc tham gia và giải quyết các quyền lợi về BHXH, BHYT cho người lao động và nhân dân, BHXH Việt Nam đã yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố nêu trên triển khai một số nội dung:
Thứ nhất, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh, thành phố trong việc triển khai các hoạt động hỗ trợ đơn vị sử dụng lao động và người dân trong thời gian khắc phục thiệt hại do bão lũ gây ra. Chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc tham gia và giải quyết các chế độ BHXH, BHYT cho người lao động và nhân dân, kịp thời báo cáo những vấn đề mới phát sinh để có chỉ đạo.
Thứ hai, tham mưu UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính và các ngành liên quan hướng dẫn, phổ biến chính sách hỗ trợ cho đơn vị sử dụng lao động theo Luật BHXH.
Thứ ba, tổng hợp kiến nghị đề xuất của các đơn vị sử dụng lao động trong việc ban hành chính sách hỗ trợ đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi, ổn định, sớm đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, hoặc chính sách khác liên quan đến đóng, hưởng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp đối với đơn vị sử dụng lao động, người lao động và nhân dân.
Toàn ngành BHXH Việt Nam tập trung cao độ, tích cực, chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp các địa phương; phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách”, vận động quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ các gia đình, cá nhân bị nạn và khắc phục hậu quả do bão gây ra.