Bất bình đẳng vaccine và thiệt hại kinh tế

- Thứ Hai, 30/08/2021, 06:43 - Chia sẻ
Làm thế nào để phân bổ đồng đều vaccine trên toàn cầu hiện nay là một bài toán khó, vì sự bất bình đẳng về vaccine không những vạch rõ tình trạng phân hóa giàu nghèo giữa các nước, mà còn khiến các nền kinh tế thế giới và đặc biệt các nước đang phát triển, nước nghèo phải chịu thiệt hại nặng nề.

Những con số biết nói

Các chiến dịch tiêm chủng đang tiến triển với tốc độ chậm ở các nền kinh tế có thu nhập thấp hơn. Trong khi nhiều quốc gia nghèo đang bị tụt lại phía sau trong cuộc đua tiêm chủng, thì các quốc gia giàu hơn đang vượt xa về tỷ lệ tiêm chủng, thậm chí tiến tới liều vaccine tăng cường cũng như mở cửa lại nền kinh tế. Sự bất bình đẳng nguồn cung vaccine ngừa Covid-19 xuất hiện do sự thiếu hụt toàn cầu về năng lực sản xuất và nguyên liệu điều chế ra vaccine, thêm vào đó là sự khó khăn về hậu cần trong việc vận chuyển, lưu trữ vaccine hay tâm lý do dự vì không tin tưởng vào các mũi tiêm.

	Nguồn: CNBC
Nguồn: CNBC

Đến nay, toàn thế giới đã có khoảng 5 tỷ liều vaccine đã được sử dụng, song khoảng 85% trong số đó thuộc các quốc gia có thu nhập cao và trung bình cao. Cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU) dự đoán rằng, nếu các quốc gia không thể tiêm đủ 60% cho người dân của họ vào giữa năm 2022, thì nền kinh tế thế giới sẽ thiệt hại 2,3 nghìn tỷ USD từ năm 2022 - 2025. Các quốc gia đang phát triển sẽ phải chịu 2/3 số tiền thiệt hại đó và sẽ làm trì hoãn sự phát triển, cũng như khả năng theo kịp với các nước phát triển hơn.

Đặc biệt, châu Á sẽ là châu lục chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, dự kiến thiệt hại lên tới 1,7 nghìn tỷ USD, tương đương với 1,3% GDP dự báo của khu vực, và các nước ở châu Phi cận Sahara sẽ mất khoảng 3% GDP, mức cao nhất tính theo tỷ lệ phần trăm. Theo EIU, những sự ước tính này chỉ nắm bắt được một phần trong những cơ hội kinh tế bị bỏ lỡ và không tính tác động của đại dịch đối với ngành giáo dục.

Nhiều nước đang phát triển cũng không đủ khả năng mua vaccine và phải tìm nguồn tài trợ từ các nước giàu hơn, song các sáng kiến ​​toàn cầu như COVAX do WHO tài trợ vận chuyển đã không hoàn toàn thành công trong việc cung cấp vaccine cho những người thực sự cần tới nó, cũng như đạt được kỳ vọng như mong muốn. COVAX đã đặt mục tiêu cung cấp khoảng 2 tỷ liều vaccine trong năm 2021, nhưng cho đến nay con số này chỉ mới xuất xưởng được 217 triệu liều. Giám đốc phụ trách dự báo toàn cầu của EIU Agathe Demarais cho biết, mặc dù có những lời hứa hào phóng cùng với các khoản quyên góp từ các nước giàu cũng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ các yêu cầu và thường thì chúng thậm chí không được chuyển đến.

Sau đại dịch Covid-19 các nước nghèo hơn sẽ phục hồi chậm hơn, đặc biệt trong trường hợp các biện pháp hạn chế cần được áp dụng do tỷ lệ tiêm chủng thấp vì thiếu hụt nguồn vaccine. Mọi kế hoạch về việc mở cửa trở lại cũng sẽ bị gián đoạn điển hình như ngành du lịch. Trong bối cảnh việc một người có chứng nhận đã tiêm chủng vaccine đang được nỗ lực thúc đẩy trên toàn thế giới, khách du lịch cũng sẽ tránh các quốc gia có dân số lớn chưa được tiêm chủng do lo ngại về an toàn.

