Sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi:

Bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền

- Thứ Hai, 29/11/2021, 16:29 - Chia sẻ
Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) đã được Quốc hội Khóa XIII thông qua ngày 18.6.2012, có hiệu lực kể từ ngày 1.1.2013, đánh dấu một mốc quan trọng trong hoạt động BHTG. Thực tế triển khai đã chứng minh, Luật BHTG là một công cụ pháp lý hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, qua gần 9 năm thực thi Luật BHTG đã bộc lộ một số bất cập cần được giải quyết.
Nguồn: Internet

Giữ ổn định và phát triển của ngành tài chính ngân hàng

Luật BHTG đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo hành lang pháp lý cao nhất cho hoạt động BHTG. Sự ra đời của Luật BHTG góp phần vào sự ổn định và phát triển của ngành tài chính ngân hàng Việt Nam.

Luật BHTG đã có những quy định cụ thể như: xác định rõ mục đích của BHTG là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền; Người được BHTG là cá nhân có tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia BHTG; Nhà nước có chính sách bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền; Quyền và nghĩa vụ của người gửi tiền như: được bảo hiểm số tiền gửi của mình tại tổ chức tham gia BHTG, được nhận tiền bảo hiểm đầy đủ và đúng thời hạn, được yêu cầu tổ chức tham gia BHTG, tổ chức BHTG cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, chế độ về BHTG…; Xác định thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm; Số tiền bảo hiểm được trả; Xử lý số tiền vượt hạn mức trả tiền bảo hiểm…

Dù Luật BHTG đã tạo chuyển biến tích cực đến hoạt động BHTG tại Việt Nam, tạo lập cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động BHTG.Tuy nhiên, qua quá trình triển khai Luật BHTG, một số vướng mắc, bất cập đã phát sinh làm hạn chế hiệu quả bảo vệ người gửi tiền. Chính vì vậy, việc chủ động nghiên cứu và đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung Luật BHTG để bảo vệ tốt hơn nữa quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền là rất cần thiết.

Cần quy định rõ tiền gửi “được” và “không được” bảo hiểm

Luật BHTG quy định tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia BHTG dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, trừ các loại tiền gửi sau:

Một là, tiền gửi tại tổ chức tín dụng của cá nhân là người sở hữu trên 5% vốn điều lệ của chính tổ chức tín dụng đó.

Hai là, tiền gửi tại tổ chức tín dụng của cá nhân là thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) của chính tổ chức tín dụng đó; tiền gửi tại chi nhánh ngân hàng nước ngoài của cá nhân là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) của chính chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó.

Ba là, tiền mua các giấy tờ có giá vô danh do tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phát hành.

Nghị định số 68/2013/NĐ-CP ngày 28.6.2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật BHTG quy định tổ chức tài chính vi mô phải tham gia BHTG đối với tiền gửi của cá nhân bao gồm cả tiền gửi tự nguyện của khách hàng tài chính vi mô, trừ tiền gửi tiết kiệm bắt buộc theo quy định của tổ chức tài chính vi mô. Hiện nay, còn có các quan điểm khác nhau trong việc xác định tiền gửi được bảo hiểm. Khó khăn, vướng mắc trong việc xác định một số loại tiền gửi là tiền gửi được bảo hiểm hay tiền gửi không được bảo hiểm như tiền gửi ký quỹ, tiền gửi đảm bảo nghĩa vụ thanh toán, tiền trong tài khoản ví điện tử, tiền mua trái phiếu do tổ chức tham gia BHTG phát hành...

Do vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xác định tiền gửi được bảo hiểm nhằm chi trả đúng, đầy đủ cho người gửi tiền, cần thiết đề xuất bổ sung vào Luật BHTG các quy định nhằm phân biệt rõ tiền gửi không được bảo hiểm. Cụ thể, tiền gửi bắt buộc theo quy định của tổ chức tài chính vi mô là tiền gửi không được bảo hiểm. Bên cạnh đó, cần quy định Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn đối với các loại tiền gửi chưa được quy định tại Luật BHTG.

Xác định lại thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền

Luật BHTG quy định nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm phát sinh kể từ thời điểm xảy ra một trong các sự kiện: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà TCTD là tổ chức tham gia BHTG vẫn lâm vào tình trạng phá sản; hoặc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản xác định chi nhánh ngân hàng nước ngoài là tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền.

Tuy nhiên, hiện tại quy định nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt tại Luật BHTG không có sự thống nhất với quy định tại Điều 98 Luật Phá sản và Điều 145b Luật Các tổ chức tín dụng, dẫn tới bất cập trong việc xác định thời điểm phát sinh nghĩa vụ. Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước ra quyết định chấm dứt kiểm soát đặc biệt sau khi Tòa án mở thủ tục phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; trong khi Luật Phá sản quy định Tòa án chỉ thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi đã có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước. Sự không thống nhất này gây khó khăn khi xác định thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Luật số 17/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt trong trường hợp có khả năng phục hồi có thể được thực hiện các phương án cơ cấu lại trước khi tính đến phương án phá sản, giai đoạn này mất nhiều thời gian, có thể khiến người gửi tiền có tâm lý hoang mang, không tin tưởng vào chính sách BHTG.

Từ các vướng mắc nêu trên, để bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, cần thiết sửa đổi thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm theo hướng xác định sớm hơn thay vì quy định như hiện tại.

Nên quy định về chi trả trong trường hợp đặc biệt

Luật BHTG quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà tổ chức BHTG trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia BHTG khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm; Thủ tướng Chính phủ quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong từng thời kỳ.

Hạn mức trả tiền bảo hiểm đã được điều chỉnh tăng dần theo từng thời kỳ, từ 30 triệu đồng (năm 1999), lên50 triệu đồng (năm 2005) và 75 triệu đồng (năm 2017). Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 20.10.2021 về hạn mức trả tiền bảo hiểm; theo đó hạn mức trả tiền bảo hiểm là 125 triệu đồng. Việc điều chỉnh tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, qua đó góp phần củng cố niềm tin của người dân đối với hệ thống các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, thực tiễn xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, đặc biệt là các quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt cho thấy người gửi tiền cần được bảo vệ tốt hơn nữa; đặc biệt trong trường hợp thị trường tài chính có nguy cơ khủng hoảng thì cần có cơ chế về hạn mức trả tiền bảo hiểm trong các trường hợp đặc biệt.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng cơ chế bảo hiểm toàn bộ trong khủng hoảng tài chính, tuy nhiên cơ chế bảo hiểm toàn bộ thường được thực hiện thông qua cam kết chính trị từ Chính phủ (Indonesia, Philippine...). Do vậy, cần thiết nghiên cứu để đề xuất bổ sung vào Luật BHTG quy định về việc chi trả trong trường hợp đặc biệt.

Có thể nói, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền là mục tiêu quan trọng nhất trong hoạt động BHTG. Việc bảo vệ người gửi tiền trước hết cần có cơ chế, có cơ sở pháp lý để triển khai. Do vậy, để việc sửa đổi, bổ sung Luật BHTG được đầy đủ, đảm bảo hiệu quả thực thi, cần tiếp tục chủ động nghiên cứu đưa ra đề xuất cụ thể, qua đó bảo vệ một cách tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.

Phòng pháp chế - BHTGVN