Chuẩn bị gia nhập Công ước La Hay

Bắt đầu từ thay đổi nhận thức

- Thứ Ba, 28/12/2021, 06:22 - Chia sẻ
Để chuẩn bị cho việc gia nhập Công ước La Hay năm 1980 về khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2018, nhiều ý kiến cho rằng, cùng với hoàn thiện cơ sở pháp lý cần bắt đầu từ việc đẩy mạnh tuyên truyền để thay đổi nhận thức. Bởi quan niệm của xã hội nói chung đều không cho rằng, việc cha/mẹ giữ hoặc đưa trẻ ra nước ngoài/đưa trở về Việt Nam khi chưa được sự đồng ý của người vợ/chồng hoặc chưa có quyết định cho phép của cơ quan có thẩm quyền là trái pháp luật.

Thiếu số liệu thống kê

Hiện đã có 101 thành viên tham gia Công ước Công ước La Hay năm 1980, trong đó có nhiều quốc gia có số lượng lớn các vụ việc về hôn nhân, gia đình có yếu tố nước ngoài như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia… Các nước thành viên đều đánh giá Công ước là một cơ chế hiệu quả để giải quyết nhanh chóng các vụ việc trẻ em bị giữ hoặc mang đi trái phép.

Việc giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền trẻ em, đặc biệt là giải quyết hậu quả của hành vi bắt cóc trẻ em ở nước ta thường được tiếp cận ở khía cạnh hình sự. Nước ta đã gia nhập một số Công ước liên quan như Nghị định thư về buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em; Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị hành vi buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của Liên Hợp Quốc… Song giải quyết hậu quả pháp lý của hành vi bắt cóc trẻ em theo khía cạnh dân sự lại là vấn đề hoàn toàn mới.

Theo Thông tư số 01/2013/TT-BTP của Bộ Tư pháp hướng dẫn chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự, Thông tư số 08/2015/TT-BTP sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2013 thì tiêu chí thống kê thi hành án dân sự không căn cứ vào quan hệ dân sự được giải quyết mà tính theo loại việc thi hành án (loại việc thi hành án chủ động, loại việc thi hành án theo đơn yêu cầu); số tiền thi hành án thu được, số việc cưỡng chế thi hành án...

Vì vậy hiện chưa có một thống kê chính thức nào về việc thi hành bản án, quyết định của tòa án liên quan đến việc giao trả con chưa thành niên cho người cha hoặc mẹ đã được tòa án quyết định cho được quyền trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc hoặc thi hành quyền được gặp gỡ, thăm nom con chưa thành niên của người cha/mẹ không trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc. Ngoài ra cũng chưa có số liệu thống kê về việc cha/mẹ hoặc người thân đưa trẻ em là con hoặc người do mình chăm sóc đi ra nước ngoài hoặc nhập cảnh vào Việt Nam trái phép.

Do không có số liệu nên công tác tổng kết, đánh giá, tìm ra những hạn chế, bất cập để có giải pháp khắc phục gặp nhiều khó khăn. Hiện Thông tư số 06/2019/TT-BTP của Bộ Tư pháp quy định chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính thay thế 2 thông tư trên đã đưa ra tiêu chí thống kê chi tiết về tính chất loại việc, trong đó có việc hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, biểu mẫu vẫn không có thông tin chi tiết về các loại việc giao trẻ và thực hiện quyền thăm con chung.

Dành những gì tốt nhất cho trẻ em

Nguồn: ITN 

Quy định rõ về quyền thăm nom

Hiện nay, hệ thống quy định pháp luật trong nước có liên quan đến nội dung của Công ước La Hay còn có nhiều khoảng trống hoặc chưa tương thích. Cụ thể, chưa có quy định về trình tự, thủ tục yêu cầu và giải quyết yêu cầu trao trả lại trẻ trong trường hợp trẻ bị mang đi hoặc giữ lại trái phép thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước; quy định về thực hiện quyền thăm nom chưa rõ ràng, chưa có định nghĩa quyền thăm nom và chỉ ghi nhận chung về quyền thăm nom con sau ly hôn. Những điều khoản Công ước đã quy định rõ thì có thể áp dụng trực tiếp. Tuy nhiên, nhiều quy định của Công ước cho phép quốc gia thành viên lựa chọn giải pháp phù hợp để thực thi.

Do vậy, theo một số chuyên gia pháp lý, để gia nhập Công ước, cần nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện pháp luật trong nước với thời gian và lộ trình cụ thể. Theo đó, nghiên cứu đổi mới quy trình thi hành án dân sự theo hướng quy định thủ tục thi hành án đối với quyền thăm nom con chung, quy định rõ hơn thủ tục xác minh người phải thi hành án và trẻ phải giao cũng như điều kiện áp dụng các chế tài nghiêm khắc ngay khi người phải thi hành án không tự giác thi hành.

Một số ý kiến lưu ý, theo quy định của Công ước cũng như thực tiễn các nước cho thấy, để thực thi Công ước hiệu quả đòi hỏi không chỉ các cơ quan nhà nước mà cả các tổ chức, cá nhân có liên quan phải nhận thức thống nhất, đầy đủ về các quyền và nghĩa vụ. Trong khi đó, từ góc độ pháp lý cũng như quan điểm xã hội, việc giải quyết hậu quả của hành vi cha/mẹ hoặc người thân giữ, đưa trẻ đi trái phép là vấn đề còn mới đối với nước ta. Việc cha, mẹ mang chính con mình ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài về Việt Nam nhằm mục đích nuôi dưỡng chưa được xã hội xem là hành vi bất hợp pháp và chưa nhận thức được hành vi đó thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước. Vì vậy, cần có khoảng thời gian hợp lý để tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của xã hội trước, trong và sau khi quyết định gia nhập Công ước.

Hoàng Tuấn