Bầu cử tổng thống Mỹ và văn hóa thừa nhận thất bại

- Thứ Tư, 18/11/2020, 06:56 - Chia sẻ
Trong lịch sử nước Mỹ, không có ứng cử viên tổng thống hiện đại nào từ chối thừa nhận thất bại. Thực tế, bài phát biểu chính thức nhận thua trước đối thủ đóng vai trò quan trọng ngay cả trong những cuộc bầu cử gây chia rẽ nhất, từ thời Nội chiến cho tới cuộc bầu cử đầy tranh cãi giữa ông George W. Bush và ông Al Gore năm 2000.

Bài học từ lịch sử

Theo National Geographic, chưa từng có ứng cử viên tổng thống nào từ chối thừa nhận thất bại sau khi tất cả phiếu bầu đã được kiểm và các thách thức pháp lý được giải quyết. Việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình trở thành chuẩn mực kể từ năm 1800, khi vị tổng thống thứ hai John Adams trở thành người đầu tiên thua trong nỗ lực tái đắc cử và lặng lẽ rời Washington, D.C., trên một chiếc xe ngựa vào sáng sớm để tránh tham dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm Thomas Jefferson.

Bức ảnh chúc mừng đối thủ từ ứng cử viên đảng Dân chủ William Jennings Bryan năm 1896 được coi là sự thừa nhận thất bại công khai đầu tiên trong bầu cử tổng thống Mỹ
Nguồn: ITN

Ông John R. Vile, Trưởng khoa Khoa học chính trị tại Đại học Middle Tennessee ở Murfreesboro, người từng viết về lịch sử các bài phát biểu thừa nhận thất bại, cho biết một số ứng cử viên tổng thống thời kỳ đầu đã gửi thư chúc mừng đến đối thủ. Nhưng nhượng bộ chính thức không trở thành phong tục cho đến năm 1896, khi ứng cử viên đảng Cộng hòa William McKinley đánh bại ứng cử viên đảng Dân chủ William Jennings Bryan.

Trong cuốn hồi ký sau này của mình, Bryan viết rằng ông bắt đầu cam chịu thất bại trước 11 giờ tối vào đêm bầu cử và khả năng chấp nhận ra đi tăng lên trong những ngày tiếp theo khi các bang hoàn thành quá trình kiểm phiếu. Vào tối thứ năm, biết rằng mình chắc chắn thất cử, ông đã ngay lập tức gửi bức điện chúc mừng đối thủ McKinley, và nói rõ: “Chúng ta đã đưa ra vấn đề cho người dân Mỹ và ý chí của họ chính là luật pháp”.

Cùng với đó, một phong tục đã ra đời, từng khiến chính Bryan rất hoang mang vì ông coi đó đơn giản là việc lịch sự nên làm. Ông viết: “Việc trao đổi thông điệp này đã được nhiều người bình luận vào thời điểm đó, nhưng tại sao nó lại được coi là phi thường thì tôi không biết”. “Chúng tôi không chiến đấu với nhau, nhưng đứng với tư cách là đại diện của các ý tưởng chính trị khác nhau để mọi người lựa chọn”.

Kể từ đó, những ứng cử viên thua cuộc luôn nhượng bộ và thừa nhận thất bại trước đối thủ của họ, ngay cả những tổng thống đương nhiệm. Ví dụ, năm 1912, Tổng thống William Howard Taft của đảng Cộng hòa thừa nhận thua trước ứng cử viên đảng Dân chủ Woodrow Wilson lúc 11 giờ đêm bầu cử, trong khi năm 1932, Tổng thống Herbert Hoover đương nhiệm của Đảng Cộng hòa, cũng đã gửi điện chúc mừng tới ứng cử viên đảng viên Dân chủ Franklin Delano Roosevelt một ngày sau khi vị Thống đốc New York giành chiến thắng. Ông Hoover thậm chí cam kết sẽ nỗ lực cống hiến hữu ích, cho dù sau đó ông trở thành người chỉ trích mạnh mẽ các chính sách của Tổng thống Roosevelt.

