Bệnh không lây nhiễm - “sát thủ thầm lặng”

- Thứ Bảy, 24/10/2020, 07:03 - Chia sẻ
Được mệnh danh là “sát thủ âm thầm”, các bệnh không lây nhiễm (BKLN) đang là vấn nạn đáng lo ngại trên toàn cầu, nhất là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Bệnh không lây nhiễm thường là các bệnh mạn tính, có thời gian bị bệnh dài, tạo ra gánh nặng bệnh tật nặng nề do tỷ lệ tàn phế, mất sức lao động và tử vong cao. Các bệnh này thường có chung một số yếu tố nguy cơ có thể phòng, tránh được, vì vậy, kiểm soát những yếu tố nguy cơ chung có thể phòng ngừa được bệnh.

Gánh nặng bệnh tật và tử vong

Theo số liệu thống kê năm 2016 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thế giới ghi nhận 56,9 triệu ca tử vong do các bệnh lý mãn tính không lây, chiếm tới 71% số ca tử vong trên toàn cầu. Trong đó, tim mạch là nguyên nhân gây chết người hàng đầu, với 17,9 triệu ca, chiếm 44% số ca tử vong thuộc nhóm BKLN. Tới năm 2020, tỷ lệ tử vong do BKLN có thể lên tới 73%, bên cạnh các gánh nặng bệnh tật chiếm tới 60%. 

Tại Việt Nam, tính riêng trong năm 2012, nước ta có 520.000 trường hợp tử vong do tất cả các nguyên nhân, trong đó số ca tử vong do các BKLN là 379.000 ca. Theo đó, cứ 10 người tử vong thì có hơn 7 người mắc các BKLN như tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh phổi mạn tính. Chưa có con số thống kê chính xác nhưng ước tính trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp, gần 3 triệu người bị bệnh đái tháo đường, 2 triệu người mắc bệnh tim, phổi mạn tính và gần 120.000 ca mắc mới ung thư... Các BKLN gây ra 73% các trường hợp tử vong hàng năm và trong số đó có đến 40% chết trước 70 tuổi. Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Văn Đức Hạnh, Viện Tim mạch Việt Nam, “số ca bệnh tim mạch chưa được chẩn đoán, chưa được điều trị và chưa được kiểm soát còn rất cao trong cộng đồng”.

Quản lý tốt các bệnh không lây nhiễm ở tuyến cơ sở
Nguồn: ITN

Các BKLN còn được gọi là “bệnh mạn tính” bởi vì quá trình hình thành bệnh diễn ra trong nhiều năm, thường là bắt đầu từ tuổi trẻ, bệnh tiến triển kéo dài, đòi hỏi việc điều trị có hệ thống và lâu dài, thậm chí cả cuộc đời. Ngày nay với lối sống hiện đại, cùng các thói quen có hại cho sức khỏe như hút thuốc lá, dùng đồ uống có cồn, thiếu vận động, chế độ dinh dưỡng không phù hợp, ô nhiễm môi trường... là những yếu tố nguy cơ dẫn đến một tương lai nhiều rủi ro về sức khỏe, gánh nặng chi phí chữa trị, giảm chất lượng cuộc sống của con người.

Cần chủ động chăm sóc sức khỏe

Theo các chuyên gia y tế, mỗi người dân cần ý thức lối sống lành mạnh, theo dõi sức khỏe, dinh dưỡng thường xuyên, thăm khám định kỳ để có những biện pháp dự phòng nhằm chăm sóc, theo dõi sức khỏe cũng như phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Cùng với sự phát triển của công nghệ số, ngày nay có nhiều ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại hỗ trợ chăm sóc và quản lý sức khỏe của mỗi cá nhân.

Công tác phòng, chống BKLN đang được thực hiện trên cơ sở áp dụng các chiến lược và các khung chính sách của WHO, như giảm sử dụng thuốc lá, giảm khả năng chấp nhận về tài chính bằng cách tăng thuế tiêu thụ thuốc lá; xây dựng môi trường hoàn toàn không khói thuốc; cảnh báo người dân về sự nguy hiểm của thuốc lá và khói thuốc lá thông qua các hình thức cảnh báo có hiệu quả và các chiến dịch trên phương tiện thông tin đại chúng; cấm tất cả hình thức quảng cáo, khuyến mại và tài trợ liên quan đến thuốc lá; tránh lạm dụng rượu, tăng thuế đồ uống có cồn; hạn chế và nghiêm cấm toàn diện đối với hoạt động quảng cáo và khuyến mại rượu và hạn chế bán lẻ rượu.

Bên cạnh đó, xây dựng chế độ ăn hợp lý và tăng cường vận động thể lực như giảm hàm lượng muối trong thức ăn chế biến sẵn; thay thế chất béo bão hòa bằng chất béo không bão hòa; nâng cao nhận thức công chúng về chế độ ăn và vận động thể lực. Tuân thủ dùng thuốc trong bệnh đái tháo đường và tim mạch, phối hợp nhiều loại thuốc cho các cá nhân đã từng bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ và những người có nguy cơ cao đối với các tai biến tim mạch trong vòng 10 năm tới.

Bệnh không lây nhiễm - "Sát thủ thầm lặng"

Đối với ung thư, theo Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh Âu Thanh Tùng, ngoài những yếu tố có liên quan đến vấn đề đột biến gene còn nhiều yếu tố ảnh hưởng khác như lối sống và chế độ ăn uống hay sự xuất hiện của tia bức xạ, tia cực tím không chỉ làm ung thư ngoài da mà còn làm gián tiếp tăng các tỷ lệ ung thư khác. Ngoài ra, virus cũng làm tăng tỷ lệ ung thư như virus HPV gây ung thư cổ tử cung hay HP gây ung thư dạ dày.

“Ở Việt Nam, tỷ lệ chẩn đoán ung thư giai đoạn trễ là 70% - 80%, tỷ lệ khỏi bệnh trung bình chỉ đạt 30%, trong khi trên thế giới tỷ lệ đạt đến 70 - 80%. Ngoài việc tiêm ngừa và thay đổi lối sống thì cần chú ý tới khám sức khỏe định kỳ. Mỗi loại ung thư sẽ có những khuyến cáo đặc thù, như đối với ung thu vú thì nữ trên 40 tuổi cần kiểm tra hàng năm, những người trên 45 tuổi nên được nội soi dạ dày và đại trực tràng mỗi năm” - Bác sĩ Tùng chia sẻ.

Linh Lan