Bế mạc Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV

- Thứ Ba, 17/11/2020, 18:06 - Chia sẻ
Chiều 17.11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội khóa XIV đã họp phiên bế mạc.

Tham dự Phiên bế mạc có: Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch Nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; các nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn...

Ảnh: Lâm Hiển
Ảnh: Lâm Hiển

Góp phần củng cố, nâng tầm vị thế đất nước trên trường quốc tế

Phát biểu tại Phiên bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, sau hai đợt làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội XIV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình với việc: thông qua 7 luật, 13 nghị quyết, cho ý kiến 4 dự án luật; xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, kiến nghị của cử tri, công tác tư pháp, công tác phòng, chống tham nhũng và nhiều báo cáo khác; góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. "Kỳ họp tiếp tục khẳng định rõ nét tinh thần đoàn kết dân tộc, khí thế, nghị lực, quyết tâm cao để đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn, nhanh chóng phục hồi kinh tế và phát triển bền vững", Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Các luật, dự thảo Nghị quyết đã được Quốc hội thảo luận, xem xét kỹ lưỡng, toàn diện, thận trọng và thông qua với tỷ lệ tán thành cao, cũng như tập trung cho ý kiến về những vấn đề quan trọng để có cơ sở tiếp tục hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp sau. Trong đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) do có sự chuẩn bị chu đáo, chất lượng, sự đồng thuận cao của ĐBQH nên đã được thông qua ngay tại kỳ họp này.

Những luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ Mười có ý nghĩa quan trọng, tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội và cuộc sống của người dân, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, giải quyết những bất cập, tháo gỡ khó khăn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và thực thi pháp luật trong nhiều lĩnh vực: bảo vệ môi trường; bảo đảm quyền công dân, quyền của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; phòng, chống ma túy; quản lý giao thông; quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh; khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế; bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội...

Qua thảo luận các báo cáo về công tác tư pháp; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; thi hành án; phòng, chống tham nhũng, Quốc hội cho rằng, năm 2020, công tác của ngành tòa án và kiểm sát, công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm đạt được những kết quả quan trọng; đánh giá cao sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng. Trên cơ sở đó, đã có nhiều kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, các cơ quan, tổ chức hữu quan các giải pháp, biện pháp thiết thực, khả thi nhằm đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, góp phần tích cực vào phát triển đất nước.

Theo Chủ tịch Quốc hội, thông qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội đã giám sát một cách toàn diện việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội đã nghe báo cáo về hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong năm Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA). Năm 2020, Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp năm Chủ tịch AIPA với điểm nhấn quan trọng là sự thành công của Đại hội đồng AIPA 41 bằng hình thức trực tuyến, nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của bạn bè và các đối tác trong khu vực. Kết quả này cùng với việc làm thực hiện tốt vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, Chủ tịch ASEAN đã góp phần củng cố và nâng tầm vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế.

Bên cạnh đó, tại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội đã thảo luận, góp ý các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Đa số ý kiến của ĐBQH thể hiện sự đồng thuận cao và cho rằng các dự thảo văn kiện đã được chuẩn bị bài bản, nghiêm túc, trách nhiệm, khoa học với cách làm dân chủ, cầu thị với nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, toàn diện, chất lượng, làm sâu sắc thêm nhiều nội dung và đề xuất các kiến nghị để tiếp tục hoàn thiện các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Quốc hội đã tiến hành công tác nhân sự bảo đảm chặt chẽ, đúng quy trình, thủ tục theo luật định và đạt được sự đồng thuận rất cao; quyết định ngày chủ nhật, 23.5.2021, là ngày bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026...

Phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, kế hoạch

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, bước sang năm 2021 - năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với nhiều thời cơ và vận hội mới. Đây là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, cũng là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Tuy nhiên, dự báo nước ta sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn.

Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành và kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần dân tộc, đoàn kết, đồng sức, đồng lòng, chủ động, trách nhiệm cao để thực hiện mục tiêu phòng, chống dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, kế hoạch, tạo nền tảng để bước vào giai đoạn phát triển mới; giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia, xây dựng môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước. Trước mắt,  Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục quan tâm, ủng hộ, chia sẻ, chung tay giúp đỡ đồng bào tại các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả bão, lũ, nhanh chóng ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các cấp, các ngành cần khẩn trương triển khai thực hiện các luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua, nhất là cần tích cực, chủ động rà soát, chuẩn bị các điều kiện để bảo đảm lộ trình thực hiện một số nội dung theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Luật Cư trú. Chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, vận động Nhân dân tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật; nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc ý kiến của ĐBQH, của cử tri và Nhân dân để có các giải pháp thiết thực, hiệu quả hơn.

Ngay sau bế mạc Kỳ họp này, các ĐBQH sẽ báo cáo kết quả kỳ họp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để kịp thời phản ánh, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan hữu quan và hoàn thành tốt hơn nữa trọng trách của người đại biểu Nhân dân từ nay đến hết nhiệm kỳ khóa XIV.

Ảnh: Trí Dũng
Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng với nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch Nước Trần Đức Lương tại Phiên bế mạc 
 
Ảnh: Trí Dũng
Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bên hành lang Quốc hội
Ảnh: Trí Dũng
Ảnh: Trí Dũng
Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng tại Phiên bế mạc 
Ảnh: Trí Dũng
Thanh Hải