Bay cùng cánh chim
An Bình, cái tên gợi nét yên ả của vùng Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh), đô thành cổ thời Bắc thuộc. Mùa xuân cấy hái xong là bắt đầu mùa thả chim hội. Chim quần tụ theo đàn luyện sẵn chờ ngày đi thi. Những vòng tròn chim bay cao dần lên tít tắp là tín hiệu bình yên của quê hương.
|
Xã An Bình chủ yếu gồm làng Việt cổ Bình Ngô (năm thôn) và làng nhỏ Bưởi Cuốc (một thôn) hợp thành. Đây là vùng đất hiếu học tiêu biểu với hai trạng nguyên, bốn tiến sĩ và nhiều cử nhân, tú tài. Theo quan niệm dân gian, việc chơi chim sẽ đem lại sự thành đạt và những điều tốt lành cho con cháu.
Khi có gió đông nam nổi lên là mùa thả chim. Thú chơi chim ở An Bình có từ lâu đời, được sách Địa chí Hà Bắc ghi lại đây là một trung tâm chơi chim cổ xưa, quy củ nhất. Thời trước cụ Nguyễn Hữu Phát nổi tiếng về chơi chim, thường xuyên duy trì vài chục đàn (một đàn chim đủ tiêu chuẩn đi thi là mười con). Đàn chim đi thi được giải cao phải đạt tiêu chuẩn quần tụ thành vòng tròn bay thẳng đứng từ thấp lên cao. Để đạt được điều đó, người chơi chim ngoài chọn được giống tốt còn phải rất sành việc ghép đàn và luyện chim. Do vậy phải nuôi vượt số lượng một đàn đi thi để chọn lọc và bổ sung nếu khi thả bị thất lạc. Dân địa phương thường có câu chuyện vui “nịnh vợ” của người chơi chim hội. Đó là vào ngày mùa thì rất chăm sàng sảy rơm ruông gằn lấy thóc cái phơi phóng để dành cho chim. Mùa thu hoạch đỗ thì dặn cấm phơi đỗ ban trưa kẻo chim ăn nhiều trương cổ chết. Thực ra đó là món bổ dưỡng bậc nhất, sợ chim ăn nhiều bà chủ xót ruột ca cẩm mà thôi. Trước khi đi thi người chủ phải ghép đàn. Người có kinh nghiệm nhìn mắt nhìn cánh và tuổi chim để ghép thành đàn chuẩn. Sau đó phải luyện chim. Ban đầu đàn chim được cho vào lồng thả ở ngay sân nhà mình. Sau đó hô con cháu cùng vỗ tay cho chim bay cao lên. Vài ngày sau đem lồng chim thả ở đầu làng rồi xa dần ra ngoài đồng. Chim được luyện bay để hợp đàn và nhớ vật chuẩn định hướng về nhà. Đàn chim bay tròn, chụm, cao là thú vui của người có tài ghép và luyện chim. Giải thưởng không cao nhưng lãi về mặt kinh tế của người chơi chim là việc bán giống. Đàn chim nào được giải cao hẳn sau đó người chủ liên tục bận rộn tiếp khách tìm đến nằn nì mua chim non. Ai cũng muốn có một đôi chim tốt làm “thủ lĩnh” cho đàn chim nhà mình. Câu “nghề chơi cũng lắm công phu” rất hợp với thú chơi chim. Do chim được luyện tại nhà nên người chơi chim có một luật định là nơi tổ chức hội thi không được tham dự, tránh câu lợi thế sân nhà. Người chơi chim phải gánh lồng chim đi khắp hàng phủ dự thi. Mỗi cuộc thi có hàng trăm đàn dự. Nội việc chờ đến lượt thả chim cũng đủ sốt ruột rồi. Thả chim xong lại sốt ruột chờ chim bay về. Tuy chim bay cao sẽ nhận ra vật chuẩn bay về nhưng vẫn còn nhiều yếu tố ngăn trở, đó là bị chim cắt đánh, gặp gió to, gió tây, bị đàn chim khác nhập vào, kể cả bị con người dùng súng bắn. Chừng nào chim chưa về đủ là còn mất ăn mất ngủ, ra trông vào ngóng.
Địa phương tổ chức hội chim bay sẽ làm trọng tài. Người ta tổ chức bốc thăm cho từng đàn chim để biết thứ tự thả trước sau. Nơi thả là nơi tổ chức lễ hội. Có đại diện ban tổ chức phát lệnh thả cho từng đàn, có gióng trống thúc giục chim bay. Còn bộ phận trọng tài ở một nơi khác kín đáo, nội bất xuất ngoại bất nhập, đảm bảo sự khách quan. Người ta dùng nhiều chậu nước để quan sát chim bay cho khỏi chói mắt và không mỏi cổ. Những đàn nào phạm lỗi bị loại thì không theo dõi nữa. Những lỗi bị loại là bay không chụm, lạc chim, bị chim đàn khác nhập vào, bị mây đen bay đến che mất tầm nhìn hoặc bay không cao. Những điều này nằm ngoài tầm tay của người huấn luyện. Người chơi biết mình kém tài có thể xin thả trước để ăn giải lèo động viên của ban tổ chức. Một số đàn chim tốt nhưng vẫn có thể không may mất giải do yếu tố khách quan. Một số đàn chim kém có thể vẫn ăn giải do bất ngờ có mây. Còn nói chung, với đàn chim tốt, trời trong thì người xem cũng thú. Chúng bay tròn, chụm ngay từ dưới thấp, càng lên cao càng tròn như một chấm nhỏ trong chậu nước.
Năm 1990 kỷ niệm 100 năm ngày sinh Bác Hồ, Trung tâm phương pháp câu lạc bộ Trung ương phối hợp với huyện Gia Lương tổ chức Hội thi chim ở thị trấn Thứa (nay thuộc huyện Lương Tài), cả hai giải nhất nhì đều thuộc về An Bình, đàn chim của ông Nguyễn Đăng Thân đoạt giải nhất, đàn chim của ông Đỗ Viết Phi giật giải nhì, đủ thấy truyền thống chơi chim bay lâu đời của người An Bình.
Xuân này lại một mùa thả chim mới ở An Bình. Chỉ là một vùng quê thuần nông nhưng hiếm có nơi nào “chịu chơi” như nơi đây.
Và quê hương vẫn rợp cánh chim gióng lên sự bình yên, đầm ấm.