Vé may bay đắt, khách hàng chuyển hướng đi đường bộ
Khảo sát mới nhất cho thấy, giá vé cuối tuần bình thường (khứ hồi) loại phổ thông chặng Hà Nội-Phú Quốc thấp nhất 5 triệu đồng/vé, cao nhất 8,1 triệu đồng/vé (tùy thuộc vào giờ bay và hãng bay).
Chặng TP. Hồ Chí Minh - Phú Quốc giá từ 3,5 - 4,5 triệu đồng/vé. Vào dịp lễ 30.4 sắp đến thì giá vé khứ hồi phổ thông chặng Hà Nội – Phú Quốc trung bình là 8,2 - 8,5 triệu đồng; chặng TP.Hồ Chí Minh -Phú Quốc là 5 - 8 triệu đồng/vé phổ thông, tùy hãng bay.
Giá trên đang cao hơn từ 1.5 đến 2 lần so với các địa điểm khác như Đà Nẵng, Nha Trang và cao hơn cả vé đi Thái Lan. So với giá khách sạn, giá 1 vé máy bay khứ hồi hạng phổ thông vào cuối tuần có thể đổi lấy 2 – 4 đêm tại khách sạn 5 sao.
Như vậy, chi phí đi lại quá tốn kém so với lưu trú và dẫn tới hệ lụy là các khách sạn Phú Quốc rất khó để khai thác được mảng khách đoàn, khách hội thảo, doanh nghiệp, trong khi mảng khách đoàn là thế mạnh từ trước đến nay, chiếm tới 40-50% thị phần.
Theo Giám đốc một công ty du lịch tại TP. Hồ Chí Minh, mọi năm công ty lấy khách từ Hà Nội, Vinh, Thanh Hóa tới "đảo Ngọc" rất đông, nhưng năm nay khách chuyển hướng đi Thái Lan, Singapore. Với giá vé như trên, tính ra mỗi gia đình 6 thành viên cũng ngót nghét 50 triệu đồng tiền vé, trong khi đó bay đi Thái Lan giảm được 40% chi phí. Điều này khiến các khu lưu trú, nghỉ dưỡng ở Phú Quốc chấp nhận ế ẩm.
Nhiều du khách cho hay, Phú Quốc là điểm đến ưu tiên cho cả gia đình vào dịp lễ 30-4. Tuy nhiên, năm nay nhiều gia đình không đặt phòng ở Phú Quốc vì giá vé máy bay tăng gần như gấp đôi so với năm ngoái mà chuyển hướng đi Vũng Tàu, Phan Thiết bằng đường bộ.
Mới đây, Hội Đầu tư phát triển du lịch Phú Quốc cũng đã gửi văn bản đến UBND tỉnh Kiên Giang đề xuất có giải pháp trước tình hình giá vé máy bay nội địa đến "đảo ngọc" hiện quá cao so với những năm trước, thậm chí còn cao hơn cả các chuyến bay quốc tế và nội địa khác có chiều dài tương đương.
Hội Đầu tư phát triển du lịch Phú Quốc mới đây đã gửi kiến nghị tới Bộ GTVT đề nghị cần có cơ chế chính sách với các cảng hàng không nhằm giảm chi phí vận hành để các hãng hàng không có giá vé mềm hơn cho du khách nhất là vào dịp cao điểm.
Kiến nghị UBND tỉnh và Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang tiếp tục có kế hoạch, chương trình làm việc với Tổng cục Du lịch, Cục Hàng không Việt Nam và các hãng hàng không để bảo đảm có được cơ chế giá vé máy bay quốc tế hợp lý, thúc đẩy hoạt động du lịch, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng và thúc đẩy phát triển các khu bất động sản nghỉ dưỡng.
Công suất phòng tại "đảo Ngọc" giảm mạnh
Bà Hoài Nga (chủ đầu tư của một dự án nghỉ dưỡng tại khu Dương Đông) cho hay, cùng kỳ năm 2022, khách đã đặt kín phòng cho những ngày lễ 30-4, và dịp giỗ Tổ Hùng Vương. Năm nay, tới hiện tại khách nội địa đặt phòng chỉ ở mức 20%, còn khách nước ngoài thì hầu như chưa có.
Theo bà Nga, trước đại dịch, Phú Quốc nhộn nhịp khách nước ngoài, tuy nhiên gần 3 năm vắng khách Trung Quốc, cộng thêm giảm khách Nga, nhiều khu nghỉ dưỡng ở Phú Quốc trở nên hoang vắng.
Mặt khác, du khách nước ngoài đến Phú Quốc chỉ được cấp thị thực tối đa là 1 tháng. Hết thời gian này, khách muốn ở thêm phải di chuyển qua Campuchia hoặc nước nào lân cận để xin thị thực rồi mới có thể tiếp tục kéo dài thời gian lưu trú ở "đảo ngọc" nên khách không quay lại.
Đại diện chủ đầu tư của dự án Phú Quốc Sunrise cho hay, không chỉ giải quyết các vấn đề pháp lý, dòng vốn tín dụng mà còn phải tạo nguồn cung dồi dào cho thị trường BĐS nghỉ dưỡng.
“Tôi nghĩ vấn đề lớn của BĐS Việt Nam không phải ở các dự án nhà ở đô thị, mà còn ở hàng trăm dự án BĐS nghỉ dưỡng biển trải dài suốt hàng nghìn km bờ biển nước ta và ở các đảo lớn. Hàng chục tỷ USD đã được đầu tư vào các dự án và họ cần được tiếp sức một cách bài bản”, vị đại diện này cho hay.
Tình trạng vắng khách du lịch, trong khi các khu nghỉ dưỡng lại nằm ở xa khu dân cư, khiến nhiều dự án bất động sản nếu không có giải pháp sẽ sớm biến thành những "đô thị ma". Tình trạng người mua nhà cũng chẳng buồn làm nội thất, hàng trăm villa, condotel "đắp chiếu" nằm đợi đã bắt đầu diễn ra ở nhiều khu đô thị mới tại Phú Quốc.
Nhiều chuyên gia cho hay, sau đại dịch Covid-19, hàng không và du lịch chính là những ngành nhà nước cần quan tâm mà trước mắt chỉ cần nhà nước mở thật rộng cửa cho du khách quốc tế bằng các chính sách đơn phương, song phương.
Nói về giải pháp cho việc phát triển thị trường bất động sản du lịch Việt Nam, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng: “Việt Nam là nước có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh du lịch rất lớn. Hiện nay, trên thế giới, so về tiềm năng phát triển du lịch, Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng phát triển lớn nhất. Vì vậy, để tối ưu những điểm mạnh và giá trị đó, cần có những chính sách, pháp lý phù hợp tạo đà cho sự phát triển của du khách từ đó thúc đẩy thị trường bất động sản du lịch”.
Đại diện của Hội Đầu tư phát triển du lịch Phú Quốc cho hay sẽ thúc đẩy các cuộc làm việc với địa phương, Bộ, ngành liên quan với mong muốn có lời giải đáp đưa giá vé máy bay đến Phú Quốc về mức hợp lý nhằm thu hút du khách đến với địa phương. Dẫu vậy, giải cứu cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Phú Quốc nói riêng và cả nước nói riêng, đang cần nhiều giải pháp đồng bộ và căn cơ hơn.