Bất hợp lý giữa thu nhập và giá nhà ở
Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu thành phố Hà Nội kiểm tra về tình trạng biệt thự, nhà liền kề có giá triệu USD bị bỏ hoang để có biện pháp xử lý và báo cáo với Chính phủ trước ngày 15.2 tới. Qua sự việc này, người ta giật mình vì nhiều lẽ, trong đó có những người quá giàu và lãng phí khi bỏ quên cả hàng chục tỷ đồng kiểu như thế. Trong khi gần như toàn bộ những người làm công ăn lương thì không thể mua nổi 1 căn hộ, hoặc 1 mảnh đất nhỏ để ở nếu chỉ trông vào lương.
![]() |
Nguồn: batdongsan.dov.vn |
Với thời giá bây giờ, một chung cư tầm tầm hạng trung ít nhất cũng từ khoảng 1,2 - 1,8 tỷ đồng. Và theo tính toán, với mức thu nhập của một công chức bình thường chỉ ước chừng 4 - 5 triệu/tháng thì có tiết kiệm cả mấy chục năm, không ăn tiêu thì mới dám mơ mua được 1 căn hộ. Đấy là chuyện chung cư, còn mua đất để xây nhà thì điều này dường như quá xa vời và gần như không thể nếu chỉ trông vào lương. Một quan chức của Bộ Xây dựng đã phải thốt lên, nếu thu nhập thấp, đừng mơ có nhà ở Hà Nội, thậm chí là nhà ở xã hội với mức giá khoảng 500 triệu đồng/ căn 50m2. Với những người thu nhập chỉ bằng lương 3 – 4 triệu đồng/tháng, sau khi trừ tất cả các khoản chi phí ăn ở, sinh hoạt hằng ngày, giả dụ có tiết kiệm được 1 triệu đồng/tháng thì cũng không thể mua được nhà ở Hà Nội hay một số thành phố lớn khác.
Thử nhìn vào một con số thống kế, cách đây hơn 1 năm thì thấy rằng 2 thành phố đầu tàu của cả nước là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã từng lọt vào top 100 thành phố đắt đỏ nhất thế giới. Nếu coi London là thành phố có giá nhà cao nhất thế giới, khoảng 50.000 USD/m2, thì xem ra vẫn rẻ so với giá nhà đất ở những vị trí vàng tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đó là một thực tế vô lý. Vô lý hơn khi Việt Nam vẫn là nước có thu nhập thấp so với nhiều nước nhưng giá bất động sản lại đứng ở hàng cao nhất nhì thế giới.
Theo Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, có đến 1/3 trong tổng số cán bộ công chức, viên chức cả nước chưa có nhà riêng. Theo điều tra mới nhất của Sở Xây dựng Hà Nội, thì điều kiện về chỗ ở của cán bộ, viên chức, công chức tại Hà Nội hiện nay là rất khó khăn. Chỉ có gần 30% cán bộ, công nhân viên Nhà nước được phân phối nhà ở; 19% trong số đó là nhà chung cư được xây dựng từ trước những năm 1990. Khoảng 15-20% hộ gia đình đang thực sự khó khăn về nhà ở.
Trong khi nhu cầu về nhà ở lớn, Nhà nước chưa thực sự kiểm soát được những diễn biến của thị trường nên thị trường bất động sản luôn tiềm ẩn những yếu tố bất ổn. Giao dịch ngầm khá phổ biến làm cho thị trường thiếu tính minh bạch. Một số liệu rất đáng chú ý mới đây, qua khảo sát tại 15 quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam có điểm số về tính minh bạch thị trường bất động sản thấp nhất và khảo sát 56 quốc gia ở nhiều châu lục khác nhau trên thế giới thì Việt Nam xếp thứ... 56. Thị trường bất động sản ở Việt Nam đang tồn lại nhiều bất cập làm cho thị trường luôn trong trạng thái nóng lạnh bất thường. Và trong nhiều trường hợp đã dẫn đến những hệ lụy là đất bỏ hoang phí trong xây dựng cơ bản, lãng phí nghiêm trọng trong đầu tư xã hội.
Cho đến nay, thông tin về thị trường bất động sản đang trong tình trạng mù mờ đối với cả cơ quan quản lý và người dân. Chẳng hạn, chúng ta không có một số liệu thống kê cụ thể nào như: thị trường có tất cả bao nhiêu dự án, có bao nhiêu diện tích sàn xây dựng... Thị trường bất động sản gần như trong tình trạng không ai quản lý. Vì gần như tất cả các giao dịch thứ cấp, mua đi bán lại - được thả nổi. Việc thả nổi này khiến thị trường vừa thiếu thông tin để định hướng đầu tư, vừa không tạo cơ hội để người dân thực sự có nhu cầu có thể mua được nhà ở, trong khi đó Nhà nước lại thất thu thuế.
Rõ ràng, đang có những rào cản và bất cập trong cách thức vận hành quản lý thị trường bất động sản. Những bất cập này tạo ra nhiều hệ lụy. Và khiến thị trường bất động sản không phát huy được vai trò là một trong những động lực quan trọng trong nền kinh tế. Đó cũng là nguyên nhân tạo nên những cơn sốt nhà đất, đẩy giá bất động sản lên cao một cách vô lý, ảnh hưởng không nhỏ đến đầu tư phát triển sản xuất và ổn định đời sống sinh hoạt của người dân.