Tham dự phiên bế mạc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long; Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng...
Cùng dự còn có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương; các nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Tăng cường phối hợp trong việc tập hợp Nhân dân, thực hiện dân chủ
Tại Đại hội, các đại biểu đã nghe Phó Thủ tướng Lê Thành Long thông tin về tình hình và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo đó, tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2024 đạt 5,7%, thuộc nhóm dẫn đầu thế giới và khu vực, được đánh giá là “điểm sáng” của kinh tế toàn cầu. Trong năm 2024, nền kinh tế phục hồi rõ nét, tốc độ tăng trưởng phấn đấu đạt và vượt 7%.
Công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật được chỉ đạo quyết liệt, với tinh thần cải cách, đổi mới. Trong 4 năm 2021 - 2024, đã ban hành 43 luật và 460 nghị định; Chính phủ đã tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ sở pháp lý để tạo môi trường thuận lợi cho thu hút đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Kết cấu hạ tầng được thúc đẩy mạnh mẽ; quy hoạch, kế hoạch quốc gia, vùng, ngành, lĩnh vực và quy hoạch cấp tỉnh được đẩy nhanh tiến độ; kinh tế số, chuyển đổi số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và Đề án 061 được triển khai tích cực. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người dân tiếp tục được nâng lên. Chính trị ổn định, độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai chủ động, đồng bộ, toàn diện, hiệu quả, không ngừng củng cố và nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.
Về công tác phối hợp giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Thủ tướng nêu rõ, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng không ngừng củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bám sát chỉ đạo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ, tập trung thực hiện Quy chế phối hợp với 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Thời gian tới, Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục tăng cường phối hợp trong việc tập hợp Nhân dân, thực hiện dân chủ, đồng thuận xã hội, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tăng cường phối hợp thực hiện và phát huy dân chủ; thực hiện hiệu quả chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân vùng đồng bào dân tộc, theo tôn giáo, người uy tín, tiêu biểu,… chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo.
Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với MTTQ Việt Nam các cấp trong xây dựng chính sách, pháp luật bảo đảm thực chất, hiệu quả; nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, phản hồi đầy đủ ý kiến phản biện, góp ý của MTTQ Việt Nam trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật. Hai bên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Đảng, Quốc hội thực hiện thành công Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và phối hợp tổ chức, vận động Nhân dân thực hiện thắng lợi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XVI và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.
Tiếp tục tạo chuyển biến trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo
Phát biểu về công tác phối hợp giữa Quốc hội và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận đã có nhiều nét đổi mới như: phối hợp tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề; lần đầu tiên Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thứ Năm; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết liên tịch số 525 về tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và xây dựng Nghị quyết liên tịch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần phát huy cao độ vai trò của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các Hội đồng tư vấn của Mặt trận trong công tác xây dựng pháp luật với tinh thần “từ sớm, từ xa”; đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng chuyển từ thiên về quản lý sang khuyến khích sáng tạo, khơi thông, phát huy các nguồn lực để phát triển. Tăng cường phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tổ chức tốt việc góp ý kiến, phản biện xã hội đối với các dự thảo luật. Hai cơ quan phối hợp khẩn trương tiếp thu chỉnh lý Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.
Đồng thời, tiếp tục cố gắng tạo chuyển biến trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, công tác tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân; tăng cường giám sát, đôn đốc các cơ quan, tổ chức tích cực giải quyết kiến nghị kịp thời, hợp lý, hợp tình.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Đoàn Chủ tịch tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong các hoạt động giám sát; xác định đúng, trúng các nội dung để đưa vào Chương trình giám sát hằng năm của mỗi bên; phân công đại diện tham gia hoạt động giám sát theo Chương trình giám sát của mỗi bên. Phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam tại 63 tỉnh, thành phố, phối hợp chặt chẽ với Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp; tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, phát huy tinh thần dân biết, dân bàn, dân kiểm tra.
Cùng đó, tiếp tục duy trì các hội nghị liên tịch; tăng cường chia sẻ thông tin hoạt động của mỗi bên và tăng cường phối hợp thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, công tác nhân sự, công tác đối ngoại Quốc hội với đối ngoại nhân dân của MTTQ Việt Nam. Các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tăng cường phối hợp, nâng cao chất lượng công tác tham mưu; chủ động đề xuất các chương trình nhằm đa dạng hóa các hoạt động phối hợp công tác.
Không ngừng củng cố sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
Tại phiên bế mạc, Đại hội đã nghe Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy báo cáo kết quả Hội nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ nhất khóa X, nhiệm kỳ 2024 – 2029. Theo đó, Hội nghị đã hiệp thương dân chủ cử 67 vị tham gia Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khuyết 5 vị sẽ kiện toàn trong nhiệm kỳ. Ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn MTTQ Việt Nam tiếp tục được tín nhiệm cao, hiệp thương cử giữ chức Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa X.
Đại hội cũng đã nghe báo cáo tổng hợp kết quả tham luận, thảo luận và ra mắt Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2024 - 2029; chia tay các vị không tiếp tục tham gia Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khoá X, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Phát biểu bế mạc Đại hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nêu rõ, sau gần 3 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm và hiệu quả, Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X đã hoàn thành chương trình đề ra và thành công rất tốt đẹp. Với tinh thần đoàn kết, dân chủ, đổi mới, sáng tạo, phát triển, Đại hội đã tập trung thảo luận và thông qua: Báo cáo chính trị của Đại hội; Báo cáo kiểm điểm hoạt động của Ủy ban, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024; nội dung sửa đổi, bổ sung Điều lệ MTTQ Việt Nam; thông qua đề án nhân sự và hiệp thương cử Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa X.
Đại hội đã có 110 ý kiến tham luận, và hàng chục ý kiến góp ý bằng văn bản bổ sung vào các văn kiện trình Đại hội. Đoàn Chủ tịch Đại hội đánh giá cao và ghi nhận tất cả những ý kiến tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm của đại biểu; giao Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa X chỉ đạo tiếp thu, bổ sung những ý kiến xác đáng để tổ chức thực hiện.
Với sự đồng thuận, thống nhất rất cao, Đại hội đã thông qua Nghị quyết của Đại hội, xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ của giai đoạn 2024 - 2029; xác định 10 chỉ tiêu cụ thể, 6 chương trình hành động và giao Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa X nghiên cứu tiếp thu, bổ sung những ý kiến và hoàn thiện, công bố, tổ chức thực hiện.
Từ diễn đàn của Đại hội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kêu gọi các giai cấp, giai tầng xã hội, các tầng lớp Nhân dân, đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, nhân sĩ trí thức, văn nghệ sĩ, doanh nhân, doanh nghiệp, người Việt Nam ở nước ngoài nêu cao hơn nữa tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, đóng góp trí tuệ, công sức để không ngừng củng cố, tăng cường truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại, đồng lòng, chung sức. “Đã bàn là thông, đã đi là đến, đã quyết cả nước một lòng dựng xây đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.