Hơn nữa những sự bất ổn về chính trị và các đợt bất ổn xã hội có khả năng xảy ra cao trong thời gian tới, người dân có thể không hài lòng khi chính quyền địa phương của họ không thể cung cấp vaccine. Các nhà lãnh đạo của các nước không những sẽ phải đối phó với những trường hợp khẩn cấp như tốc độ lây lan tăng nhanh, mà còn cần phải thiết lập một chiến lược dài hạn hơn, đặc biệt với biến chủng Delta như hiện nay.

Nỗ lực tự cung tự cấp tại các nước châu Á

Thay vì chờ đợi vaccine từ một nguồn cung khác, phương án tự phát triển vaccine nội địa đang trở thành xu hướng tại các nước thuộc khu vực châu Á như Thái Lan, Nhật Bản hay Ấn Độ. Điển hình tại Ấn Độ, quốc gia hiện đang có ít nhất 15 loại vaccine Covid-19 được phát triển ở những giai đoạn khác nhau. Vaccine Covaxin đã được đưa vào sử dụng với dữ liệu hiệu quả cho thấy đạt 77,8% trong các ca nhiễm có triệu chứng, loại vaccine Covid-19 này cũng sử dụng công nghệ virus bất hoạt của hãng dược phẩm Bharat Biotech, được phê duyệt sử dụng khẩn cấp từ hồi tháng 1, trước khi được thử nghiệm giai đoạn 3.

Bộ Công nghệ Sinh học Ấn Độ cũng đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Covid-19 nội địa thứ hai có tên ZyCoV-D, do hãng Zydus Cadila sản xuất. Đây là loại vaccine Covid-19 ADN đầu tiên trên thế giới, có thể được đưa vào cơ thể bằng thiết bị tiêm không mũi kim với liệu trình ba liều, đối tượng sử dụng là người trưởng thành và trẻ em trên 12 tuổi. Ấn Độ đang tăng tốc phát triển thêm các loại vaccine Covid-19 nội địa, để nhanh chóng tiêm chủng cho 1,3 tỷ dân và phục vụ mục tiêu xuất khẩu.

Trong khi đó, tại Thái Lan cũng đã trải qua làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng từ biến thể Delta, với số ca nhiễm lên tới 20.000 mỗi ngày và mục tiêu là phải có thêm nhiều vaccine Covid-19 hơn. Do đó, giới khoa học Thái Lan đã tự nghiên cứu và 3 trong 6 loại vaccine đang được đưa vào thử nghiệm từ đầu năm để không bị phụ thuộc quá nhiều từ các loại vaccine nhập khẩu, những kết quả khả quan đối với hai vaccine đang được thử nghiệm lâm sàng là ChulaCov-19, sử dụng công nghệ mRNA, và NDV-HXP-S sử dụng công nghệ virus bất hoạt, và một ứng viên vaccine Covid-19 khác là Baiya Sars-CoV-2 Vax 1 dự kiến bắt đầu được thử nghiệm trên người vào tháng tới. Hiện nay Thái Lan chưa có loại nào được cấp phép sử dụng, nhưng hy vọng về những loại vaccine nội địa sẽ được sử dụng là mũi tiêm nhắc lại trong thời gian tới.

Đại dịch Covid-19 đã, đang và sẽ tiếp tục là một thách thức đặc biệt đối với toàn nhân loại, không một quốc gia nào có thể một mình vượt qua nó và con đường duy nhất để tiến về phía trước là một chiến lược tiêm chủng toàn cầu nhanh chóng, được phối hợp chặt chẽ, với việc tăng cường năng lực sản xuất và phân phối một cách công bằng dựa trên nhu cầu thực tế. Sự kết hợp giữa những nguồn cung vaccine nhập khẩu và nội địa sẽ nhanh chóng giúp người dân giữa các quốc gia bình đẳng. Qua đó thế giới mới có thể sớm vượt qua được thời kỳ đại dịch và cuộc sống sẽ mau chóng trở lại bình thường.

Như Ý