BHV – “cái dằm” của sự thống nhất

Theo L’Express 29/04/2010 00:00

Tại sao quy chế bầu cử của vùng BHV lại quan trọng như vậy đối với người Bỉ nói tiếng Hà Lan ở vùng Flander phía Bắc? Nhà chính trị học Bart Maddens của trường Katholieke Universiteit Leuven, Bỉ lý giải điều này.

08-bhv-cai-11910-300.jpg

- Người Pháp ở Bỉ không thể hiểu được sự “kiên trì” của các chính đảng nói tiếng Hà Lan muốn chia tách quận Brussels-Halle-Vinvoorde (BHV). Tại sao vấn đề này lại quá quan trọng như vậy trong mắt của những người Flander?

- Muốn chia tách vùng BHV, thực chất người Flander muốn làm chậm lại tiến trình “Pháp hóa” vùng BHV. Từ cuối thế kỷ XVIII, cộng đồng người Bỉ nói tiếng Hà Lan ở Flander đã đấu tranh để gìn giữ, bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa của họ. Tâm lý này đã khiến họ có thái độ khá dè chừng và “phòng thủ” trong các kế hoạch chính trị. Văn hóa chính trị ở vùng Flander bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi rằng, người Wallonia đang lấn át, tạo ra “vết dầu loang cộng đồng tiếng Pháp”. Và bởi vì trên thực tế, tình trạng “Pháp hóa” này đang diễn ra khá mạnh mẽ. Nên nhớ, tiếng Hà Lan chỉ là ngôn ngữ thiểu số trong khi tiếng Pháp là một trong những ngôn ngữ quốc tế. 

Kết quả của các kỳ bầu cử cũng cho thấy rõ thực tế này. Tại các vùng ngoại ô của thủ đô Brussels, danh sách cử tri nói tiếng Pháp ngày càng tăng qua các cuộc bầu cử. Chính vì vậy, những người Flander cùng chia sẻ mối lo ngại rằng, quy chế của tiếng Hà Lan, vốn được coi là ngôn ngữ chính thức duy nhất của vùng Flander, sẽ bị lung lay.

- Người ta có thể hiểu được mối lo ngại này của cộng đồng người Hà Lan, hiểu được mong muốn bảo vệ ngôn ngữ và văn hóa của họ. Nhưng điều đó có liên quan gì đến việc chia tách vùng BHV?

- Sự tồn tại của BHV khuyến khích các nhà lãnh đạo ở Brussels tìm mọi cách chinh phục các lá phiếu của cử tri nói tiếng Pháp tại các vùng ngoại ô Brussels. Bởi tình trạng “Pháp hóa” ở những vùng này càng diễn ra mạnh mẽ, thì các chính đảng của cộng đồng nói tiếng Pháp sẽ càng được củng cố.

Hơn nữa, việc các hạt Hal và Vinvoorde thuộc đơn vị bầu cử Brussels là một tín hiệu tâm lý đối với người dân sống tại các hạt này, dù cho đó là người Bỉ nói tiếng Pháp hay nói tiếng Hà Lan. Điều đó cũng tương tự như một tuyên bố: các bạn thuộc về cộng đồng nói tiếng Pháp. Chắc chắn một thông điệp như vậy không khuyến khích họ gắn bó với nền chính trị của vùng Flander.

Tuy nhiên, tôi cũng luôn cảnh báo người Flander rằng, việc chia tách BHV có thể làm chậm tiến trình “Pháp hóa” các khu vực ngoại ô Brussels, nhưng chắc chắn không bao giờ chặn đứng được tiến trình này.

 Nước Bỉ có dân số hơn 10 triệu người, trong đó 60% thuộc cộng đồng người Bỉ nói tiếng Hà Lan thuộc vùng Flander ở miền Bắc và 40% thuộc cộng đồng Wallonia ở miền Nam nói tiếng Pháp. Hai cộng đồng này gần như tự trị từ năm 1980, trừ vùng Brussels-Halle-Vinvoorde (BHV) nói hai thứ tiếng, gồm thủ đô Brussels và hơn 20 thành phố vệ tinh. Những tranh cãi về ngôn ngữ giữa 2 miền Bắc-Nam từ nửa thế kỷ nay vẫn thường xuyên chi phối đời sống chính trị ở Bỉ. Tình hình càng trở nên phức tạp sau khi Tòa án Hiến pháp Bỉ năm 2003 coi việc duy trì hai ngôn ngữ chính thức ở vùng BHV là vi phạm quy định về phân chia các khu vực nói tiếng Pháp và tiếng Hà Lan. Trong cuộc tranh cãi mới nhất, hai chính đảng đại diện cho cộng đồng nói tiếng Hà Lan yêu cầu tách thủ đô Brussels và một số quận khỏi vùng lân cận để gộp vào khu vực bầu cử của cộng đồng người Bỉ nói tiếng Hà Lan ở vùng Flander.

Tuy nhiên, đề xuất trên vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ 3 chính đảng đại diện cho cộng đồng nói tiếng Pháp với lý do cử tri của họ sẽ mất quyền bỏ phiếu cho các chính đảng nói tiếng Pháp tại thủ đô. Kết quả là đảng trung hữu Open VLD đã rút khỏi liên minh cầm quyền, đẩy Chính phủ Bỉ một lần nữa tới bờ vực sụp đổ, kéo theo nguy cơ bất ổn và làm suy yếu đất nước nhỏ bé nằm ngay giữa lòng châu Âu.

    Nổi bật
        Mới nhất
        BHV – “cái dằm” của sự thống nhất
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO