Bầu cử Tổng thống Mỹ 2016: Sẽ có Bush đệ tam?
Năm ngoái, cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ Barbara Bush, người được mệnh danh là nội tướng của gia đình Bush, tuyên bố “đã quá đủ con cháu Bush” trong Nhà Trắng. Tuyên bố này khi đó được coi là lời khẳng định gián tiếp rằng họ Bush sẽ đứng ngoài cuộc đua năm 2016 tới. Tuy nhiên, người con trai thứ Jeb Bush mới đây đã thổi bùng lên những đồn đoán về sự trở lại của vương triều Bush.
![]() Cựu Tổng thống George Bush (Bush cha), George W. Bush (Bush con) và Jeb Bush, người có khả năng tranh cử Tống thống Mỹ năm 2016 |
Trong một sự kiện hồi đầu tháng 4, vị thống đốc bang Florida rất được lòng dân này đã gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng cuối năm nay, ông sẽ có quyết định chính thức về việc có tranh cử Tổng thống hay không. Là con trai thứ hai của cựu Tổng thống George Bush (Bush cha) và em trai của cựu Tổng thống George W.Bush (Bush con), Jeb được đánh giá là chính trị gia xuất chúng. Ông hiện đang đảm nhiệm nhiệm kỳ thống đốc thứ hai liên tiếp tại Florida với nhiều thành công và sự tín nhiệm của người dân. Chính khách này mang trong mình những tố chất chính trị gia bẩm sinh và sự tinh nhạy với thời cuộc, điều mà nhiều chính khách bảo thủ của Cộng hòa còn thiếu. Cùng với việc Thống đốc Bang New Jersey Chris Christie vướng vào vụ bê bối, Jeb Bush bất ngờ nổi lên với tư cách là chính khách Cộng hòa hàng đầu theo đường lối trung dung.
Theo Jeb Bush, những người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ là những người đáng thương khi họ tìm tới nước Mỹ để nuôi sống gia đình mình - một lý do mà ông cho là khá chính đáng. Ông nhấn mạnh: “Họ đã vi phạm pháp luật - điều đó là không cần bàn cãi. Song, đó không phải là một tội ác nghiêm trọng mà là hành động xuất phát từ tình yêu thương”. Những tư tưởng này có thể nói là khá mới mẻ với một Cộng hòa bảo thủ, diều hâu và cực đoan. Phát biểu này đã hâm nóng các phòng trà Washington, nơi mà vị thống đốc 61 tuổi này đang bị những cái đầu lạnh của Cộng hòa đặt lên bàn cân. Các nghị sỹ ngưỡng mộ Jeb về sự quảng giao và mạng lưới chính trị của ông, ngầm đánh giá rằng ông sẽ là nhân vật tiên phong cho những người Cộng hòa ôn hòa và các nghị sỹ độc lập.
Trong khi những nhân vật Cộng hòa bảo thủ đến tận gốc rễ như Thượng nghị sỹ Ted Cruz, một ứng cử viên tiềm tàng của đảng Con Voi cho rằng đại diện của họ trong cuộc đua vào Nhà Trắng tới đây phải là nhân vật bảo thủ cực đoan, thì Jeb được coi là nhân vật ở giữa. Ông khuyến khích các thể chế thận trọng với các chính sách tài chính trong khi có phần quay lưng với những người Cộng hòa chính thống trong các vấn đề như nhập cư và ủng hộ các tiêu chuẩn giáo dục quốc gia mà phe cánh hữu ủng hộ. Hiện Jeb đang tìm kiếm tầm nhìn rộng lớn hơn của Cộng hòa đối với cuộc bầu cử, thay vì chỉ nhấn vào một điểm. Ông tuyên bố sẽ không đòi hỏi sự thuần nhất về hệ tư tưởng có thể củng cố nền tảng của đảng nhưng mang tính quyết định đối vớái Cộng hòa trong các cuộc bầu cử trên phạm vi toàn quốc.
Theo Steffen Schmidt, giáo sư chuyên ngành chính trị thuộc Đại học Bang Iowa, Jeb Bush đã bất ngờ tỏ ý quan tâm tới cuộc bầu cử Tổng thống tới đây và thu hút được sự chú ý của công luận. Thượng nghị sỹ Cộng hòa Lindsey Graham tuyên bố, Jeb là một ứng cử viên có sức hút. Trong khi đó, Thượng nghị sỹ John McCain, ứng cử viên đảng Cộng hòa trong cuộc đua 2008, đánh giá Jeb đang tìm kiếm một cuộc cải cách đối với chính sách nhập cư sau khi anh trai George W. Bush va đầu vào những chỉ trích liên quan tới vấn đề này trong suốt hai nhiệm kỳ 2000 - 2008. Chính khách này cũng bày tỏ sự kính trọng đối với Jeb, người ông đánh giá là rất có tiềm năng.
Tuy nhiên, giáo sư Schmidt lưu ý rằng Jeb Bush sẽ phải đối mặt với các nhân vật bảo thủ kỳ cựu như Mike Huckabee và Rick Santorum, những người đã tranh cử năm 2012 và có triển vọng đề cử cao. Đây cũng là những đối thủ đối với ông Mitt Romney - người đã giành tấm vé của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử cách đây hai năm. Và nếu lựa chọn đi tiếp, Jeb sẽ phải đối mặt với các cuộc bầu cử sơ bộ vào đầu năm 2016. Giáo sư Wendy Schiller đến từ Đại học Brown cho rằng Jeb có thể nổi tiếng tại Mỹ và được giới truyền thông ưu ái, nhưng tất cả sẽ vô nghĩa nếu không thể giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử sơ bộ tại các bang chủ chốt như Iowa, New Hampshire hay Nam Carolina, là bang nhà của các đối thủ trên.
Ngoài ra, đảng Trà vốn ủng hộ cắt giảm chi tiêu công và những người theo đường lối Tự do phản đối các cuộc phiêu lưu quân sự - là những đối tượng không ưa gì nhà Bush, đặc biệt sau hai nhiệm kỳ sặc mùi thuốc súng và nợ nần của George W.Bush. Nói cách khác, Jeb có thể phải đối mặt với thách thức từ chính dòng họ nổi tiếng của mình. Trong nhiều trường hợp, dòng họ Bush là biểu trưng cho sự thành công của người Cộng hòa. Nhưng đây cũng chính là gót chân Achilles của Jeb vì Bush từng có thời là biểu trưng cho học thuyết bảo thủ mới lái buôn chiến tranh.
Trong bối cảnh Hillary Clinton, cựu Ngoại trưởng và cựu đệ nhất phu nhân Mỹ cũng đang nuôi mộng trở thành nữ chủ nhân đầu tiên của Nhà Trắng, đã bắt đầu xuất hiện ý tưởng về cuộc đua song mã Bush -Clinton thứ hai.