Bệnh nhân ung thư mỏi mòn chờ xạ trị

Vừa xong đợt xạ trị căn bệnh ung thư cổ tử cung, bà Trần Thị Thu H. (61 tuổi, quê Sóc Trăng) bùi ngùi cho biết, đã vượt qua cửa tử lần thứ nhất. Hiện, bà vẫn đang tiếp tục được các bác sĩ theo dõi, tiến hành đợt xạ trị áp sát.
Bà H. kể, do bà đi khám nhiều lần, bác sĩ "quen mặt" nên được quan tâm, ưu tiên xếp lịch nhưng bà vẫn phải chờ 21 ngày mới được xạ trị. Do thời gian chờ lâu, bệnh tình của bà H. đã chuyển qua giai đoạn 3, tuy nhiên bà H. mừng thầm vì nhiều người phải chờ đến 2-3 tháng mới được xạ trị.
Bà H. chia sẻ: “Tôi thật sự biết ơn các y, bác sĩ nơi đây, họ tận tâm, tận tình chăm sóc bệnh nhân. Tuy nhiên, một điều khổ tâm của hầu hết bệnh nhân là đối mặt với cảnh nằm giường ghép 2-3 người. Đã vậy, thời gian chờ xạ trị quá lâu, nhiều bệnh nhân mất cơ hội chữa bệnh. Tôi mong ước từng ngày bệnh viện mới xây xong hoặc có thêm máy xạ trị để nhiều bệnh nhân ung thư có cơ may sống sót khi chẳng may mắc căn bệnh hiểm ác này”.
Bà Phan Thị T. (quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) cho biết, bà mắc bệnh ung thư vú, các bác sĩ đã đưa ra phương pháp xạ trị. Tuy nhiên, gia đình bà đã chờ đúng 3 tháng mới tới lượt xạ trị. “Do gia đình khó khăn, tôi không thể chuyển lên TP. Hồ Chí Minh điều trị. Tôi chờ 3 tháng và sáng nay tôi nhận được thông tin có lịch xạ trị, tôi mừng lắm. Hiện con cái đang chuẩn bị để đưa tôi đến bệnh viện thực hiện đợt xạ trị kéo dài hơn 30 ngày”.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thanh Phong – Trưởng Khoa xạ trị, Bệnh viện Ung bướu TP. Cần Thơ cho biết, sau khi các y bác sĩ khoa ngoại, khoa nội sàng lọc và chuyển tuyến về một số bệnh viện tỉnh và TP. Hồ Chí Minh, nhiều năm qua, tại Khoa xạ trị có trên 200 bệnh nhân cần xạ trị. Tuy nhiên, bệnh viện có một máy xạ trị Cobalt được đầu tư từ năm 2010 nên máy xuống cấp, thời gian xạ trị cho một bệnh nhân gấp 2-3 lần so với dòng máy mới hiện nay. Riêng năm 2024, có hơn 10 lần máy bị hỏng, cần sửa chữa trong 1-2 ngày. Và những lần như thế, số bệnh nhân chờ đến lượt xạ trị cứ tăng dần.


Để giải quyết tình trạng quá tải, từ 4 năm qua, đội ngũ y bác sĩ Khoa xạ trị phải buộc máy làm việc 24/24 (kể cả thứ bảy, chủ nhật), tuy nhiên vẫn không giải quyết kịp thời nhu cầu xạ trị của bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân chờ 2-3 tháng mới đến lượt xạ trị, trong số đó, nhiều bệnh nhân chuyển biến nặng, thậm chí mất cơ hội chữa trị.
Bác sĩ Phong chia sẻ: “Do điều kiện cơ sở vật chất bệnh viện chật hẹp, xuống cấp, chúng tôi bắt đầu ca làm việc từ 6h sáng đến 19h hàng ngày để phục vụ bệnh nhân nhưng tình trạng quá tải vẫn diễn ra. Chính vì máy xạ trị chưa được đầu tư đúng với chức năng một bệnh viện chuyên sâu nên nhiều lần chứng kiến bệnh nhân mắc cơ hội điều trị, bản thân tôi cũng như nhiều y, bác sĩ khác xót xa lắm! Chúng tôi rất mong dự án Bệnh viện Ung bướu mới sớm được xây dựng hoàn thành. Còn trong trường hợp dự án vướng thủ tục gì đó, chúng tôi rất mong ngành chức năng thành phố đầu tư máy xạ trị mới để các bệnh nhân bị ung thư được điều trị kịp thời”.
Bác sĩ nhường phòng, bệnh nhân vẫn nằm ghép 2-3

Bệnh viện Ung bướu TP. Cần Thơ (cơ sở 1 – đường Châu Văn Liêm) sử dụng một phần cơ sở cũ của Bệnh viện đa khoa TP. Cần Thơ (xây dựng từ năm 1895) làm nơi khám chữa bệnh cho bệnh nhân toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ năm 2007. Vì thế, đến nay cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được xây mới.
Phóng viên có mặt tại Khoa khám bệnh (trước đây là khu hành lang bệnh viện cũ), hàng ngày tiếp đón và khám bệnh cho khoảng 1.500 lượt bệnh nhân, trong đó, 800 lượt khám bệnh, điều trị nội trú 600 bệnh nhân. Trong không gian chật hẹp, hàng chục người chen chân chờ gọi tên khám bệnh làm cho không khí ngột ngạt, oi bức tăng lên gấp bội.

Bước vào Khoa nội trú, căn phòng rộng chưa tới 10m2 nhưng có trên 20 người nằm. Bà Trần Thị Lụa (69 tuổi, quê quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ) cho biết, những bệnh nhân như bà rất cần một chỗ nghỉ ngơi để có đủ sức chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác. Tuy nhiên, bệnh viện quá xuống cấp, chật hẹp nên hầu hết bệnh nhân phải nằm ghép 2 người/giường. Một số bệnh nhân không thể nằm ghép, buộc phải ra ngoài thuê phòng trọ nghỉ.
Còn người thân ông Trương Văn Chính – quê Sóc Trăng cho biết, ông Chính vừa được bác sĩ phẫu thuật xong tuyến giáp, đang chờ xuất viện. Với gia đình ông rất biết ơn các y bác sĩ vì đã chẩn đoán đúng bệnh cho ông. Với ông Chính, những ngày ở bệnh viện là hết sức vất vả từ chuyện vệ sinh cá nhân đến việc nằm nghỉ sau ca phẫu thuật.

Lãnh đạo bệnh viện cho biết, những ngày đầu thành lập, bệnh viện chỉ có 50 giường bệnh, nhưng với sự đột phá trong khám chữa bệnh của đội ngũ y bác sĩ hiện nay, bệnh viện tăng lên 400 giường bệnh nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Để giải quyết tình trạng quá tải, hơn 4 năm qua, bệnh viện thực hiện điều trị ngoại trú khoảng 100 bệnh nhân, điều trị nội trú khoảng 600 bệnh nhân, trong khi đó diện tích bệnh viện tối đa chỉ kê 400 giường, do đó tỷ lệ bệnh nhân phải nằm ghép lên đến 30%.
Lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu TP. Cần Thơ cho biết, do bệnh viện xuống cấp nên không thể tu sửa được nữa, vì thế nhân viên y tế phải nhường cơ sở vật chất để làm phòng bệnh cho bệnh nhân. Với nhu cầu điều trị bệnh hiện tại của người dân, bệnh viện cần nhiều phương tiện máy móc hiện đại, nhất là máy xạ trị, máy chụp CT…Khi có đầy đủ thiết bị, cơ sở vật chất bảo đảm sẽ giúp các y, bác sĩ thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, điều trị bệnh cho nhân dân.


Từ nhiều năm qua, lãnh đạo bệnh viện tận dụng hết mọi không gian trong khuôn viên bệnh viện để làm làm phòng nội trú cho bệnh nhân và các phòng chức năng của bệnh viện. Đơn cử như tại Khoa xạ trị, căn phòng tiếp bệnh chỉ rộng hơn 2m2, phòng hành chính chưa tới 20m2 nhưng có tới 25 cán bộ y bác sĩ làm việc… Tại nhiều khoa, không có phòng nghỉ cho bác sĩ; nhiều phòng phải thực hiện nhiều chức năng kể cả phòng làm việc của giám đốc bệnh viện.
Trong khi đó, dự án Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ với qui mô 500 giường, khởi công từ năm 2017 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Mặc dù thời gian qua, Sở y Tế TP. Cần Thơ (chủ đầu tư), UBND TP. Cần Thơ phối hợp với Bộ, ngành Trung ương nhiều lần họp bàn tháo gỡ vướng mắc về vốn vay, thanh toán khối lượng xây dựng cho nhà thầu… nhưng đến nay dự án vẫn chưa tái khởi động trở lại.
Ngày 7.2 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến dự thảo nghị quyết về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2026-2030. Tại đây, đề cập dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung giải quyết, sớm đưa vào sử dụng.
“Bệnh viện xây dựng rồi bỏ hoang mấy năm nay. Tôi đi tới mấy lần, nhìn rất sốt ruột”, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ tại cuộc họp.
Bài 2: Cận cảnh dự án Bệnh viên Ung bướu TP. Cần Thơ xây dựng 8 năm chưa xong