Lấy hạnh phúc làm mục tiêu thay vì GDP
Những năm 1970, vị vua thứ tư của Bhutan, Jigme Singye Wangchuck có câu nói nổi tiếng rằng: "Tổng hạnh phúc quốc gia quan trọng hơn tổng sản phẩm quốc nội". Và vì thế, người Bhutan bắt đầu lấy hạnh phúc là mục tiêu quốc gia. Đất nước nằm kẹp giữa hai cường quốc Ấn Độ và Trung Quốc ở dãy Himalaya này đã trở thành nơi khai sinh và áp dụng Chỉ số Hạnh phúc quốc gia tổng thể (GNH) làm thước đo tiến bộ thay vì các chỉ số kinh tế như GDP.
Trong quá trình phát triển, các quyết định và chính sách phát triển của Bhutan phải tuân thủ hướng dẫn của GNH về bảo tồn văn hóa, bảo vệ môi trường, quản trị tốt và phát triển kinh tế xã hội bền vững. Bhutan cũng được nhiều người coi là "quốc gia hạnh phúc nhất thế giới khi Chỉ số GNH năm 2023 cho thấy 93,6% dân số Bhutan coi mình là người hạnh phúc.
Tuy nhiên, càng ngày nhiều người Bhutan càng cảm nhận được nhu cầu cấp thiết phải chuyển mình trước biến chuyển của thời đại.
Người Bhutan tự hào rằng Thimpu là thủ đô duy nhất trên thế giới không có đèn giao thông và các hàng quán đều do người Bhutan sở hữu và điều hành. Đây cũng là quốc gia hiếm hoi không có nhiều thương hiệu quốc tế. Đó là bởi các tập đoàn như McDonald's và Starbucks không tìm đến Bhutan, không phải do chính sách hay phong tục địa phương, mà bởi họ đánh giá Bhutan không phải thị trường sinh lời.
Rời Himalaya để khám phá thế giới không phải nhiệm vụ dễ dàng ở Bhutan. Nước này chỉ có ba đại sứ quán ở thủ đô Thimpu, đồng nghĩa hầu hết quan hệ quốc tế đều cần Ấn Độ làm trung gian. Đồng tiền của Bhutan, ngultrum, được neo giá bằng đồng rupee của Ấn Độ. Hầu hết hàng quán, doanh nghiệp chấp nhận cả hai đồng tiền.
Sân bay quốc tế duy nhất của Bhutan, Paro International (PBH), được xem là một trong những sân bay có đường băng đẹp nhất thế giới, nhưng lại nằm ở thung lũng giữa hai ngọn núi, chỉ những chiếc máy bay cỡ nhỏ mới có thể ra vào an toàn. Vì lý do này, PBH chỉ cung cấp các chuyến bay ngắn đến Bangkok, Dhaka, Kathmandu và New Delhi gần đó.
Thu nhập bình quân đầu người ở Bhutan là gần 4.000 USD mỗi năm. Với giá vé khoảng 350 USD cho một chuyến bay từ nước này đến Bangkok, du lịch quốc tế vẫn nằm ngoài tầm với của đa số dân bản địa.
Hướng tới khái niệm hạnh phúc toàn diện hơn
Trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2024 - 2029) vừa được công bố, Bhutan đã đưa ra mục tiêu hoàn toàn khác biệt so với trước đây. Bởi đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một kế hoạch 5 năm lấy tăng trưởng kinh tế là mục tiêu trung tâm.
Đích hướng tới của kế hoạch này là biến Bhutan thành một nền kinh tế có thu nhập cao vào cuối năm 2034. Điều này có nghĩa là tăng GDP bình quân đầu người từ 3.833 USD lên trên 6.174 USD vào năm 2029, tương đương với mức tăng 62% - và con số này được kỳ vọng tăng gấp đôi vào năm 2034.
Việc đưa tăng trưởng kinh tế lên hàng đầu trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 và khuôn khổ chiến lược 10 năm liệu có phải là “lạc đề” so với triết lý phát triển thay thế nổi tiếng của Bhutan về GNH, vốn là trọng tâm trong mọi kế hoạch từ năm 2007 cho đến nay? Các nhà phân tích cho rằng, Bhutan đang hướng đến một khái niệm hạnh phúc toàn diện hơn: “nền kinh tế hạnh phúc - thu nhập cao”. Hạnh phúc quốc gia tổng thể vẫn là triết lý chỉ đạo để đảm bảo tăng trưởng kinh tế không làm tổn hại đến phúc lợi xã hội, sinh thái và tinh thần của đất nước. Nhưng tăng trưởng kinh tế là điều kiện cần thiết để tiếp tục duy trì triết lý này.
Thách thức và áp lực thời gian
Kế hoạch bao gồm tăng cường cơ sở hạ tầng, thúc đẩy đổi mới và phát triển các ngành công nghiệp mới như nền kinh tế kỹ thuật số và thành phố chánh niệm. Nhưng kế hoạch này phải đối mặt với những rào cản đáng kể bao gồm tạo đủ việc làm, quản lý tình trạng chảy máu chất xám và khắc phục cơ sở hạ tầng cũng như hạn chế tiếp cận thị trường. Đạt được những mục tiêu đầy tham vọng này trong một khung thời gian ngắn như vậy lại tạo thêm một lớp thách thức đáng kể khác.