Năm 1960, Phó Tổng thống đảng Cộng hòa Nixon đánh dấu thất bại của mình trước ứng viên đảng Dân chủ John F. Kennedy khi trong vai trò Chủ tịch Thượng viện, ông kiểm đếm và xác nhận số phiếu đại cử tri. Mặc dù bang Hawaii đã gửi hai bộ phiếu bầu sau khi kết quả của bang gây tranh cãi một thời gian ngắn, ông Nixon đã yêu cầu và nhận được sự nhất trí để tính số phiếu đại cử tri của bang này cho đối thủ của mình vì chúng sẽ không thay đổi kết quả cuộc bầu cử.

Ông Vile đánh giá:  “Tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể có một ví dụ hùng hồn hơn về tính ổn định của hệ thống Hiến pháp và truyền thống đáng tự hào của người Mỹ về phát triển, tôn trọng và tôn vinh các thể chế”, thậm chí khi ai đó đã thất bại.

Trong khi đó, ứng cử viên đầu tiên đọc phát biểu thừa nhận thất bại trên truyền hình là ông Adlai Stevenson, năm 1952, sau khi để thua ứng cử viên phe Cộng hòa Dwight D. Eisenhower. Kể từ đó, nó đã trở thành thông lệ tiêu chuẩn, mặc dù một cuộc điện thoại riêng thường được thực hiện trước, khi người thua cuộc chúc mừng người chiến thắng.

Nếu tổng thống không nhượng bộ?

Do thừa nhận thất bại không phải là một phần chính thức của quá trình bầu cử, nên sẽ không có hậu quả pháp lý nếu một ứng cử viên tổng thống như đương kim ông chủ Nhà Trắng Donald Trump từ chối nhượng bộ. Và từ chối nhận thua không có nghĩa là cuộc bầu cử sẽ lơ lửng mãi. Nếu một ứng cử viên thách thức kết quả bầu cử, sẽ có một quy trình chính thức với thời hạn ấn định mà đỉnh điểm là chứng nhận kết quả chính thức từ Quốc hội. Lúc đó, dù có thừa nhận hay không, người thua cuộc vẫn phải công nhận người chiến thắng. Năm nay, các tiểu bang phải giải quyết mọi tranh chấp trước ngày 8.12 để Đại cử tri đoàn có thể nhóm họp và bỏ phiếu chứng nhận kết quả bầu cử tổng thống tại các địa điểm do cơ quan lập pháp từng bang chỉ định vào ngày 14.12.

Một khả năng khác tuy xa xôi nhưng cũng có thể xảy ra là ứng cử viên thua cuộc có thể từ chối chấp nhận chứng nhận đó. Điều này sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng Hiến pháp, hoặc tổng thống đương nhiệm từ chối rời Nhà Trắng. Chiến dịch của ông Biden đã giải quyết vấn đề thứ hai bằng tuyên bố “Chính phủ Mỹ hoàn toàn có khả năng hộ tống những kẻ xâm phạm ra khỏi Nhà Trắng”.

Nhưng ông Vile lập luận rằng, vấn đề quan trọng đối với các ứng cử viên tổng thống là phải nhượng bộ ngay cả khi điều đó không có hậu quả pháp lý, bởi vì lời nói rất quan trọng. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn bầu cử được thiết lập từng giúp củng cố nền dân chủ của Mỹ ngay cả giữa những cuộc bầu cử hỗn loạn và chia rẽ nhất.

Còn theo nhà sử học Robert Dallek, bài phát biểu của người thua cuộc thể hiện sự tôn trọng kết quả bầu cử không phải là vấn đề nhỏ, bởi chúng “thể hiện sự tiếp tục cam kết đối với quá trình chuyển đổi quyền lực một cách hòa bình”. Ngoài ra, các thông điệp còn gửi “tín hiệu quan trọng đến những người ủng hộ, rằng họ phải cùng với ứng cử viên chấp nhận thua cuộc”. Hầu hết nội dung phát biểu ngoài thừa nhận thất bại, chúc mừng người chiến thắng, còn kêu gọi đất nước thống nhất, đoàn kết vì lợi ích chung.

Ngọc Minh