Tại Lễ bế mạc Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ V, tối 2.10, NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Liên hoan, cho biết, 13 tác phẩm sân khấu thuộc các loại hình nghệ thuật chèo, cải lương, kịch nói, xiếc tạp kỹ đã khái quát hiện thực đời sống xã hội, ca ngợi những tấm gương chiến đấu, hy sinh gian khổ để giành lại độc lập tự do của quân và dân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phản ánh những chuyển biến lớn lao, mạnh mẽ của đời sống hôm nay tạo nên sức cuốn hút đối với khán giả Hà Nội”.
Ban tổ chức Liên hoan đánh giá cao những tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật có hiệu quả của tác giả, đạo diễn, các thành phần sáng tạo và đội ngũ diễn viên, nhạc công; làm rõ hơn các chức năng: nhận thức - giáo dục - dự báo, tạo nên sức truyền cảm và ấn tượng sâu sắc, những giá trị thẩm mỹ đến với người xem.
Chủ tịch Hội đồng Giám khảo, nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương cho biết, chính vì có nhiều tác phẩm đạt chất lượng cao về tư tưởng, nội dung và nghệ thuật, Hội đồng Giám khảo đã thống nhất đề xuất số lượng giải thưởng dành cho vở diễn vượt số lượng quy định theo quy chế chấm thi khen thưởng.
Theo đánh giá của Hội đồng nghệ thuật, trong 13 vở diễn thì có tới 7 vở về đề tài lịch sử, dã sử, huyền sử, chứng tỏ lịch sử luôn là mảnh đất màu mỡ để các nghệ sĩ khám phá, là những bài học vô giá cho con người hôm nay qua các câu chuyện kịch và hình tượng nhân vật.
Liên hoan ghi nhận sự góp mặt của 5 đơn vị sân khấu ngoài công lập, báo tín hiệu vui cho hoạt động sân khấu trong cơ chế thị trường, đặc biệt là các nghệ sĩ ở phía Nam. Các nghệ sĩ đã giúp cân bằng khoảng cách nghệ thuật giữa các đơn vị trong và ngoài công lập. Thành quả mà các nghệ sĩ hoạt động theo mô hình tư nhân, xã hội hóa có tác động tích cực để giải phóng sự trì trệ trong nhận thức, tư duy của một bộ phận những người sáng tạo nghệ thuật.
Thiếu đầu tư, vắng đề tài về Hà Nội hiện đại
Tuy nhiên, nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương cũng chỉ ra những nhược điểm cần khắc phục. Đó là, do thiếu đầu tư về kinh phí, thời gian trong quá trình chuẩn bị, một số đơn vị mang tới Liên hoan vở diễn sơ sài, thiếu thẩm mỹ về nội dung và hình thức thể hiện, gây cảm giác đơn điệu, nhàm chán cho người xem. Có kịch bản bộc lộ sự yếu kém của tác giả trong xác định vấn đề, cấu trúc kịch bản, tổ chức mâu thuẫn, xung đột, dùng nhân vật lịch sử làm cái cớ và dựa vào đó để hư cấu. Xem hết vở diễn, người xem không hiểu tác giả định gửi thông điệp gì tới cuộc sống hôm nay…
Liên hoan lần này cũng thiếu vắng những kịch bản phản ánh chân thực, sinh động về người Hà Nội thời hiện đại. Nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương đặt câu hỏi: Phải chăng các tác giả đang bế tắc, chưa lý giải được mâu thuẫn, xung đột của đời sống hiện đại để xây dựng nên những câu chuyện kịch, những nhân vật điển hình, lấp lánh, toát lên vẻ đẹp lịch lãm của người Hà Nội…?
5 kiến nghị để có nhiều kịch bản hay về Hà Nội
Từ ưu và nhược điểm tại Liên hoan, Hội đồng Giám khảo kiến nghị Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội nêu ra một số vấn đề:
Thứ nhất, cần xây dựng quy chế và thông báo sớm tới các đơn vị nghệ thuật trên cả nước, để các đơn vị có thời gian chuẩn bị mọi mặt, xây dựng tác phẩm tham dự Liên hoan đạt chất lượng cao. Tránh tình trạng vội vã tìm kịch bản, vội vã dàn dựng, và tham gia một cách vội vàng.
Thứ hai, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cùng Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội tổ chức trại sáng tác, mời tác giả có uy tín tham gia để sáng tác ra những kịch bản đạt chất lượng tốt viết về mảnh đất, con người Hà Nội trong quá khứ, hiện tại để dự báo tương lai.
Thứ ba, mỗi Liên hoan, Ban tổ chức dành ra một ngày tổ chức hội thảo, để những người làm nghề, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan truyền thông trao đổi, bàn luận, đánh giá về thành quả sáng tạo nghệ thuật của các đơn vị; đúc kết những kinh nghiệm, bài học quý báu trong phương pháp sáng tạo.
Thứ tư, Ban tổ chức Liên hoan lên kế hoạch bố trí cho các nghệ sĩ ở địa phương, đặc biệt là nghệ sĩ phía Nam đi tham quan các di tích lịch sử, văn hóa ở Hà Nội để cảm nhận sâu sắc hơn về lịch sử, văn hóa, con người Hà Nội, giúp có cảm xúc và cái nhìn chân thực trong quá trình sáng tạo. Huy động các nguồn lực xã hội, hỗ trợ để các đơn vị biểu diễn phục vụ nhân dân các quận, huyện của Thủ đô Hà Nội.
Thứ năm, đẩy mạnh công tác truyền thông để lan tỏa ý nghĩa của Liên hoan tới khán giả cả nước, từng bước làm nên thương hiệu Liên hoan Sân khấu Thủ đô, nơi hội tụ của nghệ si thuộc tất cả các loại hình nghệ thuật sân khấu trong toàn quốc.
Ban tổ chức đã trao 3 Huy chương Vàng cho các vở: “Mưa đỏ” (Nhà hát Kịch nói Quân đội), “Vương quyền - Vụ án Tống Thị Quyên” (Chi hội biểu diễn nghệ thuật Thăng Long - Hội Sân khấu Hà Nội) và “Trung trinh liệt nữ” (Nhà hát Chèo Hà Nội).
4 giải thưởng được trao cho các cá nhân xuất sắc, trong đó riêng vở “Mưa đỏ” của Nhà hát Kịch nói Quân đội mang về 3 giải gồm: Nhà văn Chu Lai - giải Tác giả xuất sắc, NSND Lê Hùng - giải Đạo diễn xuất sắc, họa sĩ Đặng Minh Tuấn - giải Họa sĩ xuất sắc. Nghệ sĩ Hoài Anh giành giải Biên đạo múa xuất sắc (vở "Trung trinh liệt nữ").
4 giải Nhạc công xuất sắc thuộc về các nghệ sĩ: Võ Thanh Liêm, vở “Vương quyền - Vụ án Tống Thị Quyên" (Chi hội biểu diễn Nghệ thuật Thăng Long - Hội Sân khấu Hà Nội); Bùi Tất Trọng, vở “Trung trinh liệt nữ” (Nhà hát Chèo Hà Nội); Phạm Hồng Tiếp, vở “Bất tử với Thăng Long” (Nhà hát Cải lương Việt Nam), NSƯT Phạm Hữu Vương, vở “Sóng dựng Lô Giang” (Nhà hát Chèo Quân đội).
Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao 26 Huy chương Vàng, 33 Huy chương Bạc cho các diễn viên xuất sắc và tặng Bằng khen cho diễn viên nhỏ tuổi nhất - Trần Bảo Khánh, vở “Hà Nội - thành phố của những ước mơ”, Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội.