Bắt tay đúng cách
Hai người - có thể thân quen, có thể xa lạ - gặp nhau, muốn thể hiện mối thịnh tình, quý hóa, trân trọng nhau, người ta thường chìa tay ra bắt người đối diện. Ắt là phải có người giơ tay ra trước và người kia tiếp lấy, chứ ít khi cùng một lúc. Vậy ai giơ tay ra trước và ai tiếp lấy?
Một bạn trẻ gặp lại thầy giáo cũ, anh vồn vã chủ động đưa tay ra bắt, kèm câu chào nồng nhiệt. Vừa nói, bàn tay anh ta vẫn nắm chặt tay ông thầy và tiếp tục xiết, rung mà không buông ra. Không biết người thầy khả kính có nhận ra anh chàng học trò cũ hay không mà có vẻ hơi lúng túng và ít nhiều gượng gạo khi được (hay bị?) xiết chặt tay quá mức cần thiết? Hay một nhân viên thấy sếp của mình cũng có mặt trong cuộc gặp mặt, bèn tiến đến chủ động bắt tay khi sếp đang ngồi hàn huyên cùng những người bạn của mình. Sếp miễn cưỡng tiếp lấy bàn tay của cậu nhân viên không mấy mặn mà. Một người đàn ông gặp lại người quen là phụ nữ. Kèm những lời nói đầy sự tán dương, ông giơ tay ra bắt và cũng xiết chặt, chị thoáng chút nhăn mặt, nhưng vẫn gượng cười…
Trong chuẩn mực giao tiếp, bao giờ khi gặp nhau, người dưới cũng để người trên chủ động giơ tay ra bắt tay mình chứ không phải ngược lại như hai chàng trai trẻ ở trên. Còn giữa nam và nữ, nếu sự chênh lệch về tuổi tác không nhiều thì người nam phải nhường quyền bắt tay cho người nữ, trừ khi nữ là một cô gái, nam là một bậc cao niên đáng tuổi cha, chú. Với phụ nữ, không thể vì quý hóa mà cứ “hồn nhiên” xiết chặt tay khiến họ có thể bị đau như trường hợp thứ ba nói trên.
![]() |
Nói về thứ bậc trên - dưới trong các mối quan hệ, thì cứ người nhiều tuổi hơn được coi là bề trên. Nhưng đó là “nói chung”. Còn trong những bối cảnh cụ thể lại khác, chứ không theo tuổi tác. Ví như trong cơ quan, tổ chức thì phụ thuộc vào vị trí, thứ bậc (trưởng phải trên phó, nhân viên phải dưới sếp, sếp cấp dưới phải dưới sếp cấp trên…). Trong quan hệ họ hàng thì theo ngôi thứ, mặc dù có thể em lớn tuổi hơn anh, chị; cháu nhiều tuổi hơn chú… Người lịch sự phải biết điều này để ứng xử trong việc bắt tay chứ không thể tùy tiện, lộn xộn như ba trường hợp kể trên. Khi người bề dưới được người bề trên giơ tay ra bắt, thì nếu muốn thể hiện sự tôn kính đặc biệt hãy tiếp lấy tay họ bằng cả hai tay của mình và để họ chủ động xử lý việc nắm lâu hay chóng, xiết chặt hay không.
Một chi tiết không thể không nói khi bắt tay là người ta chìa tay nào thì mình phải chìa tay nấy (phải hoặc trái) ra bắt. Sẽ rất kém lịch sự nếu người được bắt tay giơ tay ngược với người bắt.
Mới hay một động thái phổ biến trong phép giao tiếp nhưng không phải ai cũng nắm được một cách chuẩn mực.