BẦU CỬ QUỐC HỘI ĐỨC: Hệ thống bầu cử hỗn hợp
Hệ thống bầu cử hiện hành của Cộng hòa Liên bang Đức là sự kết hợp giữa chế độ bầu cử theo đại diện tỷ lệ với các yếu tố của hệ thống bầu cử theo đa số trong việc phân chia ghế ở Quốc hội. Hệ thống hỗn hợp này nhằm dung hòa và phát huy ưu điểm của các phương pháp bầu cử.

Theo hệ thống bầu cử, mỗi cử tri có hai lá phiếu: lá phiếu thứ nhất dùng để bầu nghị sỹ Quốc hội theo danh sách ứng cử viên ở một đơn vị bầu cử. Người trúng cử là ứng cử viên giành được nhiều phiếu nhất (đa số tương đối). Lá phiếu thứ hai dùng để bầu cho đảng chính trị theo danh sách các đảng chính trị của bang. Cử tri không nhất thiết phải sử dụng lá phiếu thứ hai để bầu cho đảng chính trị có đảng viên là ứng cử viên nghị sỹ Quốc hội liên bang ở đơn vị bầu cử mà mình đó lựa chọn.
Tỷ lệ số ghế phân chia cho các đảng chính trị đại diện trong Quốc hội được xác định trên cơ sở số lượng lá phiếu thứ hai mà các đảng dành được trong cuộc bầu cử. Có nghĩa là cử tri quyết định số lượng nghị sỹ Quốc hội đại diện cho các đảng chính trị trong Quốc hội.

Số lượng ứng cử viên nghị sỹ Quốc hội của một đảng trúng cử ở một đơn vị bầu cử có thể nhiều hơn số lượng ghế phân chia cho đảng đó theo số lượng lá phiếu thứ hai mà đảng dành được trong cuộc bầu cử. Trong trường hợp này, những người trúng cử của đảng này vẫn là nghị sỹ Quốc hội. Như vậy, số lượng nghị sỹ Quốc hội nhiều hơn, (berhangsmandate) làm tăng tổng số nghị sỹ Quốc hội trong nhiệm kỳ Quốc hội đó.
Do chế độ bầu cử hỗn hợp thường tạo điều kiện cho các đảng nhỏ có ghế trong Quốc hội, nên luật pháp bầu cử Đức có thêm quy định để hạn chế những đảng quá nhỏ. Cụ thể, để có ghế trong cơ quan lập pháp bang, đảng đó phải nhận được ít nhất là 5% số lượng lá phiếu thứ hai hợp lệ (phiếu bầu theo đại diện tỷ lệ) hoặc giành được một ghế ở ít nhất là 3 đơn vị bầu cử (với cách thức bầu cử theo đa số). Theo Tòa án Hiến pháp liên bang, quy định này là hợp lý nhằm hạn chế việc có quá nhiều đảng chính trị trong Quốc hội và bảo đảm năng lực làm việc của Quốc hội cũng như khuyến khích có được chính phủ với đa số nghị sỹ ổn định ủng hộ ở Quốc hội.

Việc kết hợp giữa chế độ bầu cử đại diện và chế độ bầu cử đa số đã giúp phát huy ưu thế và hạn chế nhược điểm của cả hai hình thức bầu cử này. Đối với bầu cử đa số, cử tri trực tiếp bầu ra các nghị sỹ và ai giành được nhiều phiếu nhất thì trúng cử. Nguyên tắc này có ưu điểm là cuộc tuyển cử luôn có kết quả, nhưng lại có nhược điểm là đôi lúc không thể hiện được ý chí của cử tri, bởi do giành được đa số phiếu tương đối (tức là số phiếu cao nhất mà không cần quá bán) nên người trúng cử đôi khi vẫn không phải do đa số cử tri bầu ra. Trong khi đó, chế độ bầu cử theo đại diện tỷ lệ lại có ưu điểm là tạo điều kiện cho các đảng nhỏ có đại diện trong nghị viện, tuy nhiên, lại có hạn chế là cử tri bỏ phiếu cho đảng phái mà mình ủng hộ chứ không bỏ phiếu cho ứng cử viên cụ thể. Bởi vậy, việc phân ghế đại biểu mà đảng thu được do các quan chức lãnh đạo đảng quyết định, điều đó dẫn đến sự hạn chế vai trò của nghị sỹ vì các nghị sỹ này không do dân trực tiếp lựa chọn, và hạn chế việc thể hiện nguyện vọng của cử tri, vì các nghị sỹ do đảng lựa chọn sẽ phải ưu tiên hoạt động theo cương lĩnh chính trị của đảng.
Nguyên tắc bầu cử Các nghị sỹ của Quốc hội Đức được bầu theo nguyên tắc: phổ thông, trực tiếp, tự do, bình đẳng và bí mật. Phổ thông có nghĩa là các công dân từ tròn 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử. Trực tiếp có nghĩa là các cử tri trực tiếp bỏ phiếu cho các ứng cử viên để bầu nghị sỹ Quốc hội liên bang; việc gián tiếp bầu nghị sỹ Quốc hội liên bang là vi hiến. Tự do có nghĩa là không được ai gây áp lực dưới bất kỳ hình thức nào đối với cử tri trong quá trình bầu cử, bỏ phiếu. Bình đẳng có nghĩa là mỗi lá phiếu về nguyên tắc có giá trị như nhau trong việc bầu và đánh giá kết quả bầu cử. Bí mật có nghĩa là không một ai được phép biết người khác đã bầu như thế nào, trừ trường hợp cử tri tự nói ra điều đó. |