Bế mạc Phiên họp thứ 53 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

- Thứ Tư, 24/02/2021, 05:37 - Chia sẻ
Trưa 23.2, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 53.
Trước đó, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Mười một, Quốc hội Khóa XIV và Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chính phủ
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc phiên họp
Ảnh: Quang Khánh

Sẽ kiện toàn một số chức danh lãnh đạo Nhà nước 

Báo cáo tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại Kỳ họp thứ Mười một là 11 ngày, trong đó bố trí 2,5 ngày để xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 và 6,5 ngày xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng khác. Quốc hội sẽ họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 24.3, dự kiến bế mạc vào ngày 7.4 và dự phòng 1 ngày 8.4.2021. Bố trí truyền hình, phát thanh trực tiếp phiên họp trình bày và thảo luận ở hội trường các báo cáo công tác nhiệm kỳ.

Cụ thể, dự kiến, Quốc hội sẽ dành 0,5 ngày cho công tác lập pháp, xem xét, thông qua dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). 

Quốc hội dành 9 ngày cho hoạt động giám sát và xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng. Quốc hội sẽ nghe Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Mười một, Quốc hội Khóa XIV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV. Thảo luận dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ Khóa XIV của Quốc hội. Xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của: Chủ tịch Nước, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước. Xem xét, thông qua Nghị quyết về tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021. Xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng khác. Xem xét, thông qua Nghị quyết chung của kỳ họp (nếu có).

Trong kỳ họp sẽ trao tặng Kỷ niệm chương hoạt động Quốc hội đối với các đại biểu Quốc hội. Cũng theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội, tuy nhiên có dự phòng các phương án trong trường hợp dịch bệnh diễn biến xấu.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng nêu rõ, Chính phủ đề nghị bổ sung trình Quốc hội xem xét dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón trong chương trình Kỳ họp thứ Mười một. Tuy nhiên, dự kiến tại Phiên họp tháng 3 tới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ mới trình nội dung này để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Do đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị chưa nên bố trí nội dung này trong dự kiến chương trình Kỳ họp thứ Mười một gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội, nhưng vẫn có dự phòng thời gian để Quốc hội có thể xem xét, quyết định. 

Cho ý kiến về đề xuất bổ sung dự thảo Nghị quyết về thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng chưa cần thiết. Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, Kỳ họp thứ Mười một là Kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Khóa XIV, ngoài công tác tổng kết nhiệm kỳ, Quốc hội cũng sẽ tập trung kiện toàn một số chức danh bộ máy Nhà nước nên một số vấn đề chưa thực sự cấp bách hoặc chưa "chín" thì có thể để lại để Quốc hội Khóa XV xem xét, quyết định.

Kết luận tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, tại Kỳ họp thứ Mười một, Quốc hội sẽ kiện toàn một số chức danh lãnh đạo Nhà nước. Bộ máy Nhà nước hoạt động liên tục, sau khi được Quốc hội bầu thì lãnh đạo mới sẽ điều hành ngay. Với những cán bộ được miễn nhiệm, không giữ chức danh lãnh đạo nữa nhưng vẫn là đại biểu Quốc hội thì vẫn làm nhiệm vụ của đại biểu theo đúng quy định của pháp luật, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

“Khó khăn gấp hai thì phải nỗ lực, cố gắng gấp ba"

Trình bày Báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu rõ, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chín phủ đã quán triệt phương châm “xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ Nhân dân". Kế thừa kinh nghiệm quản lý, điều hành từ các nhiệm kỳ trước, Chính phủ đã khẩn trương ban hành chương trình, kế hoạch, triển khai đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020. Hàng năm, Chính phủ đều đề ra phương châm hành động, quan điểm điều hành và các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phù hợp với yêu cầu thực tiễn; không ngừng đổi mới, cải cách mạnh mẽ, kiên định, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội đề ra.

Năm 2020, trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thống nhất quan điểm điều hành với tinh thần “khó khăn gấp hai thì phải nỗ lực, cố gắng gấp ba", quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép" vừa quyết liệt phòng, chống dịch với tinh thần "chống dịch như chống giặc", vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống Nhân dân, phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong điều kiện "bình thường mới".

