Bạo lực gia tăng về số lượng và mức độ
Theo thống kê, mỗi ngày, tổng đài 111 dưới sự quản lý của Cục Trẻ em thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trực tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em từ cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân qua điện thoại, kiểm tra thông tin tố giác ban đầu.
Trong 20 năm hoạt động (giai đoạn 2004 - 2024), tổng đài đã nhận gần 6 triệu cuộc gọi đến; trong đó, tư vấn và hỗ trợ 496.183 ca, can thiệp hơn 10.900 ca trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, bị mua bán...
Số cuộc gọi về xâm hại, bạo lực trẻ em có xu hướng tăng đột biến những năm gần đây. Từ năm 2019 đến nay, các cuộc gọi về vấn đề này trung bình chiếm trên dưới 50%. Đặc biệt, trong các ca can thiệp của Tổng đài; các ca xâm hại, bạo lực chiếm tỷ lệ cao, với 45,28% là ca bạo lực và 24,31% là ca xâm hại tình dục.
Theo báo cáo của Bộ Công an, 8 tháng đầu năm 2024, trên toàn quốc đã điều tra, khởi tố 1.198 vụ với 1.419 bị can liên quan đến các hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em; xử lý hành chính 48 vụ, 125 đối tượng. Trong đó, 188 vụ dùng mạng xã hội để làm quen với trẻ em để xâm hại. Ngoài ra, tình trạng bạo lực học đường cũng thường xuyên diễn ra.
Phó Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương TS.BS. Ngô Anh Vinh cho biết, tình trạng bạo lực trẻ em trong gia đình ngày một gia tăng, cả về số lượng lẫn mức độ. Đây không còn là một vấn đề của riêng gia đình mà còn là vấn đề của toàn xã hội. Sự nhận thức về tính nghiêm trọng và hậu quả lâu dài của các hành vi bạo lực gia đình đối với trẻ em còn chưa được cảnh báo đúng mức.
Chia sẻ về một trường hợp khó quên, TS.BS. Ngô Anh Vinh chia sẻ về trường hợp bé gái 13 tuổi tự tử bằng cách uống thuốc trừ sâu do bức xúc khi bị mẹ và chị gái đánh. Bệnh nhi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch nguyên nhân chỉ vì bạo lực trong gia đình. Sau khi cấp cứu thành công, các bác sĩ đánh giá, bệnh nhân có những tổn thương về tâm lý và cần phải điều trị hỗ trợ.
Các bác sĩ cùng với nhà tâm lý đã gặp gia đình để trao đổi và hướng dẫn về việc giáo dục đối với trẻ. Sau một thời gian trị liệu tâm lý, tình trạng tinh thần của trẻ được cải thiện và được ra viện để tiếp tục học tập, hòa nhập với cộng đồng. Tuy nhiên, các bác sĩ cũng lo lắng về tương lai của cháu vì khi về nhà, nếu tình trạng bạo hành gia đình vẫn xảy ra thì việc trẻ có hành động tiêu cực là điều khó tránh khỏi.
Tăng cường trách nhiệm của gia đình, cộng đồng
Tình trạng bạo lực trẻ em trong gia đình và ngoài xã hội ngày một gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ; liên tiếp các vụ bạo lực được đưa ra ánh sáng, còn không ít vụ chưa được phanh phui. Trẻ em bị bạo lực từ hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi đến các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.
Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Đặng Hoa Nam cho biết, các vụ bạo lực trẻ nhỏ cho thấy, hiện đang thiếu mạng lưới cộng tác viên xã hội chuyên biệt. Nếu chỉ trông chờ vào đội ngũ thanh tra, kiểm tra sẽ rất khó phát hiện tình trạng bạo lực trẻ nhỏ, trong khi nhân lực hạn chế, số cơ sở có liên quan tới chăm sóc trẻ em lại quá nhiều.
Chưa kể tình trạng vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt, khi triển khai các chương trình về phòng, chống bạo lực, giáo dục giới tính, chống xâm hại tình dục trẻ em ở các vùng sâu, vùng xa, cha mẹ vẫn còn tâm lý ngại ngùng khi lắng nghe, số lượng đưa con và cùng con đến các buổi tuyên truyền để học hỏi, tiếp nhận những kiến thức còn thấp.
Trong khi đó, có rất nhiều trường hợp bị xâm hại, bạo lực xảy ra ngay từ gia đình hoặc do sự lơ là của chính gia đình; có những trường hợp đã được báo cáo nhưng công tác xử lý gặp rất nhiều cản trở, không được tiến hành; chỉ khi vụ việc bị dư luận lên tiếng thì các cơ quan chức năng mới vào cuộc.
Trước thực tế trên, cần nâng cao nhận thức của xã hội, tăng cường trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng về hậu quả của bạo lực đối với trẻ em; chú trọng hỗ trợ, cung cấp kiến thức nuôi dạy con cho cha mẹ, người chăm sóc và gia đình. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, cung cấp kiến thức về ảnh hưởng của bạo lực đối với trẻ em; xác định trách nhiệm của gia đình, xã hội, cộng đồng trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em; tăng cường sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong quản lý, giáo dục, bảo vệ trẻ em.
Bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực là trách nhiệm của mọi người; bản thân mỗi người đều phải nhận thức về tầm quan trọng, lên tiếng chống lại bạo lực trẻ em, không để trẻ em phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do bạo lực gây ra. Bên cạnh đó, phối hợp thực hiện có hiệu quả, giám sát việc thực hiện hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em; xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm và vai trò của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội, nhà trường, gia đình và các cá nhân trong bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đáp ứng các nhu cầu chăm sóc và bảo vệ an toàn cho mọi trẻ em.