Phát biểu tại hội thảo, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, TS. Trần Hữu Minh chia sẻ, sau nhiều năm áp dụng, những quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp tình hình thực tiễn. Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ được Quốc hội Khóa XV thông qua ngày 27.6.2024 có nhiều điểm mới. Trong đó có những quy định hết sức tiến bộ, thiết thực liên quan đến việc nâng cao an toàn giao thông cho trẻ em như: quy định về chỗ ngồi an toàn cho trẻ, quy định về thắt dây an toàn và sử dụng thiết bị an toàn trên xe ô tô, cho trẻ em.
Cũng theo TS. Trần Hữu Minh, nhìn vào Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về Việt Nam, năm ngoái chúng ta vẫn còn trong danh sách cảnh báo “điểm đỏ” về việc chưa có quy định về thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô. Tuy nhiên, đến nay, chúng ta đã có sự thay đổi về các quy định pháp luật nhằm khắc phục những khuyến cáo của WHO và thế giới đối với Việt Nam. Những thay đổi về mặt chính sách đó là thiết thực, nhằm góp phần bảo vệ, chống và giảm thiểu các thương tích nghiêm trọng ở cả người lớn và trẻ em khi xảy ra va chạm giao thông.
Để triển khai hiệu quả bất kỳ những quy định mới nào vào thực tiễn thì đều có những khó khăn, trở ngại. Do đó, để các quy định mới của Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ, thực sự đi vào cuộc sống và được người dân ủng hộ, thực hiện, rất cần có sự chuẩn bị và tham gia của các tổ chức, đơn vị tuyên truyền, tư vấn làm thay đổi nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ khi tham gia giao thông cũng như chuẩn bị cho việc đáp ứng những nhu cầu của thị trường về các thiết bị an toàn cho trẻ em, TS. Trần Hữu Minh nhấn mạnh.
Chia sẻ về những điểm mới của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được (năm 2024), Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết, Luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2025. Luật gồm 9 chương, 89 điều, với nhiều điểm mới nổi bật, trong đó có bổ sung các quy định về bảo vệ trẻ em tham gia giao thông đường bộ.
Theo đó, Luật quy định không cho trẻ dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét ngồi cùng hàng ghế với người lái xe. Trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em (trừ xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật đường bộ). Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em…
Tại Hội thảo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương (Đại học Y tế Công cộng), PGS. TS Phạm Việt Cường chia sẻ, sử dụng các thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô là giải pháp được khuyến cáo sẽ làm giảm các chấn thương nghiêm trọng và nguy cơ tử vong cho trẻ em. Kết quả tổng hợp từ các nghiên cứu cho thấy, việc sử dụng thiết bị an toàn có thể giảm tỷ lệ thương tích từ 25% - 90%. Thiết bị này bao gồm nhiều kích thước khác, thương hiệu khác nhau phù hợp với từng độ tuổi, giai đoạn phát triển của trẻ như: ghế nôi quay về phía sau hoặc cạnh, ghế quay về trước, ghế nâng, đệm nâng…
Mặc dù, được khuyến cáo là an toàn, bảo vệ tốt cho trẻ em trong nhiều tình huống va chạm giao thông, nhưng qua khảo sát, tỷ lệ sử dụng các thiết bị này trên ô tô cá nhân vẫn hạn chế. Hiện chỉ có khoảng 1,3% xe có sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em, PGS. TS Phạm Việt Cường cho biết.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến cáo, hiện nay trên thị trường có nhiều loại thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô khác nhau được rao bán. Tuy nhiên, người mua cần lựa chọn những sản phẩm có chất lượng, đạt tiêu chuẩn và phù hợp với loại phương tiện mình đang sử dụng. Mặt khác cũng cần sử dụng các thiết bị này đúng cách để bảo đảm an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến cáo, không nên cho trẻ em ngồi ghế trước do đây là vị trí chịu nhiều lực tác động hơn khi xảy ra va chạm. Ở vị trí này trẻ cũng dễ bị hất văng ra ngoài xe trong các trường hợp không cài dây an toàn hoặc chịu lực va đập lớn của túi khí khi có va chạm giao thông, cũng như gây mất tập trung hơn cho người lái…