Về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đổi mới phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ: Với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ", Chính phủ thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, xử lý công việc trên môi trường mạng để giảm giấy tờ. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành 71 văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Đặc biệt, Chính phủ đã xây dựng và vận hành các hệ thống thông tin nền tảng của Chính phủ điện tử, giúp đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số và lề lối làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước và giữa cơ quan hành chính nhà nước với người dân, doanh nghiệp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, như: Trục liên thông văn bản quốc gia; Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (E-Cabinet); Cổng Dịch vụ công quốc gia - Hệ thống thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp; Hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Về việc thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, Chính phủ luôn kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo dõi sát tình hình, xây dựng kịch bản tăng trưởng với phương án, giải pháp kịp thời, phù hợp tình hình. Phối hợp, điều hành các chính sách vĩ mô theo hướng đồng bộ, chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016 - 2019 đạt 6,8%. Trước tác động của dịch Covid-19, Chính phủ đã nhanh chóng xây dựng phương án, kịch bản phục hồi kinh tế trong điều kiện "bình thường mới"; quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội, không để bị động, bất ngờ. Nhờ đó, tăng trưởng kinh tế nước ta năm 2020 ước đạt 2,91%, thuộc 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới. Quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015.

Tạo khí thế mạnh mẽ, niềm tin và quyết tâm lớn

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, mặc dù tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; trong nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do thiên tai, dịch bệnh nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã không ngừng đổi mới, linh hoạt, sáng tạo, sâu sát trong chỉ đạo, điều hành, cải cách mạnh mẽ và quyết liệt hành động theo phương châm Chính phủ kiến tạo, hành động; kết quả đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra tại các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, đóng góp quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước. Chính phủ đã điều hành kinh tế - xã hội một cách chủ động, linh hoạt; khơi dậy được tinh thần khởi nghiệp, phát huy sức sáng tạo và khả năng thích ứng của doanh nghiệp, tạo khí thế mạnh mẽ, niềm tin và quyết tâm lớn trong cộng đồng doanh nghiệp và người dân về khát vọng xây dựng đất nước giàu mạnh.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị, Chính phủ cần bổ sung đánh giá, làm rõ thêm về kết quả cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực; làm rõ nguyên nhân, giải pháp để bảo đảm yêu cầu, tiến độ trong việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia và kết nối giữa các cơ sở dữ liệu này... Cùng với đó, cần đánh giá, phân tích, làm rõ thêm một số nội dung như về công tác điều hành của Chính phủ trong thực hiện 3 trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế; việc chỉ đạo triển khai các đột phá chiến lược; tác động của việc chậm hoàn thành nhiều quy hoạch lớn theo yêu cầu của Luật Quy hoạch; việc chậm triển khai các công trình trọng điểm giao thông so với yêu cầu về tiến độ trong Nghị quyết số 63/2018/QH13; cơ cấu thu ngân sách nhà nước; kết quả phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán, phát triển doanh nghiệp; hiệu quả hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; kết quả, tỷ lệ giải ngân các gói hỗ trợ kinh tế, an sinh xã hội; việc chậm cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước...

Phát biểu tại Phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành các nội dung được nêu trong Báo cáo của Chính phủ và các nội dung đã được cơ quan chủ trì thẩm tra chỉ ra. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho rằng, Chính phủ làm "cầu nối" với Đảng, Quốc hội, các cấp chính quyền và tổ chức đoàn thể rất tốt, từ đó, tạo ra nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền và tổ chức đoàn thể rất ủng hộ và nghiêm túc thực hiện quy định của Chính phủ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị, cần đánh giá thêm kết quả đạt được cũng như phương hướng về công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh; bổ sung thêm đánh giá tình hình, xu hướng, diễn biến tới đây; đánh giá kỹ việc gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh. Từ đó, có những chủ trương, đối sách phù hợp, nhất là các vấn đề biên giới, biển đảo, chính trị nội bộ, an ninh thông tin truyền thông, an ninh kinh tế - xã hội để sẵn sàng ứng phó với thách thức. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đề nghị, Chính phủ cần đánh giá thực trạng "sức khỏe" và sự chịu đựng của nền kinh tế, của doanh nghiệp, người dân, người lao động trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 để có chính sách cấp bách hỗ trợ. 

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu yêu cầu Chính phủ cần đánh giá sâu sắc hơn, đầy đủ hơn về phương thức làm việc của Chính phủ, nhất là đối với Chính phủ điện tử, hiệu quả của Chính phủ điện tử, Chính phủ số, xã hội số... 

Hồ Long