Bhutan tự hào có thành tích tăng trưởng ấn tượng với mức trung bình hàng năm là 10,9% kể từ những năm 1980. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đang đối mặt với nhiều vấn đề, bao gồm năng suất thấp, thị trường trong nước nhỏ, liên kết kém với thị trường quốc tế, thiếu quy mô kinh tế, hạn chế về cơ sở hạ tầng và hạn chế tiếp cận tài chính.
Chính phủ đặt mục tiêu cải thiện môi trường quản lý cho doanh nghiệp, hợp lý hóa tương tác với các cơ quan chính phủ, cải thiện cơ sở hạ tầng truyền thông và thành lập hoặc mở rộng các trung tâm ươm tạo doanh nghiệp và khu công nghiệp. Các địa điểm được chỉ định chủ yếu ở phía nam đất nước, gần biên giới với Ấn Độ, cho thấy sự hội nhập lớn hơn với nền kinh tế nước láng giềng.
Nhưng sẽ mất thời gian để tư duy kinh doanh và mạng lưới đổi mới phát triển theo nền văn hóa tập thể và ngại rủi ro của Bhutan. Cũng không rõ các ngành công nghiệp tiên tiến mới có thể là gì và liệu Bhutan có thể thu hút được vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cần thiết hay không.
Thủy điện, trụ cột của nền kinh tế chính thức, chiếm khoảng 30% doanh thu xuất khẩu, sẽ được đầu tư nhiều hơn với hai dự án thủy điện lớn dự kiến sẽ được đưa vào vận hành trong kế hoạch trong khi 10 dự án lớn khác dự kiến được khởi công trong thời hạn của Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 và lần thứ 14. Tuy nhiên, nguy cơ chậm trễ trong xây dựng và chi phí vượt mức dự toán là điều thường thấy trong các dự án thủy điện.
Mục tiêu về nền kinh tế thu nhập cao mới của Bhutan cũng đòi hỏi chính phủ phải đầu tư đáng kể vào nguồn nhân lực để tạo ra lực lượng lao động cần thiết cho các ngành công nghiệp hiện đại. Quá trình này không thể diễn ra trong một sớm một chiều. Các tổ chức giáo dục của nhà nước sẽ cần phải chứng minh tính linh hoạt, nhanh nhẹn và định hướng thay đổi cao hơn so với trước đây nếu họ muốn thành công.
Một khó khăn cố hữu hiện nay của Bhutan là không tạo đủ việc làm, đặc biệt là cho giới trẻ. Tầm nhìn của kế hoạch mới hướng tới phát triển các ngành công nghiệp, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu lao động trong khu vực tư nhân, vốn sẽ là động lực tăng trưởng. Hy vọng rằng điều này sẽ giúp hạn chế tình trạng di cư gần đây của những người có trình độ học vấn trong nhóm tuổi năng suất nhất tìm kiếm cơ hội kinh tế tốt hơn ở nước ngoài - một dạng "chảy máu chất xám" của Bhutan được Thủ tướng Tshering Tobgay mô tả là "mối đe dọa hiện hữu lớn nhất" đối với đất nước.
Thúc đẩy nền kinh tế “bản sắc văn hóa Bhutan”
Ngoài kỳ vọng vào tăng trưởng trong các ngành truyền thống như nông nghiệp, du lịch và sản xuất, các ngành công nghiệp mới cũng được thúc đẩy, bao gồm các hoạt động trong nền kinh tế kỹ thuật số và sáng tạo, chẳng hạn như việc thành lập Thị trường Carbon Bhutan và các ngành công nghiệp dựa trên văn hóa Bhutan.
Những ngành công nghiệp liên quan đến văn hóa này sẽ tập trung vào “thành phố chánh niệm” đầu tiên trên thế giới tại Gelephu ở phía nam. Thành phố chánh niệm sẽ chiếm một diện tích khổng lồ 1.000km vuông và sẽ là một khu vực hành chính đặc biệt. Đây sẽ là “trung tâm kinh tế sôi động” và “cái nôi cho sự tăng trưởng và đổi mới” được neo giữ trong các giá trị của “chỉ số hạnh phúc quốc gia” và di sản Phật giáo.
Chưa rõ dự án thành phố chánh niệm này được tài trợ như thế nào, nhiều khả năng là thông qua công ty đầu tư của chính phủ, Druk Holding and Investments, gần đây đã mạo hiểm khai thác bitcoin. Theo Ngân hàng Thế giới, khai thác bitcoin có thể giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của Bhutan và hình thành nguồn tăng trưởng kinh tế mới. Với việc nắm giữ 13.029 Bitcoin, trị giá khoảng 758 triệu USD, Bhutan đã trở thành quốc gia đứng thứ 4 thế giới về dự trữ Bitcoin trên thế giới, theo số liệu tính đến giữa năm 2024.
Với việc Bhutan dựa vào tăng trưởng kinh tế để tạo ra một quốc gia hạnh phúc, thịnh vượng và an toàn, các nhà quản lý kinh tế của đất nước này sẽ rất bận rộn trong 5 năm tới để cố gắng biến tầm nhìn này thành hiện thực.