Bầy vịt rỉa lông

Ký của Mỹ Hằng 14/02/2018 11:14

(ĐBND Xuân Mậu Tuất)- Xác máy bay B52 nằm trên hồ Hữu Tiệp vẫn như một chứng nhân về Hà Nội 12 ngày đêm đau thương và hào hùng. 45 năm qua đi, lịch sử không phai mờ và chắc chắn vẫn là một chương không thể nào quên của mối quan hệ Việt - Mỹ, nhưng cuộc sống vẫn trôi đi với nhiều đổi thay...

Lịch sử không bị lãng quên

Trường của Tim con trai tôi, trường Ngọc Hà, nằm ngay bên hồ Hữu Tiệp (phường Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội), mọi người vẫn quen gọi một cách đơn giản là hồ B52. Gần đây chả hiểu ai thả vào hồ mấy con vịt, lần nào đi qua cũng thấy bọn vịt bơi tung tăng hoặc thản nhiên đậu trên xác máy bay rỉa lông, kiểu “cuộc đời tươi đẹp”.

Tim đi Bảo tàng Chiến thắng B52 theo trường về, hỏi: “Mẹ ơi, sao chiến dịch 12 ngày đêm lại gọi là Linebacker 2?”. Cậu bé 10 tuổi đặt câu hỏi đúng vào những ngày kỷ niệm 45 năm chiến dịch ném bom Giáng sinh theo cách gọi của người Mỹ. Còn với người Việt, trận “Điện Biên Phủ trên không” là những ngày bi hùng, vượt lên mọi tàn khốc của bom đạn nhưng cũng quá nhiều đau thương mất mát. Nghề báo đem lại cho tôi cơ hội được gặp những nhân chứng lịch sử của cả hai phía, nên tôi thấy mừng khi Tim quan tâm đến  lịch sử.

Tôi còn chưa kể với Tim, rằng tôi đã gặp 3 trong số 5 người trong kíp chiến đấu đã bắn chiếc B52 rơi xuống hồ Hữu Tiệp. Đó là kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 72 bộ đội tên lửa, Trung đoàn 285 Quân chủng Phòng không - Không quân. Trung tá Phạm Văn Chắt - nguyên Tiểu đoàn trưởng, ông Nguyễn Văn Xoang - nguyên Đại đội trưởng Đại đội 1 và ông Trương Đăng Khoa - trắc thủ phương vị, kể cho tôi: Đêm 27.12.1972, 36 B52 và 66 phản lực Mỹ tấn công Hà Nội. Hai con rồng lửa đỏ ngời mà kíp chiến đấu phóng đi đã xé đêm, bắn rơi chiếc B52 số 491 khi nó còn chưa kịp cắt bom xuống Thủ đô. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen ngợi đó là trận đánh B52 xuất sắc, còn Chủ tịch Nước Tôn Đức Thắng thưởng cho đơn vị một con bò để liên hoan.

Nhưng trước đó một đêm là vụ ném bom Khâm Thiên tàn khốc. Chiến dịch Linebacker 2 bắt đầu từ ngày 18.12.1972 nhằm hủy diệt Hà Nội, “đưa Bắc Việt về thời kỳ đồ đá”. Chính các tài liệu trong thư viện Tổng thống Richard Nixon cho biết: Trong thời gian ngắn ngủi 12 ngày đêm cuối năm 1972, không lực Mỹ đã ném nhiều bom xuống miền Bắc Việt Nam hơn cả những năm từ 1969 đến 1971 cộng lại. Theo con số của phía Việt Nam, Mỹ đã ném 100.000 tấn bom, còn theo sử gia Mỹ Geoffrey Ward, con số này là 36.000 tấn bom, làm chết 2.196 dân thường, 1.577 người bị thương. Riêng đêm 26.12, Mỹ huy động lượng máy bay ném bom lớn gấp 3 lần các đêm khác. Phố Khâm Thiên đông đúc đã bị B52 tàn phá trên chiều dài 1km, làm chết 287 người. Cả thế giới lên án sự tàn bạo và giả dối của Nixon và chính quyền Mỹ, còn ở Hà Nội, nhà thơ Lưu Quang Vũ ghi lại nỗi đau chung trong bài thơ “Khâm Thiên”: “... Tấm màn trắng xóa/ xé chia nhau chít vội lên đầu/ cả khu phố già đi hàng chục tuổi/ những bó hương bên đường nghi ngút khói/ những bó hương châm nát cả bầu trời...”. Bà ngoại Tim kể, một cô bạn của bà lúc đó là công nhân Nhà máy Dệt 8.3 đã mất trong trận bom Khâm Thiên, khi bới đống gạch vụn nát nơi từng là một ngôi nhà, chiếc đồng hồ trên tay cô dừng lại đúng thời khắc quả bom rơi xuống.

Bầy vịt rỉa lông ảnh 1

Những ngày kỷ niệm chiến dịch ném bom, đi qua Đài Tưởng niệm Khâm Thiên, mà trước đây từng gọi là Bia Căm thù, những dây đèn nhỏ màu vàng được chăng hai bên lối vào và trên hai cây đại trong sân. Mỗi bóng đèn như một ngọn nến nhỏ sáng lên tưởng nhớ các nạn nhân của trận bom rải thảm. Trong lễ dâng hương sáng 26.12.2017, giữa những người có tuổi có thể cũng là chứng nhân vụ ném bom, tôi thấy một bạn trẻ, có lẽ tầm tuổi sinh viên,  đứng rất lâu và khóc rất nhiều. Bạn ấy chắc chắn chỉ biết đến vụ ném bom Khâm Thiên qua lời kể của người khác, nhưng bạn ấy khóc đến mức tôi e ngại khi đặt câu hỏi, và tôi tin chắc chắn bạn ấy là một người tử tế.

Chứng nhân của Ted

 “Dù cuộc sống hàng ngày đang đầy biến động, thì đôi khi, nhìn bọn vịt trên xác máy bay, tôi vẫn nghĩ, đã có bao nhiêu thay đổi diễn ra thật diệu kỳ. Và luôn luôn,  cần một lời cảm ơn đất nước nơi tôi sống, vì nơi này có sự bình yên...”.

Tim con trai tôi lại thắc mắc tiếp, sao trong sách lúc thì viết là “Vietnam War” (Chiến tranh Việt Nam), lúc thì viết là “Resistansce War Against America” (Cuộc kháng chiến chống Mỹ). Không phải ai, kể cả người lớn, cũng thắc mắc thế. Bố mẹ Tim chỉ có thể giải thích ngắn gọn cho cậu bé rằng, đó là từ góc nhìn của người nói. Với người Việt, cho dù có rất nhiều tranh luận của các bên, nhưng sự thật chỉ có một: Đó là cuộc chiến đấu vì độc lập, tự do, không phải vì bất cứ điều gì khác, ngay cả nhiều sử gia và nhà quan sát từ Mỹ cũng đã phải thừa nhận điều đó. Hàng chục năm trôi qua, cuộc sống đã thay đổi rất nhiều với cả hai phía, chỉ cần những thế hệ sau này, như Tim, nhớ đến lịch sử.

Du khách nước ngoài thỉnh thoảng cũng ghé qua hồ B52, chắc là khách Mỹ, có khi chỉ vài ba bạn  thanh niên, có khi một đoàn sinh viên, có khi một hoặc vài ông bà già - rất có thể có ai trong số các ông già ấy là cựu binh trong cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.

Ted, một nhiếp ảnh gia người Mỹ, cựu binh, từng ngồi trên máy bay của quân đội Mỹ chụp ảnh việc rải chất da cam xuống Việt Nam, lần nào đến Hà Nội cũng ra hồ Ngọc Hà, hay hồ B52 chụp ảnh. Gần 20 năm trước, sang lần đầu tiên, Ted chụp bọn trẻ con ở làng Ngọc Hà chơi cạnh hồ. Bọn trẻ con ngày ấy thấy ông Tây chụp ảnh, có đứa hào hứng lắm, có đứa rụt rè. Trong số đó có hai anh em ruột chừng 7 - 8 tuổi. Năm sau Ted trở lại, ông giở bức ảnh ra và người dân gần hồ dẫn ông tìm lại cô bé và cậu bé trong ảnh. Nhà các em ngay gần đó.

Từ đó, mỗi lần sang, ông lại vào làng Ngọc Hà, với vốn tiếng Việt ít ỏi, tìm hai anh em, và hẹn họ để ông chụp ảnh. Có lúc trong làng làm lại đường, nhà cửa thay đổi, Ted không nhận ra. Nhưng ông, từ nửa vòng Trái đất, trong những khoảnh khắc nhất định, đã chứng kiến họ lớn dần lên. Những bức ảnh đó là một phần trong kho ảnh về Việt Nam mà Ted mang triển lãm nhiều nơi ở nước Mỹ.

12 năm trước, trong một sự kiện, tôi gặp Ted lần đầu, rồi đi cùng ông vào làng và giúp ông nói chuyện với hai anh em, khi đó đã trưởng thành và đi làm. Gia đình họ lúc đó đang sửa nhà, có bức tường vẫn còn chưa trát. Mỗi lần sang, Ted lại gọi nhờ tôi dẫn vào làng, nên tôi cũng nhìn thấy chút ít thay đổi của gia đình và hai anh em nhân vật của Ted. Tôi nhận ra nhà mới của họ ngày càng khang trang. Lúc đầu một căn, năm sau là căn bên cạnh cho gia đình người anh lớn nhất, không có trong ảnh. Cũng khoảng thời gian đó cậu anh trong ảnh lấy vợ, rồi sinh con. Từ đó Ted đến thì trong ảnh của Ted không chỉ có hai anh em, mẹ của họ, mà cả gia đình của cậu anh.

Có lẽ ba năm nay Ted không sang Việt Nam. Tôi đi chợ Chùa trong làng Ngọc Hà, lâu lâu gặp bà mẹ. Mới tháng trước, bà thông báo cô em đã lấy chồng và cũng đã có con rồi. Thật mừng quá, các nhân vật của Ted đều yên ổn, đầm ấm. Thế là những bức ảnh của Ted sẽ có thêm một thế hệ nhân vật nữa.

Cái hồ cũng đã được tôn tạo lại từ lâu, xây kè, làm đường sạch sẽ quanh hồ, dựng bia ghi chép lịch sử, gần đây lại còn mắc đèn buổi tối cho cây đa ở góc hồ, và thả vịt. Lại còn có cả một cái cây gì đó xanh rì mọc lên từ đống xác máy bay.

Quanh hồ, một bên buổi sáng buổi chiều trẻ con đi học tưng bừng, bố mẹ đưa đón kín đường. Bên kia buổi sáng chợ cóc họp lao xao, cá tươi lách chách, rau củ quả đủ sắc màu.

Du khách nước ngoài vẫn vào chụp ảnh và ghi chép.

Dù cuộc sống hàng ngày đang đầy biến động, thì đôi khi, nhìn bọn vịt trên xác máy bay, tôi vẫn nghĩ, đã có bao nhiêu thay đổi diễn ra thật diệu kỳ. Và luôn luôn, cần một lời cảm ơn đất nước nơi tôi sống, vì nơi này có sự bình yên.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bầy vịt rỉa lông
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO